Cách đây 70 năm, ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Ðảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu và đề nghị mọi chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Kể từ đây, ngày 30-9 là Ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ cán bộ Ban Kinh tế Trung ương dự buổi gặp mặt.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Chương trình đặc biệt này được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những mốc son quan trọng trong chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành; tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động qua các thời kỳ; biểu dương những thành tựu đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, khẳng định vị thế trong giai đoạn hiện nay của Ban Kinh tế Trung ương. Chương trình cũng nhằm cổ vũ, động viên, khơi dậy lòng tự hào, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của Ban trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại chương trình.

70 năm cùng đất nước đi lên, Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, có những chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Với những thành tích đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ là những lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Đây là những ghi nhận quý báu của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc suốt 70 năm qua.

Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển đất nước; đồng thời đã hoàn thành tốt việc thẩm định, thẩm tra, tham gia ý kiến đối với các vấn đề, các đề án, các báo cáo mang tầm chiến lược giúp cho Đảng hoàn thiện được thể chế, cơ chế, chính sách, có tác động lớn đến kinh tế-xã hội của đất nước. “Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả và khẳng định vị trí, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế-xã hội”- đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu tại chương trình.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng cho biết, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao hơn và nhiệm vụ nặng nề hơn đối với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng, thể chế hóa, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế-xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế-xã hội… Để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nêu trên, đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, khoa học và hiệu quả; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị.

Tin, ảnh: VŨ DUNG