(Tiếp theo và hết)

QĐND - “Để có được những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), một trong nhiều bài học kinh nghiệm lớn mang lại hiệu quả cao mà cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa nhận thấy là: Xây dựng lòng tin, tạo sự đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân chính là sức mạnh để Thanh Hóa thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng” - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định.

Từ đoàn kết trong Đảng...

“Trước hết là đoàn kết trong Đảng” là cụm từ mà lãnh đạo các cấp ở Thanh Hóa sử dụng khá nhiều khi nói về nguyên nhân dẫn đến những thành công trong phát triển KT-XH của địa phương. Đồng chí Đỗ Thị Toán, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, lý giải:

- Báo cáo Chính trị (khóa XI) của Đảng đã chỉ rõ: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nắm chắc quan điểm trên, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII, các cấp ủy đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Kinh nghiệm sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở Thanh Hóa cho thấy: Nhờ sự đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân đã tạo nên sức mạnh vô địch để Thanh Hóa vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu trong phát triển KT-XH.

Nói về sự đoàn kết trong Đảng, đồng chí Ngọc Thị Bách, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ngọc Lặc, dẫn chứng:

- Để có được sự đoàn kết cao, trước hết, cấp ủy từng cấp phải phát huy tốt dân chủ trong xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách. Ở huyện Ngọc Lặc những năm trước, nhiều chủ trương khi thông qua đều nhận được tỷ lệ biểu quyết tuyệt đối. Tuy nhiên, khi triển khai lại có những đại biểu thể hiện thái độ không tán thành, thậm chí có quan điểm ngược lại. Vì vậy, một số chủ trương, giải pháp lãnh đạo, kết quả đạt được không như mong muốn. Từ thực trạng đó, ngay đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc tập trung lãnh đạo, nêu cao tinh thần dân chủ và trách nhiệm chính trị của từng cấp ủy viên. Với quan điểm đó, những năm qua, khi thảo luận bất kỳ vấn đề gì, mọi cấp ủy viên đều phải có trách nhiệm tham gia ý kiến, thể hiện rõ chính kiến. Ví dụ, khi thảo luận về chủ trương đồng bộ hóa trong sản xuất nông nghiệp, từng cấp ủy viên đều phải phát biểu ý kiến, nói rõ mình nhất trí ở điểm nào, điểm nào còn băn khoăn, vì sao? Với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục tổ chức hội nghị để bàn thảo. Quan điểm của Ban Thường vụ là chỉ khi nào vấn đề được thảo luận dân chủ, có sự đồng thuận, nhất trí cao thì khi đó mới triển khai thực hiện.

Cựu chiến binh xã Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa) tham quan mô hình trồng su su chất lượng cao ở địa phương.

Không chỉ thể hiện rõ sự đoàn kết ở các tổ chức Đảng cấp trên, mà ở cấp cơ sở còn được phát huy với mức cao nhất. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tỵ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ (huyện Như Thanh) thì mọi chủ trương trong phát triển KT-XH của xã không chỉ được thảo luận ở Đảng ủy, mà còn gửi xin ý kiến đội ngũ bí thư chi bộ trước khi quyết định và triển khai thực hiện. Với cách làm này, mọi chủ trương đều được cấp ủy các cấp triển khai đồng bộ, nhất quán từ Tỉnh ủy đến chi bộ.

Qua tìm hiểu và khảo sát, chúng tôi thấy rõ hiệu quả mang lại từ sự đoàn kết trong thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH ở Thanh Hóa với nhiều dẫn chứng hết sức sinh động. Ví dụ, chuyện thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa ở xã Yên Thọ là một điển hình. Ban đầu, khi triển khai, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự đoàn kết và thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy các cấp, nên Yên Thọ thu được kết quả tốt, trở thành một trong những xã điển hình của Như Thanh về thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa.

Hiệu quả từ mô hình quy hoạch vùng sản xuất chất lượng cao trên diện tích 500ha ở xã Định Hòa (huyện Yên Định) cũng được khởi nguồn từ sự đoàn kết và thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến nay, Định Hòa đang triển khai có hiệu quả vùng sản xuất chất lượng cao với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế, như: Sản xuất lúa giống F1, ớt xuất khẩu… Theo đồng chí Lê Văn Sướng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã thì quy hoạch được vùng sản xuất chất lượng cao mở ra điều kiện để nâng cao giá trị kinh tế; đồng thời giải phóng sức lao động của người dân. Theo đó, hiệu quả kinh tế của xã năm 2010 chỉ đạt 71 triệu đồng/ha thì đến hết năm 2014 đã đạt 115 triệu đồng/ha.

