36 năm sau ngày hy sinh, ông Huỳnh Mai mới chính thức được công nhận là liệt sĩ. Và những sự thật lịch sử được làm sáng tỏ là câu chuyện cảm động để lớp người sau thêm rõ về sự hy sinh âm thầm của một thế hệ đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại.
Đi B trong bí mật
Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh hôm ấy rất đông người, nhưng lặng im phăng phắc. Mọi người dồn hết sự chú ý về phía một trung niên tóc hoa râm nói giọng Bình Định. Ông là Huỳnh Tùng, nguyên đại tá, Viện trưởng Viện kỹ thuật Phòng không - Không quân, người đã trải qua cuộc hành trình 36 năm đi tìm sự thật về sự hy sinh của người cha. Giọng ông trúc trắc, hơi khó nghe, lại thêm phần nghẹn ngào nên phải mất khá lâu, người ta mới phần nào hình dung ra câu chuyện ông kể:
Ba tôi là Huỳnh Mai, sinh năm 1916, quê ở xã Phước Long (Tuy Phước, Bình Định). Ông tham gia cách mạng từ 1945, làm cán bộ xã. Năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hàng vạn cán bộ, bộ đội và con em miền Nam tập kết ra Bắc, riêng ba tôi được tổ chức phân công ở lại hoạt động bí mật để lãnh đạo phong trào quần chúng, nhưng bị lộ nên ông phải đi chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc ngày 15-5-1955.
Khi ra Bắc, ba tôi tham gia cải cách ruộng đất ở Nam Định, Hà Nội rồi được điều vào làm cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch Thái Hòa (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Ngày 26-5-1961, ông được Ban tổ chức Trung ương điều về trạm P54 để chuẩn bị đi công tác. Và gia đình tôi bặt tin ông từ đó…
Câu chuyện của ông Huỳnh Tùng nghẹn lại ở đó… và phải sau đó một tuần, khi chúng tôi đến gặp ông tại nhà riêng, thì hành trình 36 năm đi tìm sự thật về sự hy sinh của người cha, mới được kể lại một cách rành rọt.
“Luôn tin tưởng vì ba tôi là đảng viên”
Ông Huỳnh Tùng nhớ rằng: Khi cha ông được Ban tổ chức Trung ương điều về Hà Nội chuẩn bị đi công tác, ông là học sinh đang học tại trường dành cho con em miền Nam tại Hà Đông, nên hai cha con hẹn nhau đi thăm cửa hàng mậu dịch Hàng Bài. Ông Huỳnh Mai nói là chuẩn bị đi học ở Liên Xô, nhưng lại mua một đồng hồ Liên Xô, kim băng, cặp tóc, dầu con hổ… Huỳnh Tùng đoán cha mình sẽ đi nhận công tác gì quan trọng lắm, chứ chắc không phải là đi học. Đoán vậy, nhưng ông cũng không hỏi, vì việc giữ bí mật khi đi công tác xa là một nguyên tắc mà thời đó ai cũng biết.
Sau khi miền Nam được giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, gia đình ông Huỳnh Tùng tìm kiếm, hỏi thăm tin tức của cha nhưng chẳng biết đâu mà hỏi. Sang năm 1976, có hai người đồng đội cũ của ông về báo rằng, ông Huỳnh Mai đã hy sinh trên đường đi công tác. Mọi thông tin chỉ có vậy, hai người đồng đội cũng viết giấy xác nhận để gia đình làm thủ tục xác nhận liệt sĩ cho ông Huỳnh Mai, nhưng chừng ấy là chưa đủ cơ sở.
Ông Huỳnh Tùng kể: Ba tôi đi công tác trong bí mật, cơ quan cũ không ai biết, người thân không ai hay, còn đơn vị lúc ông hy sinh thì không rõ là đơn vị nào. Các cơ quan chức năng, dù nỗ lực giải quyết nhưng cũng không đủ cơ sở. Mọi chuyện cứ thế trôi đi, nhiều lúc tôi cũng thấy nản, nghĩ rằng có thể chuyện này, chuyện nọ đã xảy ra… Nghĩ vậy nhưng tôi luôn tin tưởng vào ba mình, ông là người đảng viên mẫu mực, những gì tôi biết, tôi nghe được về ông đều khẳng định rằng: ông là một người chân chính. Vì thế, tôi tin là “bức màn bí mật” về ba, sớm muộn cũng có ngày được làm sáng tỏ.
