QĐND - Gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ, được thử thách qua những tháng ngày kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân hai nước Việt Nam và Cu-ba đã xây dựng nên quan hệ tình nghĩa, đồng chí, anh em đặc biệt. Có cơ hội được trò chuyện với thân nhân các liệt sĩ Cu-ba hy sinh tại Việt Nam nhân dịp đoàn đến Hà Nội lần này, càng thêm thấm thía về mối ân tình sâu nặng ấy..

Trong đoàn đại biểu thân nhân các liệt sĩ Cu-ba tới thăm tòa soạn Báo Quân đội nhân dân vào một ngày đầu năm 2015, tôi để ý đến một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, làn da sáng, khá khác biệt so với nhiều người Cu-ba tôi đã gặp. Hẳn là thời trẻ bà đẹp lắm bởi bây giờ, khi đã bước vào tuổi ngoài 60, ngay cả những nếp nhăn trên gương mặt người phụ nữ ấy vẫn không thể xóa đi được những nét kiều diễm của một thời con gái. Nhưng mãi về sau, tôi mới hiểu rằng những nếp nhăn ấy đong đầy nước mắt và cả những tháng ngày cô đơn của một người vợ liệt sĩ anh hùng.

Bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la. Ảnh: Trọng Hải

Năm 1966, ở vào cái tuổi 16 tươi đẹp, nàng thiếu nữ Ca-mô-na Phrôn-tê-la đã nên duyên với Thượng úy Pê-rết Cla-rô (Juan Antonio Pérez Claro). Vào thời điểm ấy, đất nước Cu-ba đã vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng tên lửa cũng như đã giành chiến thắng vang dội trên bãi biển Hi-rôn chống lại cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài. Hòn đảo quả cảm đã kiên cường vượt qua được những thời khắc hiểm nguy và bình thản tiến hành xây dựng đất nước. Thế nhưng từ phía bên kia bán cầu, tiếng súng trong cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, vì độc lập dân tộc và phẩm giá con người, vẫn vọng tới được đất nước Cu-ba. Cũng trong cái năm 1966 ấy, lãnh tụ Phi-đen, chính là Phi-đen vĩ đại, đã tuyên bố ở Hội nghị đoàn kết ba châu tổ chức tại thủ đô La Ha-ba-na, câu nói bất hủ: "Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!".

Phi-đen không nói suông và những người Cu-ba bình thường như Thượng úy Pê-rết Cla-rô không nói suông! Đôi vợ chồng trẻ mới cưới chưa có nhiều thời gian hạnh phúc bên nhau đã phải xa cách. “Chỉ hai tháng sau ngày cưới, chồng tôi nói là sẽ lên đường sang Liên Xô học. Đó là những gì tôi được anh ấy nói cho biết lúc ấy”-bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la nhớ lại. Chỉ có điều là khi ấy, nàng thiếu nữ 16 tuổi không biết rằng thật ra chồng mình không sang Liên Xô học. Thượng úy Pê-rết Cla-rô nằm trong số các chuyên gia quân sự Cu-ba tới dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tới một đất nước đang có chiến tranh khốc liệt, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh, Thượng úy Pê-rết Cla-rô không muốn người vợ trẻ của mình phải lo lắng. Đặc biệt là khi ấy anh biết vợ mình, mới 16 tuổi, đã mang thai đứa con đầu lòng của họ.

Bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la vẫn nhớ như in, trước lúc chồng lên đường là cả một quãng thời gian hai vợ chồng phải làm công tác "tư tưởng" cho nhau. Vậy mà đến lúc tiễn chồng, bà lặng người khi bóng hình người chồng khuất dần trong sương sớm của một ngày giá lạnh. Họ chia tay với lời ước hẹn sẽ sớm đoàn tụ.

Phải xa cách trong nỗi nhớ nhung da diết, lúc ấy, những cánh thư đã trở thành “sợi dây” kết nối tình yêu của ông bà với nhau. “Trong khoảng hai tháng sau đó, tôi nhận được mười ba lá thư của chồng gửi về, những lá thư gói ghém đủ niềm vui, nỗi buồn. Ông ấy chia sẻ là đang thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng. Ai xa cách mà chẳng buồn thương, nhất là khi ấy, tôi mới 16 tuổi. Những lúc ấy, tôi chỉ biết động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ để ngày gặp mặt được trọn vẹn niềm vui”, bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la nhớ lại.

Thế nhưng, cái ngày đoàn tụ ấy đã không bao giờ đến!