Hiệu quả của sự đoàn kết trong Đảng đúng như nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định: Vừa tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền để tập trung lãnh đạo; vừa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

... Đến đồng thuận trong nhân dân

Vừa rót mời chúng tôi chén trà, anh Lê Đình Mai, một nông dân làm kinh tế giỏi ở thôn Hùng Sơn (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) vừa chủ động vào chuyện:

- Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ những chủ trương rất đúng đắn của tỉnh, của huyện và xã. Nói thì các anh nghe có vẻ khách sáo, nhưng đúng là vậy. Cách đây hơn 5 năm, tôi cũng như nhiều người dân ở Yên Thọ cứ hết mùa vụ lại đi vào các tỉnh phía Nam để làm thuê. Thu nhập thiếu ổn định nên kinh tế gia đình khó khăn lắm. Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, chúng tôi mới có điều kiện để mở rộng sản xuất. Thực hiện chủ trương trên không chỉ tạo ra nguồn quỹ đất, mà chính quyền huyện, xã còn bảo lãnh giúp người dân được vay vốn của ngân hàng bằng hình thức tín chấp để phát triển sản xuất. Theo đó, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư gần 700 triệu đồng mua 4 chiếc máy cấy và hơn 9.600 khay làm mạ phục vụ sản xuất lúa của người dân địa phương. Bây giờ, người dân quê tôi làm ruộng nhàn lắm mà năng suất, chất lượng lại rất cao. Vì thế, chúng tôi vẫn thường nói: Mình cũng là công nhân đấy chứ-công nhân Yên Thọ.

 Không chỉ đầu tư vào việc mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Mai còn đấu thầu đất để trồng nấm và trồng gừng. Năm 2014, trừ các chi phí, gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng. Mô hình sản xuất của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Từ mô hình của gia đình anh Mai, đến nay, nhiều hộ dân ở xã Yên Thọ cũng có những cách làm phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân thu mua hải sản tại cảng cá Lạch Hới (thị xã Sầm Sơn).

Ngược Quốc lộ 47, chúng tôi về xã Ngọc Liên (huyện Ngọc Lặc). 5 năm trước, Ngọc Liên còn là một xã đặc biệt khó khăn của Ngọc Lặc. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm gần 46%; nhiều hộ thiếu gạo kỳ giáp hạt. Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện mạo Ngọc Liên đang thay đổi từng ngày. Kết thúc năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của Ngọc Liên chỉ còn 2,8%. Khẳng định với chúng tôi về nguyên nhân đạt được những thành công nói trên, đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên, cho rằng:

- Đó không chỉ là kết quả từ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, mà vấn đề có tính quyết định rất lớn là chúng tôi nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Là cán bộ ở cơ sở, nên chúng tôi “thấm” rất rõ vấn đề này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là phương châm chỉ đạo hành động, vừa là phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.

Minh chứng cho sự đồng thuận của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Quách Văn Lý, ở thôn 10, làng Trại Bái. Anh Lý là một trong những người dân đầu tiên ở Ngọc Liên mạnh dạn đầu tư trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lý nói:

- Ban đầu, khi xã triển khai chủ trương về đẩy mạnh thâm canh 4 cây trồng chủ lực (cao su, mía, lúa và luồng), tôi và bà con trong thôn cũng băn khoăn lắm. Nhưng khi được cán bộ khuyến nông-khuyến lâm của huyện tư vấn về kỹ thuật, cùng sự tiên phong của nhiều đảng viên, chúng tôi thấy yên tâm. Sau hơn một năm thực hiện chủ trương của xã về đẩy mạnh thâm canh 4 cây trồng chủ lực, kinh tế của người dân thôn chúng tôi được cải thiện rất nhiều. Với riêng tôi không chỉ có điều kiện nuôi 3 con theo học đại học, mà còn hoàn trả xong số tiền 70 triệu đồng vay từ ngân hàng để đầu tư cho phát triển sản xuất.

Kinh nghiệm ở Thanh Hóa cho thấy: Để có được sự đồng thuận trong nhân dân, không chỉ phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, vận động, mà còn thể hiện từ sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp. Câu chuyện về việc tiên phong triển khai cấy lúa bằng máy của gia đình đồng chí Vũ Hùng Thơm, Phó chủ tịch UBND xã Định Hòa (huyện Yên Định) là một ví dụ. Anh Thơm nhớ lại:

- Sau khi đã vận động được một số gia đình đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chủ trương đồng bộ hóa, nhưng khi triển khai ứng dụng thì người dân trong xã lại không hào hứng đón nhận. Xã họp, thôn họp tiếp tục tuyên truyền, rồi chúng tôi quyết định: Cán bộ, đảng viên làm trước. Thực hiện chủ trương này, tôi là một trong số cán bộ xã đầu tiên triển khai cấy lúa bằng máy. Và chỉ sau một vụ, diện tích cấy lúa bằng máy của gia đình tôi cho năng suất cao hơn hẳn, thế là bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Đến nay, 100% diện tích đất canh tác của Định Hòa đều đã được thực hiện các khâu, các bước bằng cơ giới và cho năng suất rất cao….

Lời kết: Năm năm qua, với nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Thanh Hóa phát triển khá toàn diện và vững chắc. Kinh nghiệm có được trong lãnh đạo phát triển KT-XH của Thanh Hóa nhiệm kỳ qua là những minh chứng sinh động cung cấp thêm dữ liệu để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy trí tuệ, tham gia xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng thực sự chất lượng.

Bài và ảnh: NGỌC LONG - NGUYÊN THẮNG - DUY THÀNH

Bài 3: Tạo cơ chế để khuyến khích phát triển 
Bài 2: Xác định trọng tâm, tập trung lãnh đạo
Bài 1: Công khai, dân chủ trong công tác cán bộ