Và niềm tin ấy của ông Huỳnh Tùng là có cơ sở. Năm 1996, ông Huỳnh Tùng (lúc này là đại tá, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Không quân) ghé về thăm quê, rất may mắn và ngẫu nhiên, ông gặp được bác Phan Vinh, người đoàn trưởng đoàn cán bộ đi B năm 1961, trong chuyến đi đó có ông Huỳnh Mai. Bác Phan Vinh đã kể lại trường hợp hy sinh của liệt sĩ Huỳnh Mai. Trên đường đi B, ông bị sốt rất cao, đồng đội đi cùng khuyên ông quay lại để chờ chuyến sau, nhưng ông không chịu, quyết tâm đi tiếp. Sốt rét rừng đã “quật ngã” ông tại xã Ba-lô-phà, khu vực Phong-xa-lỳ trên đất Lào vào ngày 22-6-1961. Sau đó, Mặt trận Giải phóng miền Nam truy tặng ông huân chương Quyết thắng hạng nhất. Tấm bằng do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ký vào năm 1968, nhưng do trục trặc trong khâu gửi chuyển, nên mãi năm 1990, mới đến tay gia đình ông Huỳnh Tùng.
Nhờ giấy xác nhận của bác Phan Vinh, ông Tùng biết được đơn vị của cha mình. Theo đó, ông tìm đến Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, nơi lưu giữ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trước đây. Chỉ 15 phút sau, cán bộ Trung tâm đã cung cấp cho ông hồ sơ của đồng chí Huỳnh Mai, trong đó có lý lịch đảng viên, các giấy chuyển sinh hoạt Đảng và giấy thôi trả lương.
Có hồ sơ rồi, vấn đề là phải có cơ quan nào đó đứng ra làm giấy báo tử cho liệt sĩ Huỳnh Mai, vì đơn vị cũ đã giải tán. Ông Huỳnh Tùng tìm về Sở Thương mại Nghệ An, cơ quan cũ của cha mình. Thật bất ngờ, người giám đốc sở khi ấy là ông Phạm Văn Viên, vốn là một kế toán cửa hàng mậu dịch Thái Hòa, do ông Huỳnh Mai làm cửa hàng trưởng ngày nào. Sau khi đọc toàn bộ giấy tờ có liên quan, xác minh và có niềm tin vững chắc vào người thủ trưởng cũ của mình nên ông Viên đã thay mặt cơ quan cũ, ký giấy báo tử cho trường hợp của liệt sĩ Huỳnh Mai…
Như vậy, từ ngày hy sinh cho đến ngày Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Huỳnh Mai, thời gian tròn 36 năm. Gia đình ông Huỳnh Tùng phải trải qua một hành trình tìm kiếm tư liệu, hồ sơ rất gian nan. Khi chúng tôi hỏi tâm tư của ông về hành trình ấy, ông bộc bạch: “Cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc ta đã ghi nên bao chiến công huyền thoại nên không tránh khỏi những mất mát, hy sinh thầm lặng. Những trở ngại mà chúng tôi gặp phải khi đi tìm sự thật về ba mình, cũng là điều bình thường. Tôi rất cảm phục tinh thần tận tụy của cán bộ, nhân viên Trung tâm lưu trữ quốc gia 3. Đã mấy chục năm sau chiến tranh, họ vẫn âm thầm làm việc lưu trữ những bộ hồ sơ, kỷ vật nhỏ bé, góp phần giúp thân nhân và bản thân những cán bộ đi B hồi ấy xác minh được sự thật. Điều nữa mà tôi muốn nói, sự hy sinh của ba tôi là âm thầm, lặng lẽ, nhưng mầm ươm của sự hy sinh ấy vẫn đâm chồi, nảy lộc, vươn cành tỏa bóng. Tôi đã được nuôi dưỡng, học hành ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được đi du học ở Liên Xô (trước đây) để trở thành một cán bộ khoa học phục vụ đất nước sau chiến tranh. Chắc chắn, đó là điều mà ba tôi vẫn hằng mong ước”.
Bài : HỒNG HẢI