QĐND Online - Là một tỉnh nằm ngay sát Hà Nội và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, Hà Tây đã và đang làm gì để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh? Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tây:

PV: Thưa ông, Hà Tây là tỉnh sát Hà Nội, có quá trình đô thị hóa nhanh, vậy vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động được đặt ra như thế nào?

Ông Khuất Văn Thành
Ông Khuất Văn Thành: Hà Tây có dân số 2,6 triệu người, lao động trong độ tuổi lao động khoảng 1,6 triệu, trong đó lao động tham gia hoạt động kinh tế gần 1,4 triệu, với 241 làng nghề được tỉnh công nhận. Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sang công nghiệp, dịch vụ, giao thông, tốc độ đô thị hóa cao. Dự kiến đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp phải chuyển dịch khoảng 10.000 ha, dẫn tới lao động nông nghiệp thiếu việc làm tăng khoảng 8-10 vạn lao động. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tăng cơ học tăng 35.000 người/năm. Vì vậy, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động đang là vấn đề cấp thiết và bức xúc của tỉnh.

PV: Vâng, như ông vừa nói đến, Hà Tây có một số lượng khá lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này dẫn đến việc một số lượng khá lớn lao động nông thôn có nhu cầu tìm việc làm. Vậy vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng này được tỉnh thực hiện như thế nào?

Ông Khuất Văn Thành: Thực hiện chủ trương của tỉnh về xã hội hóa công tác dạy nghề, hiện nay mạng lưới cơ sở dạy nghề ở Hà Tây phát triển rộng rãi và đa dạng với 43 trường, trung tâm dạy nghề và có chức năng dạy nghề. Trong 3 năm trở lại đây số người qua đào tạo nghề tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh là 93.500 người, trong đó học nghề dài hạn là 27.150 người (chiếm 29,8%). Các cơ sở trong tỉnh đã dạy nghề được cho 48.700 người. Qua khảo sát, số người có việc làm sau khi đào tạo nghề là 70%. Những người học nghề ngắn hạn gắn với làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt trên 90%. Đối với lao động nông nghiệp bị thu hồi đất, tỉnh có chính sách hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển đối tượng lao động này. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động học nghề và làm việc tại các làng nghề trong tỉnh. Đây là một biện pháp hiệu quả để giải quyết việc làm cho người lao động khi chuyển đổi cơ cấu.

Tìm kiếm cơ hội việc làm tại Hội chợ việc làm tỉnh Hà Tây

PV: Được biết Hà Tây đã 3 lần tổ chức Hội chợ việc làm, ông có thể cho biết hiệu quả của những lần tổ chức hội chợ như thế này?

Ông Khuất Văn Thành: Hiện nay có một thực tế là: hệ thống cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng đủ nhu cầu học nghề của người lao động song một số trường lại không chiêu sinh đủ số học viên; người lao động không kiếm được việc làm trong khi doanh nghiệp thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề. Vì thế, tổ chức hội chợ việc làm là một giải pháp để giải quyết tình trạng này. Hội chợ việc làm là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động có nhu cầu học nghề, tìm việc làm. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thông tin, quảng bá và có thể tuyển trực tiếp lao động ngay tại chỗ, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Hội chợ việc làm lần thứ 2 (năm 2005) có 40 đơn vị tham gia, đã tuyển dụng tư vấn việc làm cho 9.750 lao động và thu hút hơn 3 vạn lao động tham gia giao dịch. Hội chợ việc làm lần thứ 3 (năm 2007) có hơn 50 đơn vị tham gia, thu hút 3-4 vạn lao động tham gia giao dịch và có khoảng 2.000 lao động được tuyển dụng, xấp xỉ 1 vạn lao động được tư vấn việc làm. Chúng tôi đánh giá cao các hội chợ việc làm và coi đây thực sự là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động.

PV: Bước sang năm 2008, Hà Tây đặt ra những mục tiêu gì trong vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trong năm này và những năm tiếp theo?

Ông Khuất Văn Thành: Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2010, đào tạo được 10.000 kỹ sư các ngành khác nhau, 55.000-60.000 lao động kỹ thuật phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Hàng năm các trường đại học, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh có chương trình tuyên truyền, giới thiệu, quảng cáo, nâng cao uy tín thương hiệu cho nhân dân và học sinh biết để lựa chọn ngành nghề, địa chỉ đi học. Các phương tiện thông tin, sàn giao dịch việc làm, mạng lưới giới thiệu việc làm dạy nghề phải thường xuyên tuyên truyền rộng rãi về các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là kế hoạch sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, tỉnh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng số lao động này. Các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi ký hợp đồng không xác định hoặc hợp đồng xác định thời hạn từ 1-3 năm, đồng thời thực hiện đúng quy định của pháp luật, được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động cho dạy nghề, giải quyết việc làm, tuyển dụng lao động và đưa đi đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Nguyễn Đào