 |
Bộ đội gặt lúa giúp dân xã Đức Chánh. |
Trên đường về xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức (địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất), chúng tôi thấy hệ thống đường giao thông nông thôn bị sạt lở, nước ngập trắng đồng. Hai bên đường, ánh mắt những người dân lộ rõ sự lo lắng... Dưới ruộng, từng tốp bộ đội dầm mình trong lũ, giúp dân gặt lúa, những gương mặt chiến sĩ ướt đẫm nước mưa trộn lẫn mồ hôi, nhưng ai cũng chăm chú đưa nhanh tay liềm, tay hái, làm việc hăng say...
Thượng tá Lê Văn Dũng, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi có mặt tại địa bàn từ rất sớm, suốt ba ngày nay quần áo không kịp khô, nhưng vẫn “bám dân”. Anh cho biết: “Chúng tôi xác định, giúp dân là “mệnh lệnh trái tim”, vì vậy từ chiều 7-9, Bộ CHQS tỉnh đã điều động 110 cán bộ, chiến sĩ các Đại đội trực thuộc Bộ chỉ huy, Đại đội huấn luyện (Đơn vị T87) và Ban CHQS huyện Mộ Đức hành quân trong mưa lũ về với bà con”.
Sau hơn hai ngày “chạy đua” cùng thời gian, đối mặt với mưa lũ và gió rét, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã giúp 150 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo gặt hơn 15ha lúa ngập sâu trong lũ, vận chuyển về tận nhà… Thiếu úy Đỗ Thanh Bình, Chính trị viên Đại đội Thiết giáp 74 bị sốt nhẹ vẫn gắng sức bám địa bàn, chỉ huy bộ đội. Thượng úy Bùi Mi Lơ (quê Mộ Đức), nhà cửa bị ngập sâu trong nước, nhưng anh vẫn gác việc riêng lo việc chung. Binh nhất Nguyễn Thanh Thảo và Binh nhất Nguyễn Thanh Lộc cùng quê huyện đảo Lý Sơn, mấy ngày nay nhà cũng bị mưa gió giật tốc mái, nhưng vẫn xung phong vào Mộ Đức gặt lúa giúp dân.
Không riêng gì lực lượng chiến sĩ trực tiếp giúp dân, mà lãnh đạo chỉ huy cũng không kém phần tất bật. Đại tá Nguyễn Ngọc Ân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, suốt cả tuần nay quần xắn quá gối ngược lên Trà Bồng, xuống Mộ Đức, rồi lại ra Bình Sơn kiểm tra công tác phòng chống lụt bão (PCLB) của các địa phương. Đại tá Tạ Nhân, Chính ủy Bộ CHQS dầm mưa lội nước về những vùng trọng điểm động viên các lực lượng giúp dân; thăm hỏi bà con vùng ngập lũ…
Trên cánh đồng mênh mông ngập nước, hàng trăm nông dân, bộ đội cặm cụi làm việc. Thiếu úy Đỗ Thanh Bình gạt vội những giọt nước mưa chảy ròng xuống má, tâm sự: “Chúng tôi phải tranh thủ thời gian cả buổi trưa, may ra mới vớt vát được phần nào, chứ nhìn thấy lúa ngập sâu trong nước như thế này thì xót ruột lắm, một mùa thiếu ăn đã cận kề với bà con…”. Tuy cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh không nói nhiều về mình, nhưng qua tìm hiểu chúng tôi biết, các anh đã phải dậy từ 4 giờ sáng, đội mưa, đội gió ra đồng. Ban ngày bộ đội làm việc quần quật, khẩu phần ăn trưa chỉ là những ổ bánh mỳ, nhưng chẳng ai kêu ca, phàn nàn. Tối về các anh lại thức thâu đêm giúp bà con tuốt, đốt lửa hong khô kẻo lúa nảy mầm… Có một câu chuyện khá cảm động tôi nghe ông Bùi Tấn Nên (gia đình liệt sĩ) ở xã Đức Chánh kể lại. Thấy bộ đội suốt cả ngày dầm mình trong lũ, gia đình ông đã nhường chăn chiếu cho các anh nghỉ ngơi, nhưng ông nói mãi mà chẳng ai chịu nằm.
Chính những lời nói và hành động “tận tình, tận nghĩa giúp dân” của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã để lại những tình cảm sâu nặng trong lòng nhân dân. Bà Huỳnh Thị Nhung (76 tuổi), vợ liệt sĩ ở thôn 4 cảm động nói: “Nhà tui neo người, toàn bộ ruộng vườn ngập sâu trong lũ, nếu không có các chú bộ đội giúp đỡ thì coi như mất trắng, nay mai chẳng biết lấy gì mà ăn. Bà con vùng này biết ơn bộ đội nhiều lắm”.
Ở Quảng Ngãi đến chiều 9-9 mưa vẫn còn nặng hạt, Thượng tá Lê Văn Dũng lại choàng áo mưa ra đồng. Anh nói: “Dự kiến trong vài ngày tới, chúng tôi tiếp tục điều động thêm quân về lao động giúp dân, tranh thủ nước rút tới đâu, gặt tới đó. Lực lượng quân y cũng đã chuẩn bị dụng cụ, phương tiện về các vùng quê ngập lũ để tẩy trùng, khám chữa bệnh giúp dân”. Phút chia tay, câu nói của ông Đoàn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cứ làm tôi phấn chấn mãi: “Bộ đội Cụ Hồ thương dân, mới vất vả lo cho dân như rứa!...”.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG