(Tiếp theo và hết)
QĐND - Trong suốt quá trình tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, cùng với xác định rõ và phát huy tốt vai trò của cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, Đảng ta luôn xác định rõ và thực hiện đúng những vấn đề có tính nguyên tắc trong xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Một là, việc xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo phải bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là nhân tố cơ bản, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho Đảng luôn nắm chắc quân đội trong mọi tình huống, hoàn cảnh, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Đây vừa là mục tiêu, vừa là thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
 |
Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn Kế hoạch Đông-Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu
|
Một trong những vấn đề lớn và khó nhất trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, tổ chức cơ quan chính trị, tổ chức quần chúng phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của quân đội. Phân định rõ vị trí, vai trò, phạm vi, trách nhiệm của các bộ phận này là nhân tố quan trọng, bảo đảm tính chính xác, khoa học của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Tính đúng đắn và hiệu lực của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội còn phụ thuộc vào cơ cấu, năng lực của các bộ phận hợp thành. Thực tiễn cho thấy, nếu cơ chế lãnh đạo đúng đắn nhưng không quan tâm, chăm lo xây dựng các yếu tố, các bộ phận hợp thành của nó, thì hiệu lực của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cũng bị giảm sút.
70 năm qua, Đảng ta đã có nhiều lần bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, qua đó, chức trách, nhiệm vụ, vị trí, quyền hạn, các mối quan hệ của các tổ chức, các bộ phận hợp thành cơ chế lãnh đạo của Đảng có thể thay đổi, nhưng mục tiêu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là quan điểm nhất quán, bất di, bất dịch.
Hai là, xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và QĐND Việt Nam.
Lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử xây dựng quân đội các nước XHCN đã khẳng định, việc xây dựng quân đội kiểu mới phải tuân theo những quy luật chung, nguyên lý chung, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến đặc điểm xây dựng quân đội của mỗi quốc gia, dân tộc. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, một mặt phải nhận thức đúng những vấn đề có tính quy luật chung; mặt khác, thể hiện tính đặc thù của cách mạng và quân đội mỗi nước. Sự vận dụng sáng tạo đòi hỏi phải tính đến những đặc điểm riêng của mỗi quốc gia, dân tộc, về truyền thống văn hóa, tập quán, đặc điểm ra đời của quân đội mỗi nước.
Ba là, việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải đáp ứng được sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ.
Trong lĩnh vực quân sự, nghệ thuật quân sự thường “lạc hậu” so với những biến đổi của thực tiễn quân sự. Nói cách khác, những biến đổi phát triển của các tiềm lực kinh tế, vũ khí, trang bị.., luôn đòi hỏi phải nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện lý luận xây dựng quân đội, phương pháp tác chiến, chỉ huy chiến đấu… Để cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội luôn thích ứng với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội, thì nó phải luôn được bổ sung, phát triển phù hợp. Phát hiện những khiếm khuyết, bất cập, giải quyết đúng đắn và kịp thời, có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn Đảng lãnh đạo quân đội, thực tiễn xây dựng và chiến đấu của quân đội đặt ra là yêu cầu cơ bản nhất của việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cần được nghiên cứu chuẩn bị chu đáo với một thái độ khách quan, khoa học, hết sức thận trọng; đặc biệt phải giữ vững nguyên tắc, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, kế thừa những truyền thống kinh nghiệm đã được đúc rút trong quá trình Đảng lãnh đạo quân đội trong những giai đoạn cách mạng. Cần tránh hai khuynh hướng: Chủ quan, duy ý chí, vội vàng xác lập “mô hình cơ chế mới” mà chưa được kiểm nghiệm, thử thách để giải quyết những vấn đề thực tiễn Đảng lãnh đạo quân đội, hoặc quan điểm thủ cựu, sùng bái kinh nghiệm thực tiễn đã cũ, thiếu nhạy bén với cái mới, thiếu tìm tòi sáng tạo.
Bốn là, xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải được lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, vững chắc.
Xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đến sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức của quân đội, do đó phải được lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, vững chắc; phải nắm vững quan điểm hệ thống trong xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng.
Xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải dựa vào Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Các quy định, quyết định ở tầm quan điểm, chủ trương mang tính nguyên tắc, định hướng cho việc xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo phải do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng quyết định, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành. Nhà nước thể chế hóa thành luật pháp, chính sách; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị cụ thể hóa những quan điểm đó thành quy định, chế độ công tác, bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quân.
Quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải được coi là một bộ phận quan trọng của phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; đó là sự cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền, phù hợp với đặc trưng về tổ chức và nhiệm vụ của tổ chức quân sự. Bên cạnh đó, không nên tuyệt đối hóa, tách rời cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Cần thấy rõ tính đặc thù về tổ chức và hoạt động của quân đội và tổ chức quân sự, theo đó, cần làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân nhất trí với các quan điểm, nguyên tắc, nội dung của cơ chế lãnh đạo, đồng thời luật hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội thành pháp luật Nhà nước.
Báo QĐND trân trọng kính mời các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, nhà khoa học, các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ... tham gia viết bài cho chuyên mục. Bài viết xin gửi về: Phòng Biên tập CTĐ, CTCT, Báo QĐND, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; email: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn; Điện thoại: 069.696.514; 043.7478.610.
NGUYỄN VĂN CẦN, Viện KHXH và NVQS, Bộ Quốc phòng
Bài 1: Xác lập và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội