Anh hùng Kan Lịch (bên phải, phía sau) cùng các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm Bác Hồ, năm 1968

Trong một ngôi nhà nhỏ kề ngay đường Hồ Chí Minh, bà sống giữa vui vầy con cháu. Vẹn nguyên những đức tính của người con gái Pa-cô năm nào, anh hùng Kan Lịch kể lại những tháng ngày tham gia cách mạng, bình thản như vừa xong một trận đánh. Nhìn dáng vẻ bề ngoài cùng với bộ váy dân tộc của bà, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ ấy là một thiếu tá Quân đội nhân dân đã về với đời thường.

Gọi địch bằng “đồng chí”

14 tuổi Kan Lịch đã tham gia cách mạng, làm liên lạc chuyển công văn cho bộ đội. Tại xã Hồng Bắc, chị đã hoạt động bằng cách mỗi khi có địch về làng, nhà nào có địch là Kan Lịch đếm số lượng và để bấy nhiêu viên đá tương ứng ngoài cổng để báo cho cán bộ kháng chiến của ta biết. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, có nhiều trận đánh đã để lại trong người anh hùng những dấu ấn khó phai. Đôi khi chỉ là những câu chuyện thật ngộ nghĩnh.

Kỷ niệm đầu tiên và cũng là thử thách đầu tiên đối với người con gái 14 tuổi là lần về Huế mua một số mặt hàng cho kháng chiến. Kan Lịch và ông Hồ Vai (ông Hồ Vai sau này cũng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) đã bị địch nghi ngờ và bắt với cả gùi nặng bút mực, pin cối, ni lông. Chúng tra hỏi sao mua nhiều thế, bà bảo mua cho cả buôn làng dùng, pin để soi ếch, giấy bút để học chữ (vì trước đó chính bọn địch khi về làng cũng bảo bà con ngu dốt cần phải học). Chúng nhốt hai người một tháng, lấy cung mãi không khai thác được gì mới tha về. Năm 1961 chị chính thức vào du kích. Cha mẹ Kan Lịch không đồng ý vì sợ con gái bị cụt chân cụt tay sẽ không lấy được chồng nên đã xin tổ chức cho “thay” cô bằng người anh trai. Nhưng sự kiên quyết của Kan Lịch đã làm bố mẹ xiêu lòng. Chỉ hai năm sau, Kan Lịch đã đứng đầu phụ trách đội du kích nữ kiêm chức huyện đội phó huyện đội A Lưới.

Đầu năm 1963, Kan Lịch phụ trách một nhóm du kích 7 người vào đánh đồn A Lưới. Kế hoạch của ta là tấn công đồn từ rất sớm khi địch còn sơ hở. Khi anh em đã lọt vào đồn rồi thì địch vẫn đang ngủ rất say. Anh em bàn nhau, sau khi tước hết vũ khí của địch thì Kan Lịch sẽ hô to đánh thức địch dậy để anh em tiêu diệt, như thế thì hiệu quả chiến đấu sẽ cao hơn. Đúng kế hoạch, sau khi tịch thu hết vũ khí, đến lượt Kan Lịch hành động, bà hô to dậy đi các đồng chí ơi. Địch giật mình vùng dậy ngơ ngác và lọt vào vòng mai phục của quân ta, tất cả nhanh chóng bị tiêu diệt. Trận đánh giành thắng lợi lớn nhưng mọi người được một trận cười. Sau khi đã rút êm, trở về báo cáo tổ chức, anh em mới ôm bụng cười bò với nhau vì chi tiết Kan Lịch gọi địch bằng... đồng chí. Bà bảo, cứ nghĩ rằng anh em ta gọi nhau là đồng chí thì địch... cũng gọi như vậy. Rất may trận đánh đã thành công chứ nếu địch thấy gọi đồng chí, biết là quân Việt cộng mà phản công thì...

Đó là kỷ niệm đáng nhớ, cũng là bài học “nhập môn” đánh địch của Kan Lịch.

Câu chuyện bắn máy bay

Bà Kan Lịch cùng chồng và các cháu

Năm 1964, chuẩn bị cho một trận càn, địch đã đổ quân lên A Lưới. Chủ trương của ta là phải bẻ gãy trận càn này nên đội du kích của Kan Lịch được giao nhiệm vụ bắn hạ máy bay khi chúng cất cánh từ sân bay A Lưới. Kan Lịch đã tổ chức đội du kích tập bắn máy bay suốt hơn 2 ngày. Bà cho chị em bí mật mai phục đầu sân bay A Lưới tập bắn, lấy máy bay địch lên xuống làm bia ngắm. Tất cả có 6 chị em, bà đã phân công hai người án ngữ bên đường bộ đề phòng địch xung phong, hai người bên kia canh phòng, còn bà cùng một người nữa rình bắn máy bay. Sau khi đã luyện tập tương đối thành thạo bằng súng trường, bà đã quyết định hạ một chiếc. Với khẩu súng trường được trang bị, kết quả là một chiếc Đa-kô-ta đã bị bắn hạ rơi cách sân bay 2km. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở tây Thừa Thiên-Huế. Sau khi máy bay dính đạn, địch đã tổ chức bao vây, lùng bắt tổ du kích. Mặc dù bị cô lập, hết lương thực, nhưng bà vẫn kiên quyết tổ chức chị em chiến đấu và rút lui an toàn. Kết quả là địch đã phải hủy bỏ trận càn đó.

