Hợp tác quốc phòng, điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam-EU

Nếu hợp tác thương mại, đầu tư là trụ cột của quan hệ Việt Nam-EU trong 30 năm qua kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao (28-11-1990 / 28-11-2020), đặc biệt là khi Hiệp định PCA có hiệu lực năm 2016, thì hợp tác quốc phòng được xem là điểm nhấn trong quan hệ song phương. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức EU của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 1-2013, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có buổi làm việc với Giám đốc điều hành Cơ quan hành động đối ngoại EU (EEAS), Cơ quan Quản lý khủng hoảng và kế hoạch (CMPD) và Chủ tịch Ủy ban quân sự EU (EUMS). Tuy thời gian gấp nhưng buổi làm việc này đã mở ra chương mới trong hợp tác giữa hai bên.

Tháng 12-2017, lần đầu tiên EU cử Chủ tịch EUMS sang Việt Nam đặt vấn đề chính thức xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng. Chuyến thăm cho thấy phía EU đánh giá cao vai trò của Việt Nam và coi trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Chuyến thăm này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh EU đang có tiếng nói ngày càng quan trọng và độc lập hơn tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini ký Hiệp định FPA. Ảnh: THU TRANG.

Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti, từ năm 2018, EU đưa ra định hướng về thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng với châu Á và tại châu Á. “Chúng tôi xác định 5 quốc gia ưu tiên trong giai đoạn đầu, trong đó có Việt Nam, để triển khai định hướng mới này. Có nhiều lĩnh vực mà chúng tôi có thể hợp tác với Việt Nam như an ninh hàng hải, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống”, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho biết.

Từ năm 2018, hai bên tăng cường các chuyến thăm song phương. Trong hai năm (2018 và 2019), đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã 4 lần thăm làm việc tại EU và dự Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước EU. Trong các chuyến thăm, hai bên đã thảo luận chi tiết về phương hướng và các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng trong thời gian tiếp theo. Tháng 8-2019, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã sang Việt Nam và có cuộc hội kiến với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhân chuyến thăm này, hai bên đã ký Tài liệu khái niệm về triển khai chuyên gia Gìn giữ hòa bình (GGHB) hỗ trợ kỹ thuật cho Cục GGHB Việt Nam.

Chỉ hai tháng sau, nhân chuyến thăm EU của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, hai bên đã ký kết Hiệp định về việc thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng với EU (Hiệp định FPA), tạo nền tảng thuận lợi để hai bên tiếp tục làm sâu sắc quan hệ hợp tác quốc phòng.

Ngay khi Hiệp định FPA được ký kết, hai bên đã tổ chức Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam-EU lần thứ nhất tại Brussels, Bỉ. Tại đối thoại này, EU đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định chung của khu vực và trên thế giới. Về phần mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị Việt Nam và EU cần tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực; đánh giá cao việc EU cử giảng viên hỗ trợ Trung tâm Huấn luyện thuộc Cục GGHB Việt Nam. Dự kiến, Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam-EU lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay, qua đó hai bên xác định nội dung và tiếp tục triển khai hợp tác trong thời gian tới.

Phấn đấu đưa hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột của mối quan hệ song phương

Có thể nói, Việt Nam giờ đây đã trở thành đối tác đầy đủ của EU trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đã thiết lập được một số cơ chế hợp tác phù hợp với nhu cầu và khả năng, trong đó có những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như: Đào tạo, GGHB LHQ, khắc phục hậu quả chiến tranh... Năm 2020, hai bên đã thiết lập được quan hệ hợp tác chính thức thông qua việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu với một số cơ sở, viện nghiên cứu về quốc phòng-an ninh của EU và các nước thành viên. Hai bên cũng xác định được một số nội dung hợp tác cụ thể và cử được một số cán bộ nghiên cứu tham dự các khóa tập huấn/đào tạo do EU tổ chức.

Nói về hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho biết, EU sẽ tiếp cận từng bước để thúc đẩy nội dung hợp tác quốc phòng với Việt Nam cũng như định hướng cho tương lai. “Chúng tôi có các cố vấn quốc phòng đặt tại phái đoàn EU ở mỗi nước. Đây là những người có vai trò quan trọng trong việc xác định những nội dung hợp tác cần triển khai”, Đại sứ cho biết thêm.

Với những bước phát triển trong hợp tác quốc phòng Việt Nam-EU thời gian qua, hai bên nhất trí đưa hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột trong khuôn khổ Hiệp định PCA, hợp tác thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

LINH OANH