Cánh thư thứ mười ba dọc theo tuyến lửa, vượt qua "hòn tên mũi đạn" để đem nhớ nhung, yêu thương của chàng Thượng úy Pê-rết Cla-rô về với người vợ trẻ bên kia nửa vòng Trái Đất, ngày đêm vẫn ngóng trông anh. Cả hai người không thể ngờ được rằng, cánh thư thứ mười ba ấy cũng là lời từ biệt mãi mãi. Thượng úy Pê-rết Cla-rô gấp lại trang sách đời ở cái tuổi còn trẻ, khi câu trả lời về ngày đoàn viên vẫn để ngỏ. “Vào một ngày hạ tuần tháng 7-1966, tôi nhận được tin chồng đã hy sinh ở một trạm ra-đa cùng với các đồng đội Cu-ba và Việt Nam. Lúc ấy, tôi mới biết chồng tôi đã nhận nhiệm vụ sang Việt Nam chiến đấu từ trước khi cưới, nhưng vì sợ gia đình lo lắng nên anh đã giấu mọi người. Biết tin chồng không bao giờ trở về nữa, tôi như chết lặng”, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bà khi nhớ về cái ngày định mệnh nhận được tin buồn năm xưa.

Những ngày chồng mới hy sinh, bà gần như suy sụp hoàn toàn. Một thiếu nữ mới 16 tuổi bỗng trở thành góa phụ, đó là một nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Nhưng rồi, gạt thương đau, người góa phụ ấy đã gắng gượng vì giọt máu duy nhất của chồng mình để lại. Bốn tháng sau ngày ông Pê-rết Cla-rô hy sinh, bà sinh hạ một bé gái. Chỉ trong vòng một năm 1966 ấy thôi, người thiếu nữ 16 tuổi lấy chồng, có mang đứa con đầu lòng, tiễn chồng ra mặt trận, rồi nhận được tin chồng hy sinh, đồng thời sinh hạ cô con gái. Cô con gái ấy là niềm an ủi, là động lực cho bà bước tiếp trên chặng đường đời không có người bạn đời bên cạnh.

Chồng hy sinh khi bà còn rất trẻ. Như bao người phụ nữ bình thường, bà cũng có trái tim khát khao yêu thương, cần bờ vai để nương tựa. “Nỗi đau mất chồng thì không bao giờ nguôi ngoai nhưng tôi phải nén nỗi đau lại để chăm lo cho con gái. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, nếu tôi tái giá, người ta không đùm bọc con, sợ nó khổ, vất vả, tôi quyết định hy sinh hạnh phúc riêng”, bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la chia sẻ.

Người phụ nữ ấy đã quyết định ở vậy nuôi con. Con gái của bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la đã lập gia đình và giờ đây bà đã là bà ngoại của hai cháu nhỏ. Có thể nói, chính những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của những người phụ nữ như bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc Cu-ba và Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, song nó vẫn là nỗi đau âm ỉ của biết bao người phụ nữ Việt Nam và Cu-ba. Những người phụ nữ ấy, vốn một đời vì chồng vì con, khi Tổ quốc gọi vẫn sẵn sàng tiễn đưa những người thân yêu nhất ra tuyến đầu bảo vệ đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, để rồi lại “khóc thầm lặng lẽ” khi các anh mãi nằm lại với núi sông. Những người phụ nữ ấy thầm lặng hy sinh, xây đắp cho cuộc sống tươi đẹp, cho nỗi đau của sự mất mát vơi đi. Bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la (Andolia Carmona Frontela) cũng chính là một người phụ nữ như thế.

Khi tôi hỏi, nếu như biết ngày ấy chồng phải sang Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, bà sẽ ra sao? Bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la không ngần ngại bày tỏ: “Với tôi, Việt Nam và Cu-ba giống như anh em một nhà. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) nói: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và chồng tôi đã thực hiện đúng điều Phi-đen đã nói. Chồng tôi hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Dù đằng đẵng mấy chục năm sống trong cảnh đơn côi nhưng tôi vẫn luôn ôm ấp bóng hình chồng và tự hào vì những gì mà ông ấy đã làm”.

Câu chuyện của bà Ca-mô-na Phrôn-tê-la chỉ là một trong vô vàn những số phận đã gắn kết hai dân tộc ở cách xa nhau muôn trùng, nhưng gần nhau trong tấc gang, bởi có chung niềm tin về phẩm giá và sự hy sinh, như nhà thơ cách mạng Tố Hữu từng viết:

Tôi ở trời Đông, bạn biển Tây

Đôi bên cùng thức cả đêm ngày

Qua đại dương muôn trùng bão tố

Một bàn tay, nắm chặt một bàn tay.

Bài và ảnh: LÂM TOÀN