Là thành phố lớn thứ hai của LB Nga, Xanh Pê-téc-bua vẫn luôn là niềm tự hào của nhân dân Nga và là địa chỉ thu hút du khách toàn thế giới. Xanh Pê-téc-bua không chỉ hấp dẫn bởi được mệnh danh là thành phố đẹp nhất nước Nga mà nơi đây còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa, kiến trúc đặc sắc. Đặc biệt, thành phố Anh hùng và cổ kính này có rất nhiều di tích lịch sử liên quan đến cách mạng Tháng Mười, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (trước đây) và lãnh tụ Lê-nin...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu Quốc hội ta tới thành phố Xanh Pê-téc bua được đón tiếp nồng hậu. Các bạn Nga dành tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam. Phó chủ tịch Hội đồng lập pháp thành phố Xanh Pê-téc-bua, ngài I-a-gi-a Van-ta-nhi-a Sai-đô-vích còn nhớ rõ rằng, ngày Đoàn Việt Nam đến thăm thành phố (25-4) trùng với kỷ niệm 33 năm ngày bầu cử Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất (25-4-1976). Phó thống đốc thành phố Xanh Pê-téc-bua, ngài I-u-ri Vi-a-tre-xla-y-ô-vích Môn-tra-nốp thì hiểu biết khá tường tận về đất nước và con người Việt Nam. Ông cho biết: Xanh Pê-téc-bua đã có quan hệ hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Khánh Hòa và đang chuẩn bị ký kết văn bản hợp tác với Thủ đô Hà Nội. Xanh Pê-téc-bua mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên còn nhiều tiềm năng về hợp tác công nghiệp. Các doanh nghiệp Xanh Pê-téc-bua sẵn sàng tham gia hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, cũng như hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và du lịch. Hiện có gần 800 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Xanh Pê-téc-bua. Khách du lịch Xanh Pê-téc-bua cũng ngày càng quan tâm đến Việt Nam.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho Chiến hạm Rạng Đông. |
Phó chủ tịch Hội đồng lập pháp thành phố Xanh Pê-téc-bua, ngài V. Sai-đô-vích cung cấp thêm thông tin, tại Trường đại học tổng hợp Xanh Pê-téc-bua đang xúc tiến việc thành lập Viện Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ khâm phục tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn trước đây, cũng như những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Vào những ngày này, Xanh Pê-téc-bua chưa có “đêm trắng”, nhưng ngày ở đây đã rất dài. Đến 9 giờ tối mà vẫn còn ánh nắng. Nắng vàng sánh như mật ong, nắng như giát vàng trên những lâu đài cổ kính, những bảo tàng, công viên và trên đường phố. Các bạn ở Xanh Pê-téc-bua cho biết, vào những tháng hè (tháng 6, 7, 8) ở đây đón hàng trăm ngàn du khách đến thăm và dự các hoạt động của “đêm trắng”.
Xanh Pê-téc-bua được thành lập từ năm 1703 bởi sắc lệnh của Peter Đại đế, vị vua của nước Nga lúc đó. Đến năm 1712, Nga hoàng coi Xanh Pê-téc-bua là thủ đô của Nga. Kể từ đó Peter Đại đế cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc đẹp ở đây, biến Xanh Pê-téc-bua thành một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Những công trình đẹp đẽ còn lại cho đến ngày nay mà bất cứ du khách nào khi đến Xanh Pê-téc-bua đều phải ghé thăm. Cung điện Mùa Đông gắn liền với cuộc cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Đây vốn là nơi ở của Nga hoàng. Lúc 10 giờ ngày 7-11-1917 (lịch Nga là ngày 25-10), đài phát thanh phát tin “công bố thư của công dân Nga” do Lê-nin khởi thảo, kêu gọi Sa hoàng đầu hàng giao chính quyền cho Ủy ban Quân sự cách mạng. Nhưng Sa hoàng không những không giao chính quyền mà đã lấy cung điện Mùa Đông làm cứ điểm ngoan cố chống cự, ngăn chặn, buộc Chiến hạm Rạng Đông phải nổ súng và Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu bằng tiếng nổ lớn của đạn đại pháo từ Chiến hạm Rạng Đông nã vào cung điện Mùa Đông. Sau Cách mạng Tháng Mười, Cung điện Mùa Đông trở thành viện bảo tàng nổi tiếng Ermitage-một trong ba viện bảo tàng lừng danh của thế giới. Theo giới thiệu của chị Vê-lê-an-an Ô-lê-va, cán bộ Viện Bảo tàng Ermitage, thì tại đây hiện có 400 gian phòng được bố trí hài hòa trong một không gian rộng lớn chứa gần ba triệu hiện vật đủ loại chỉ riêng về tượng điêu khắc cũng đã có gần 113 nghìn hiện vật.
Thành phố Xanh Pê-téc-bua được cả thế giới ngưỡng mộ chiến tích oai hùng trong chiến tranh thế giới lần 2 khi thành phố bị phát xít Đức bao vây trong suốt 900 ngày đêm từ tháng 7-1941 đến tháng 1-1944. Hàng trăm nghìn người dân thành phố đã chết vì đói khát, rét mướt và các đợt pháo kích của phát xít Đức. Ngày nay xung quanh thành phố là vô số các tượng đài kỷ niệm chiến công này, thành phố cũng đang chuẩn bị cho buổi lễ mít tinh, diễu hành mừng ngày chiến thắng phát-xít (9-5-1945/9-5-2009).
Đoàn đại biểu cao cấp Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đến thăm Chiến hạm Rạng Đông trên sông Nê-va, được hạ thủy năm 1900. Chiến hạm này ngoài việc lập công lớn trong Cách mạng Tháng Mười, còn lập công lớn trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức. Năm 1968, Chính phủ Liên Xô đã trao tặng Huân chương “Cách mạng tháng Mười” cho Chiến hạm Rạng Đông. Và, một điều thú vị trong lịch sử con tàu nổi tiếng này: nó từng 2 lần đến Việt Nam. Lần thứ nhất là khi xảy ra chiến tranh Nga - Nhật (đầu năm 1905), tàu thả neo ở vịnh Cam Ranh và ở đó gần một tháng để chờ các tàu chiến khác của Nga đến cùng nhau tham trận. Khi chiến tranh Nga - Nhật kết thúc (cuối năm 1905), Rạng Đông được tập kết ở cảng Sài Gòn, trước khi nhổ neo ra Thái Bình Dương để trở về tổ quốc.
Tại Xanh Pê-téc-bua hiện nay có khá nhiều người Việt Nam đến làm ăn sinh sống. Chị Nguyễn Vũ Thúy Vinh, chủ nhà hàng Sài Gòn ở Xanh Pê-téc-bua cho biết: Tại thành phố này có 7 nhà hàng của Việt Nam với những món ăn đặc trưng thu hút khách du lịch. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã mở văn phòng đại diện tại đây. Mong muốn của cộng đồng người Việt Nam tại Xanh Pê-téc-bua là Chính phủ Việt Nam sớm mở Lãnh sự quán tại thành phố này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam đến đây học tập, nghiên cứu khoa học và làm ăn, sinh sống.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ (từ Xanh Pê-téc-bua, Nga)