Nội dung thảo luận được điều hành bởi Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
 |
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận. |
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung nội dung quy định thẩm quyền khen thưởng với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội không chuyên trách.
Về phát động, chỉ đạo phong trào thi đua, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung đủ các chủ thể, bảo đảm tính toàn diện trong phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Cụ thể là cần bổ sung Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào các chủ thể phát động, tổ chức phong trào thi đua.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu ý kiến cần xem xét về sự tương quan trong hệ thống chính trị. Dự án luật được xây dựng trên nền tảng luật cũ, kế thừa luật cũ, nhưng cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, quy định tặng Cờ thi đua Chính phủ cho các cơ quan thuộc quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thì đúng rồi, nhưng tặng Cờ thi đua Chính phủ cho khối Đảng, khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khối Quốc hội và HĐND thì đã đúng chưa? Quy định thẩm quyền phát động thi đua chỉ có Chủ tịch nước và Thủ tướng, vậy Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội có thể phát động phong trào thi đua không?
Đồng ý với đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét bổ sung hình thức khen thưởng của Quốc hội. Thực tế, hiện nay, Quốc hội chưa có hình thức khen thưởng gì. Đồng thời bổ sung quy định thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương có cả đại diện của khối Quốc hội để có thêm tiếng nói, góc nhìn và ý kiến về công tác thi đua, khen thưởng của cả hệ thống chính trị.
 |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu ý kiến. |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là những cơ quan tương đương với cấp bộ, các cơ quan của UBTVQH như Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng là những cơ quan nhà nước nhưng không được phát động phong trào thi đua, không được tổ chức khen thưởng. Đại biểu Quốc hội cũng là cán bộ, công chức, viên chức nhưng tổng kết công tác hằng năm không được bình xét lao động tiên tiến, không được bình xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Để khắc phục tình trạng này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung thẩm quyền thành lập Hội đồng thi đua cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH; hoặc chí ít là bổ sung thẩm quyền thành lập Hội đồng thi đua chung cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH do UBTVQH chỉ đạo…
Trước nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nhiều vấn đề mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự án luật.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật cần bảo đảm khái quát được vấn đề thi đua khen thưởng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội nhưng tránh chồng chéo, hình thức, hiệu quả thấp; cần xem xét kỹ lại các danh hiệu thi đua. Thi đua, khen thưởng cần bảo đảm tính bao quát giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó cần lưu ý đối với khu vực ngoài nhà nước.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG