QĐND - LTS: Ngày 25-3, Hội đồng bình chọn Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân (GMTTBTQ) tổ chức Lễ tuyên dương GMTTBTQ năm 2013. Đây là những gương mặt trẻ có thành tích nổi bật trong học tập, nghiên cứu khoa học, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống tội phạm, quản lý kinh doanh, thể dục thể thao… Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu 10 GMTTBTQ năm 2013.

Người của những công trình khoa học

Nếu nói tuổi trẻ đi liền với sự sáng tạo, khám phá và thành công thì Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hệ thống chỉ huy và điều khiển (Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel) là một minh chứng.

Làm việc ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội từ năm 2004, đến nay, Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh đã tạo cho mình một “gia sản” lớn về những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của tập đoàn và nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. Trong đó, tiêu biểu nhất là anh đã cùng đồng chí, đồng đội tại trung tâm nghiên cứu, xây dựng thành công và làm chủ hoàn toàn hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia. Đây được xem là một bước đột phá và lần đầu tiên người Việt Nam làm chủ công nghệ này.

Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh.

Theo Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh, trước đây, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia Việt Nam phải thuê đối tác nước ngoài, bị phụ thuộc vào công nghệ và thời gian triển khai lâu. Để khắc phục hạn chế trên, tiến tới làm chủ hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã giao nhiệm vụ cho trung tâm nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảnh giới thay thế hệ thống cũ.

Sau một thời gian tập trung nghiên cứu, tháng 12-2013, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia, do Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh cùng đồng nghiệp xây dựng đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Quân chủng Phòng không-Không quân và thủ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Theo Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh: Hệ thống này không chỉ đảm bảo về tính năng tương đương với hệ thống cũ mà còn được bổ sung một số thuật toán mới, làm tăng hiệu năng quản lý và hỗ trợ tác chiến đúng; về quy mô hệ thống cũng được mở rộng hơn.

Về dự định sắp tới, Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh chia sẻ: "Từ những thành công bước đầu của hệ thống thay thế, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và hoàn chỉnh giai đoạn 2 của hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia với việc mở rộng, nâng cấp hệ thống, không hạn chế kết nối; nghiên cứu khả năng nâng cấp và tùy biến theo yêu cầu tác chiến với thời gian ngắn, bảo đảm tính bảo mật các định dạng dữ liệu và chủng loại ra-đa quân sự”.

Bài và ảnh: DUY THÀNH

17 tuổi và bộ sưu tập 144 huy chương

Đó là thành tích của Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Ánh Viên (17 tuổi), vận động viên bơi lội, thuộc Trung tâm TDTT Quốc phòng 4, Bộ Tham mưu Quân khu 9. Trong bộ sưu tập 144 huy chương của mình, Ánh Viên có 85 huy chương vàng, 45 huy chương bạc và 14 huy chương đồng.

Vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Ảnh: Quang Huy

Sinh ra ở miền sông nước (ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), ngay từ bé Nguyễn Thị Ánh Viên đã được ông nội dạy tập bơi. Lên lớp 5, với năng khiếu bơi lội, Ánh Viên được nhà trường chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Do đạt được những thành tích ấn tượng, nên cô bé vùng sông nước Giai Xuân tiếp tục được chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố. Và tại đây, Ánh Viên, với sải tay dài, cơ thon, độ nổi và độ lướt vượt trội, đã lọt vào mắt xanh của các huấn luyện viên tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9).

Được đào tạo, huấn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Ánh Viên nhanh chóng khẳng định năng khiếu của mình khi giành 10 huy chương vàng trong10 nội dung đăng ký tại Giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc năm 2011. Và một dấu mốc quan trọng, tạo đà cho Ánh Viên tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trên đường đua xanh, là 2 tấm huy chương bạc ngoài mong đợi ở nội dung 100m bơi ngửa và 400m hỗn hợp tại SEA Games 2011 tổ chức tại In-đô-nê-xi-a.

Tiếp nối thành công năm 2011, bước sang năm 2012, Nguyễn Thị Ánh Viên trực tiếp phá chuẩn B Olympic ở nội dung 200m bơi ngửa với thời gian 2 phút 13 giây 66, giành huy chương vàng, vượt 4 chuẩn B Olympic tại giải bơi lội Đông Nam Á, bỏ xa thành tích Ánh Viên từng đạt được ở SEA Games 2011.

Không dừng lại ở đấu trường trong nước và khu vực, tháng 3- 2013, khi tham dự giải bơi lội Nam bang Florida (Mỹ) Ánh Viên đoạt 5 huy chương (2 vàng, 3 bạc), đạt chuẩn A giải vô địch thế giới, giành vé tham dự giải bơi vô địch thế giới. 3 tháng sau, tháng 6-2013, Ánh Viên tiếp tục đạt 14 huy chương các loại tại Giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á tổ chức tại Bru-nây, phá 7 kỷ lục nhóm tuổi của giải. Và tháng 12-2013, tại SEA Games 27 tổ chức tại Mi-an-ma, Nguyễn Thị Ánh Viên giành 6 huy chương các loại, phá 2 kỷ lục SEA Games ở các cự ly 200m ngửa và 400m hỗn hợp.

