QĐND Online - Lễ đón nhận Bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê Mạc (1442-1779) đã diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào sáng 7-4. Đến dự có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; bà Katherine Muller Marin-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Lễ công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, những tấm bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu là tài sản văn hóa của dân tộc Việt Nam và là một biểu tượng tôn vinh đạo hiếu học, truyền thống lựa chọn nhân tài, bồi dưỡng nguyên khí quốc gia của cha ông ta từ trước đến nay. Các bia tiến sĩ được UNESCO công nhận là di sản tư liệu  thế giới, thể hiện sự tôn vinh đối với nền văn hóa dân tộc. Mong rằng trong năm nay, chúng ta sẽ có thêm nhiều di tích được công nhận là di tích của thế giới, đặc biệt là di tích Hoàng thành Thăng Long.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày gần 1000 năm, nơi đây đã đào tạo hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, nơi đây đã hun đúc nên bao truyền thống văn hoá, giáo dục quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Bia tiến sĩ từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hoá vô giá của cha ông ta để lại. Hơn nữa, những tấm bia này còn là một biểu trưng, là lời khuyến học hùng hồn nhất cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa và những học sinh, sinh viên hôm nay.

Hồ sơ bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung, hình thức. Các chuyên gia UNESCO và bạn bè quốc tế đều nhất trí khẳng định những giá trị hàm chứa trong di sản văn hoá vô cùng quý giá của Việt Nam, trong đó nổi bật là tính xác thực, giá trị độc đáo, duy nhất cũng như ý nghĩa quốc tế của bia tiến sĩ. Đây là những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi tuyển tiến sĩ kéo dài suốt 300 năm từ thời Lê Sơ đến cuối thời Lê Mạc.

Bia tiến sĩ đặt trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng về triết học, sử học, giáo dục đào tạo và sử dụng nhân tài. Tính độc đáo, nguyên bản và duy nhất của các tấm bia cũng được khẳng định rất rõ: mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện qua những hình ảnh điêu khắc trang trí trên từng bia, phương pháp dựng và vật liệu dựng bia là đá thanh thạch được chọn kỹ lưỡng.

Nói về phương án giữ gìn bảo tồn bia tiến sĩ, bà Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Bởi vậy, việc bảo vệ 82 bia tiến sĩ không bị xâm hại là việc làm cần thiết. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành văn hoá, thể thao, du lịch và Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đầu tư, triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn lâu dài di sản.

Tại buổi lễ, bà Katherine Muller Marin-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Danh hiệu di sản tư liệu thế giới đã khẳng định ý nghĩa lịch sử và biểu trưng của 82 bia tiến sĩ. Di sản này đã trở thành một phần của bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Tôi rất vui khi thế hệ trẻ ngày nay vẫn đang trân trọng và lưu giữ ký ức và di sản của thế hệ đi trước. Trong số các du khách tới tham quan có rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên. Họ tới đây để bày tỏ niềm thành kính đối với các vị tiến sĩ của hàng trăm năm trước và tìm sự giúp đỡ tinh thần để vượt qua các thử thách trong hiện tại. Nhìn vào lượng du khách đến đây, chúng ta có thể thấy, di sản có sức mạnh to lớn đến nhường nào.

Những tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh không chỉ là việc công nhận một di sản quý của cha ông đã để lại cho Hà Nội, mà đó còn là một phần bức tranh đẹp của Thủ đô có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.

Bài, ảnh: Khánh Huyền