QĐND - “Tư tưởng thông thì công việc tốt”-lời dạy đó của Bác Hồ nhân dịp Người về thăm Xí nghiệp May 10 năm 1959 đã trở thành chủ đề giao lưu nhiều ý nghĩa của Tổng công ty May 10 nhân dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nhớ lời Bác dạy: “Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh”

Mở đầu cuộc giao lưu tối 14-5, ca khúc “May 10 anh dũng tiến lên” do Đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” thể hiện, đã giúp 400 đại biểu là những cá nhân ưu tú, đại diện cho hơn 9000 cán bộ, công nhân của Tổng công ty càng thêm yêu mến tự hào về May 10-đơn vị có bề dày truyền thống vẻ vang nhất của ngành may nước ta.

Ông Nguyễn Đức Thẩm, nguyên Giám đốc Xí nghiệp May 10, người được chứng kiến sự kiện Bác Hồ về thăm May 10 năm 1959 vẫn nhớ nguyên vẹn kỷ niệm thiêng liêng ấy: “Khoảng 9 giờ sáng ngày 8-1-1959, Bác Hồ về thăm xí nghiệp. Bác vào thẳng khu sản xuất thăm công nhân. Bác đi đến đâu, công nhân ùa đến vây quanh Bác. Thấy một số cúc áo bị đánh rơi, Bác nhặt lên và bảo: “Sản xuất phải tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. Lời nói giản dị ấy của Bác vẫn theo tôi cho đến tận hôm nay”. 

Các đồng chí nguyên là cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty May 10 giao lưu trên sân khấu

Cũng trong chuyến thăm hôm đó, Bác còn dặn xí nghiệp: “Tư tưởng thông thì công việc tốt”. Lời dạy này đã trở thành lời khắc cốt ghi tâm của ông Thẩm khi ông trở thành lãnh đạo xí nghiệp về sau. Mỗi khi gặp khó, ông lại phát huy dân chủ, bàn bạc đến từng công nhân, tìm ra cách đưa xí nghiệp vượt qua gian khổ trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Ông Nguyễn Mộng Giao, nguyên Phó phòng Kỹ thuật May 10, người đã tham gia may áo tặng Bác Hồ thì nhớ mãi phong trào thi đua sôi nổi toàn xí nghiệp làm theo lời Bác. Tiếng máy rền vang suốt ngày đêm, thi đua nối tiếp thi đua, “giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh” như lời dặn của Bác. Khẩu hiệu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” xuất hiện tự nhiên trong các phân xưởng. Có người nửa đêm còn trèo tường vào làm thêm.

Ông Hoàng Nguyên, người về nhất trong đợt thi đua đó, được nhận bộ quần áo Bác Hồ tặng, tâm sự: “Phong trào thi đua lúc bấy giờ rất sôi nổi. Nhiều khi chỉ 3-4 giờ sáng, công nhân đã rầm rộ đến xí nghiệp làm việc. Buổi trưa, chi đoàn nào cũng bảo nhau thức trưa làm việc để “giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh”. Không khí thi đua hăng say, như những đợt sóng trào. Những nữ thanh niên nghĩ đủ cách gửi con để thi đua với nam thanh niên...”.

Hội ngộ các thế hệ anh hùng

Trong buổi giao lưu này, những cá nhân của May 10 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cũng có dịp hội ngộ. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Lợi năm nay đã hơn 80 tuổi, vẫn đi từ TP Hồ Chí Minh ra dự giao lưu. Ông nói, động lực để ông trở thành cây sáng kiến từ những năm 60 của thế kỷ trước chính vì thấm nhuần những lời Bác dạy. Từ một thợ may, ông Lợi tự học trở thành thợ sửa máy khâu vì trong xí nghiệp lúc đó rất thiếu thợ sửa chữa. Thấy máy đính cúc của xí nghiệp phải cử 62 công nhân làm thủ công, ông Lợi tự tìm tòi, nghiên cứu cách cải tiến. Sau khi hoàn chỉnh sáng kiến, xí nghiệp tiết kiệm được hơn 1000 cuộn chỉ và 62 nhân công mỗi ngày. 9 năm liên tục ông Lợi là Chiến sĩ thi đua, sau đó được tuyên dương Anh hùng Lao động năm 1962. Chuyên gia Liên Xô lúc đầu không tin vào cải tiến của ông, đến tận nơi tìm hiểu đã xác nhận kết quả sáng kiến đó.
 

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo QĐND phát biểu giao lưu với cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty May 10.

Cùng dự giao lưu, Anh hùng Lao động Vũ Thị Chất, năm nay 77 tuổi, chia sẻ bí quyết thổi lửa nhiệt tình vào công nhân: “May mắn của tôi là vào xí nghiệp đúng lúc phong trào thi đua sôi sục, ai cũng thi đua, làm cả ngày đêm”. Trở thành Quản đốc Phân xưởng, bà tìm cách thổi lửa nhiệt huyết để công nhân cũng có tinh thần thi đua như mình. Bà quan tâm đến công nhân, mọi vui buồn đều đến chia sẻ. Thời kỳ công ty chuyển mình, làm hàng xuất khẩu, làm việc ngày 3 ca, bà túc trực ở xưởng, ăn mì ăn liền để lo tổ chức sản xuất và chăm lo cho anh em công nhân. Năm 1985, bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Công nhân Vũ Thị Thu Dần, công nhân Tổ may 3 anh hùng hiện nay, nói: “Vinh dự được làm việc tại May 10, nơi có nhiều tập thể, cá nhân anh hùng. Tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, đi sâu vào từng việc làm, lấy năng suất, chất lượng là hàng đầu”.

 “Tư tưởng thông thì công việc tốt” - lời dạy của Bác với May 10 giờ trở thành một tấm căn cước để nhận ra May 10 trong thời đổi mới và hội nhập. Lê Thị Na, cô công nhân trẻ vừa được trao giải nhất cuộc thi viết về May 10 đã nói rằng: “Hằng ngày, hằng giờ được thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, bản thân mỗi công nhân chúng tôi càng nhận rõ niềm tự hào, quyết tâm tô đẹp trang sử May 10 hôm nay”.

Sáng tạo trong “làm theo lời Bác”

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhu cầu thực tế của hầu hết các tập thể, cơ quan, xí nghiệp hiện nay. Nhưng làm thế nào cho thiết thực, hiệu quả lại là một vấn đề đặt ra.

Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Chính ủy Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành nhiều thời gian theo dõi hoạt động báo công dâng Bác của May 10 cho biết: “Suốt từ năm 1979 trở đi, năm nào May 10 cũng về báo công. Năm 2012, kinh tế khó khăn, gần kết thúc năm rồi, vẫn không thấy May 10 động tĩnh gì. Tưởng May 10 không hoàn thành kế hoạch thì đúng ngày 31-12-2012, May 10 báo sang, cho đến ngày cuối cùng của năm, May 10 mới khẳng định đã vượt qua thử thách, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh nên vẫn sang báo công với Bác như thường lệ”.

Đồng chí Bùi Kim Hồng, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, một người theo dõi May 10 từ lâu, đã nói: May 10 là doanh nghiệp đã âm thầm, lặng lẽ khắc ghi lời Bác, làm theo lời Bác. Năm nào, tỷ lệ công nhân tiêu biểu được đến báo công với Bác đều nhiều hơn trước. May 10 “làm theo” thực chất. Hiếm có nơi nào, lãnh đạo doanh nghiệp lại say sưa nói đi đôi với làm, tích cực học tập và làm theo lời Bác đến như vậy.

Được mời phát biểu trong đêm giao lưu, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, đánh giá: “Mô hình học tập và làm theo ở May 10 rất kiên trì và rất sáng tạo. Trước khi đến tham quan mô hình của May 10, tôi không lý giải được nguyên nhân của mô hình này. Qua câu chuyện của các thế hệ May 10 kể, qua bài hát của cán bộ, công nhân May 10 cùng nhau ca vang đã giúp tôi giải đáp nguyên nhân thành công của May 10. Tôi cũng hiểu rõ hơn vì sao tư tưởng, hình ảnh Bác Hồ luôn hiện hữu trong mỗi xưởng máy, mỗi gia đình công nhân. Bác đã trở nên gần gũi với mọi thế hệ May 10. Bác đến thăm và đã dành cho May 10 tình cảm sâu sắc, để lại một lời dạy mà sau đó trở thành sự thôi thúc, để trong mỗi người có một ít phẩm chất Hồ Chí Minh. Và phẩm chất ấy ngày càng lan tỏa. Để có những công nhân trèo tường vào làm việc, để có anh hùng Chất bám xưởng ngày đêm. May 10 đã biết cách để Bác sống mãi, trong mỗi con người May 10. Điều này sẽ góp phần mang lại giá trị bền vững cho May 10. Để thương hiệu, giá trị May 10 trường tồn phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay”.

Đó cũng là điều tâm đắc của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc May 10. Bà cho biết: “Từ lời dạy của Bác Hồ, công ty luôn chăm lo xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Một hệ thống đào tạo, bồi dưỡng khép kín từ trường mầm non, trường phổ thông, trường nghề và trung tâm y tế đã hình thành, đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ công nhân May 10. May 10 có ngày hôm nay là nhờ di sản của lịch sử, gần 9000 công nhân thuộc 7 tỉnh, thành phố trên cả nước luôn biết ơn các thế hệ đi trước, đã lưu giữ những truyền thống quý báu để thế hệ hiện nay kế tục”. Bà cũng cảm ơn thế hệ May 10 hiện nay, đã vượt qua khó khăn, tin tưởng, ủng hộ đội ngũ lãnh đạo mới. Đó cũng là sự thấm nhuần “tư tưởng thông thì công việc tốt”. Trong tương lai, May 10 phấn đấu trở thành một thương hiệu được bạn bè quốc tế biết đến, đời sống người lao động cao, đó là cái đích của việc học tập, làm theo lời Bác.

“Tư tưởng thông thì công việc tốt"-vượt lên ý nghĩa của một khẩu hiệu, May 10 đã biết biến điều Bác Hồ dạy thành một giá trị trong lộ trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG - NGUYÊN THẮNG