UBND TP Hà Nội vừa ban hành qui định gây "sốc": cho thuê vỉa hè. Hàng triệu mét vuông vỉa hè sau quá trình phân cấp đã bị băm nát nay đang đứng trước nguy cơ biến thành phố lẩu, chợ cóc!
Năm 2006, ông Đỗ Hoàng Ân khi đó còn là phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành quyết định 227 cho phép các cá nhân, tổ chức được sử dụng vỉa hè để kinh doanh hàng ăn uống.
Các chủ hộ kinh doanh chỉ cần làm đơn gửi ra phường là được sắp xếp và bố trí nơi kinh doanh thích hợp. Quyết định này cho phép các hộ kinh doanh trên vỉa hè theo hai ca: ca một từ 5g-8g, ca hai từ 19g-24g.
Ngay sau đó đã có ý kiến cho rằng một số qui định "gợi mở" trong quyết định này giống như thẻ thông quan ồ ạt biến vỉa hè thành chợ.
Hè phố thành bãi giữ xe, quán nhậu
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 12-2007, nhiều đại biểu cho rằng quyết định 227 có quá nhiều điểm bất cập. TP giao quyền quản lý hè phố cho các quận, huyện. Sau đó dù nhiều tuyến hè phố được đầu tư mở rộng, tạo cảnh quan nhưng không phục vụ người đi bộ. Nơi biến thành điểm trông giữ xe, nơi trở thành quán nhậu.
Điều 34 Luật giao thông đường bộ năm 2001 qui định: lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời vào mục đích khác do chủ tịch UBND cấp tỉnh qui định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Khoản 2 của điều này cũng cấm các hành vi xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường phố và các hành vi khác gây cản trở giao thông. Việc sử dụng hè phố trái phép cũng bị nghiêm cấm theo điều 8 của Luật giao thông đường bộ. |
Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an TP Hà Nội, dẫn chứng người đi bộ khó có thể chen chân trên tuyến phố Phùng Hưng vào các buổi tối. Toàn bộ vỉa hè trên tuyến phố này ồ ạt mọc lên các quán lẩu, vì thế tuyến phố này còn được gọi là "phố lẩu".
Nhiều đại biểu đã ví von việc cho phép kinh doanh trên vỉa hè theo ca của TP biến không ít tuyến đường trở thành "phố bia". Khách ăn nhậu trên vỉa hè, còn xe máy, ôtô đỗ kín dưới lòng đường.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại nhiều tuyến phố như Tăng Bạt Hổ (phố bia), Giảng Võ, quanh Bệnh viện Việt Đức... lòng đường và vỉa hè bị chiếm giữ gần như cả ngày.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng thừa nhận quyết định 227 có nhiều điểm bất cập. Những bất cập này được "hứa hẹn" điều chỉnh trong quí 1-2008. Tuy nhiên, những bất cập về quản lý vỉa hè của quyết định trước chưa được điều chỉnh thì TP lại tiếp tục ban hành qui định công khai thu phí cho thuê vỉa hè, lòng đường.
Nguy cơ thành chợ
Ông Nguyễn Văn Quyền, cục phó Cục Đường bộ VN, cho biết chưa nắm được các qui định cụ thể của Hà Nội xung quanh việc cho thuê vỉa hè vì việc quản lý lòng đường, vỉa hè thuộc thẩm quyền của từng địa phương.
Theo qui định của Luật giao thông đường bộ thì không được chiếm dụng vỉa hè nhưng luật này cũng không qui định cụ thể trường hợp nào được sử dụng vỉa hè vào mục đích khác. Hiện nay, các đô thị muốn sử dụng vỉa hè vào mục đích đỗ xe phải vận dụng cụ thể theo sự quản lý của mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển nói TP đang rà soát để chuẩn bị điều chỉnh những bất cập của quyết định 227 trong quản lý và sử dụng hè phố. Việc TP ban hành mức thu phí sử dụng hè phố chỉ áp dụng đối với những tuyến phố được cho phép kinh doanh.
Thế nhưng, theo quyết định về thu phí cho thuê vỉa hè TP mới ban hành, ngoài những tuyến phố được TP cho phép kinh doanh trên vỉa hè hiện nay, các tuyến phố chính của cả chín quận và huyện ngoại thành cũng được định giá mức thu phí cho thuê!
Nhiều ý kiến cho rằng trong khi TP Hà Nội chưa có điều chỉnh quyết định 227 về quản lý và sử dụng hè phố, đồng thời dự thảo qui định quản lý hè phố, lòng đường dự kiến ban hành tới đây cũng chưa nhất trí việc cho phép sử dụng vỉa hè kinh doanh theo giờ, việc ban hành giá cho thuê vỉa hè có nguy cơ đồng loạt biến hè phố thành chợ.
"Bật đèn xanh" cho thuê hè phố
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định số 148 về việc thu phí sử dụng vỉa hè, lề đường, lòng đường, bến, bãi, mặt nước trên địa bàn TP. Cụ thể: việc sử dụng vỉa hè, lề đường, bến, bãi để trông giữ xe đạp, xe máy, bán hàng ăn uống được qui định theo ba mức thu phí. Thu 45.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố chính thuộc bốn quận nội thành Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa.
Thu 40.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố chính thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai. Mức thu 35.000 đồng/m2/tháng được qui định cho các tuyến phố còn lại và khu vực ngoại thành.
Quyết định này cũng qui định mức giá thu 25.000 đồng/m2/tháng đối với những trường hợp sử dụng lòng đường để kinh doanh chợ đêm trên các tuyến phố cổ và thu 10.000 đồng/m2/tháng khi sử dụng vỉa hè, lề đường, lòng đường để đỗ ôtô.
TP còn định cả mức giá sử dụng vỉa hè, lề đường, lòng đường để trung chuyển vật liệu xây dựng và cho phép cắm biển quảng cáo trên vỉa hè, dải phân cách với "giá thuê” 50.000 đồng/m2/tháng!
Quyết định này được áp dụng từ ngày 8-1-2008. |
Theo T.PHÙNG - X.LONG (Tuổi Trẻ)