Sau này còn nhiều trận đánh nữa mà Kan Lịch đã trực tiếp chỉ huy và lập nhiều chiến công vang dội. Và cũng có những trận để lại những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Như trận đánh vào đồn A Lưới nhằm mục đích cướp lương thực cho anh em năm 1965, bị địch quây, tuy phía ta không bị tổn thất nhưng bà suýt bị kỷ luật. Mặc dù có nhiều kỷ niệm chinh chiến, thậm chí giáp lá cà với địch, nhưng lần tổ chức chị em bắn hạ chiếc máy bay đầu tiên đó vẫn là một trận đánh đi vào ký ức đối với Kan Lịch.

Năm 1968, Kan Lịch được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc với thành tích chiến đấu 49 trận, diệt 150 tên địch, được ra miền Bắc gặp Bác Hồ. Sau khi được đào tạo tại Trường sĩ quan Lục quân I, bà về công tác tại Quân khu Trị Thiên. Năm 1976 bà về làm Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện A Lưới và nghỉ hưu tại quê nhà. Bà đã 7 lần được gặp Bác Hồ và là người con gái dân tộc thiểu số đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Tình và nghĩa...

Ông Hồ Xuân Chiến, chồng của Anh hùng LLVT nhân dân Kan Lịch cũng là sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Ông đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Tình yêu của ông bà đã được nhen nhóm trong những ngày kháng chiến và trải qua nhiều thử thách. Bà yêu ông từ năm 17 tuổi. Năm 1964 ông bà cưới nhau. Cưới được đúng một giờ bà đã phải lên đường, đến mãi năm 1969 vợ chồng mới gặp lại nhau. Và phải đến năm 1971, tức đã 7 năm sau ngày cưới, ông bà mới có đứa con đầu lòng. Người dân tộc thiểu số thường có truyền thống đẻ nhiều nhưng ông bà thì khác, sau này họ cũng chỉ có hai người con, một trai một gái.

Tuy nhiên, gia đình Kan Lịch lại khá đông đúc. Hoàn cảnh đã tạo cho bà thành một người mẹ lớn với rất nhiều người con nuôi trong nhà. Ngoài các con và bố mẹ chồng, gia đình ông bà liên tục tiếp nhận thêm những thành viên mới. Bắt đầu từ người em chồng, đi bộ đội tại chiến trường Cam-pu-chia sau về bị bệnh và mất. Người em dâu đi lấy chồng mới. Thương cảm trước hoàn cảnh ấy, bà đã nhận hai đứa cháu con của họ về nuôi. Năm 1995 người anh trai của chồng bà lại chết do tai nạn để lại 6 đứa con. Sau đó chị dâu lại bị mổ mắt và đã không còn nhìn thấy. Vậy là gánh nặng gia đình người anh chồng một lần nữa dồn cả lên gia đình Kan Lịch. Bà đã cưu mang cả người chị dâu mù cùng bầy con dại. Vì thế, gia đình thời điểm đông nhất lên đến 15 người.

Với đồng lương eo hẹp của hai sĩ quan quân đội thời kỳ ấy quả là một gánh nặng quá sức. Kan Lịch đã phải làm đủ mọi việc để trang trải cho gia đình lớn. Bà làm tất cả với suy nghĩ rằng mình phải làm như thế. Có thời điểm gia đình đã phải ăn cháo, ăn củ rừng tạm bợ qua ngày. Lúc khó khăn nhất, một củ sắn nặng bảy tám cân bà đã phải cạo vỏ, xắt nhỏ chia làm hai bữa, nâng bát cháo lên mà nước mắt tràn xuống. Tuy vậy gia đình vẫn yên ấm, mọi người cùng chia sẻ những buồn vui.

Hiện nay các con nuôi của bà đều đã trưởng thành, cuộc sống vẫn khó khăn nhưng không còn quá vất vả như trước. Một dạo, Nhà nước tặng mỗi Anh hùng 10 triệu đồng. Số tiền ấy Kan Lịch cho các con nuôi mỗi người một ít để làm nhà. Hai người con ruột của Kan Lịch nay đã có gia đình riêng. Người con gái Hồ Thị Kim Thắng làm cán bộ dân số, người con trai Hồ Xuân Lợi làm công an viên tại thị trấn A Lưới.

Mặc dù đã đi khắp đó đây, đã là người nhà nước, là sĩ quan quân đội nhưng về với đời thường, Kan Lịch lại trở về là người phụ nữ Pa-cô giản dị từ giọng nói đến phục trang. Tiếp xúc với bà, nếu không biết trước, có lẽ ít ai hình dung ra người phụ nữ trước mặt lại là Anh hùng Kan Lịch. Giờ đây ông bà sống yên ấm trong căn nhà nhỏ cùng người con trai ven đường Hồ Chí Minh. Khách qua lại trên con đường huyền thoại đã được hiện đại hoá chạy qua thị trấn A Lưới sẽ thấy một quán cà phê xinh xắn mang tên Hoài nhi – Nơi ấy chính là tổ ấm của Kan Lịch, người con gái Pa-cô không chỉ anh dũng kiên cường mà còn có tấm lòng cao đẹp, nghĩa tình thắm đỏ như loài hoa pơ-lang.

Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Thuỷ