THÀNH DUY

“Có duyên” với hội thi, luôn hiểu tâm tư chiến sĩ

Giờ giải lao trên thao trường huấn luyện của Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3), các chiến sĩ vây quanh Thượng úy Lý Sinh Sơn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8 để nghe anh kể về truyền thống của đơn vị. Binh nhất Trần Quang Bộ, chiến sĩ Tiểu đội 7, Trung đội 3 còn mạnh dạn “đại diện” cho anh em trong tiểu đội đề nghị Chính trị viên phó giải thích sâu hơn về Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Anh Sơn không ngần ngại nói về ý nghĩa, nội dung cơ bản của cuộc vận động đã được các cấp ủy đảng phát động; chỉ huy đơn vị, phân đội triển khai thực hiện.

Thượng úy Lý Sinh Sơn.

Theo Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, chiến sĩ trẻ ở đơn vị rất muốn trò chuyện, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với Chính trị viên phó Lý Sinh Sơn, bởi anh là người am hiểu kiến thức, gần gũi bộ đội. Ngay từ khi tốt nghiệp Học viện Chính trị, ra trường về đơn vị công tác trên các cương vị: Chính trị viên Đại đội, Trợ lý thanh niên trung đoàn, Chính trị viên phó tiểu đoàn, Thượng úy Lý Sinh Sơn luôn chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; giúp Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn nắm và quản lý tốt tình hình tư tưởng bộ đội, góp phần để đơn vị không có vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Có được kết quả đó là do Lý Sinh Sơn luôn có phương pháp công tác khoa học, vận dụng linh hoạt kiến thức nhà trường vào thực tiễn của đơn vị, nhiệt tình trách nhiệm với công việc. Anh cũng luôn chủ động tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn. Thể hiện rõ nhất là anh đã giành nhiều giải cao trong các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ giảng dạy chính trị giỏi. Chỉ tính riêng năm 2013, anh đã đạt 3 giải nhất của hội thi cán bộ giảng dạy chính trị cấp sư đoàn, quân khu và toàn quân. Năm 2011, 2012, Thượng úy Lý Sinh Sơn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 2013, anh được Bộ tư lệnh Quân khu 3 và Tổng cục Chính trị tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi.

Bài và ảnh: QUANG KHÁNH

Quả cảm, quyết đoán tấn công tội phạm

Gặp lại Thượng úy QNCN Đặng Quốc Khánh, Phó đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm ma túy Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (BĐBP tỉnh Nghệ An) với nước da sạm đen vì sương gió, tôi hiểu đó là kết quả của những ngày anh nhọc nhằn đánh án. Khi hỏi về chiến công gần nhất, bằng giọng nói chắc nịch, anh kể: “Tối 18-2-2014, tôi cùng lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy của đơn vị phối hợp phá án tại bản Tục Pang, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhận được lệnh, tôi cùng các trinh sát sử dụng chiến thuật cá nhân, lợi dụng địa hình, nhanh chóng tiếp cận, bao vây các đối tượng. Khi đội công tác yêu cầu đối tượng dừng lại để kiểm tra, chúng chống trả quyết liệt và liều lĩnh. Lập tức, tôi cùng đồng đội nhanh chóng áp sát, quật ngã, bắt giữ đối tượng. Tang vật thu được là một bánh hê-rô-in, trọng lượng 378g, hai gói ma túy tổng hợp, trọng lượng 25,5g… Qua khai thác, chúng tôi biết còn một đồng phạm đã chạy thoát. Tiếp đó, tôi cùng anh em và gia đình vận động đối tượng ra đầu thú”.

Thượng úy QNCN Đặng Quốc Khánh.

Qua lời kể của anh, tôi càng thấu hiểu niềm vui của một người lính biên phòng khi được góp sức giữ gìn sự bình yên nơi mảnh đất biên cương. Thành tích đáng ghi nhận của anh chính là nhờ sự mưu trí, dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh. Từ năm 2011 đến nay, Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp tham gia đấu tranh, ngăn chặn hơn 10 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm hành chính; tham mưu cho địa phương điều tra, xử lý 15 vụ trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép vật liệu nổ; phối hợp điều tra, giải cứu hai phụ nữ bị lừa bán… Anh luôn tích cực bám nắm địa bàn, khảo sát, nghiên cứu về tình hình hoạt động của tội phạm và xây dựng được nhiều nhân tố điển hình tích cực tố giác tội phạm.

Anh Khánh chia sẻ một kinh nghiệm “xương máu”: “Đối mặt với tội phạm liều lĩnh, manh động, càng không cho phép mình do dự, dù chỉ là một thoáng”. Có lẽ, chính sự quả cảm, quyết đoán đó đã giúp anh lập nên nhiều chiến tích. Bốn năm liền (2010-2013), anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen.

Bài và ảnh: GIANG THANH

Dũng cảm "chiến đấu với giặc lửa”

Đến Tiểu đoàn Thông tin 610 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), chúng tôi được nghe cán bộ, chiến sĩ của đơn vị kể nhiều về Trung úy Hoàng Văn Đông, nhất là việc anh dũng cảm, xả thân tham gia chữa cháy giúp dân.

Trung úy Hoàng Văn Đông.

Sáng 11-12-2013, khi đang tổ chức cho bộ đội kiểm tra huấn luyện, Trung đội trưởng Hoàng Văn Đông nhận được lệnh của chỉ huy đại đội tổ chức cho đơn vị tham gia chữa cháy tại Nhà D11, khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội). Sau ít phút, Hoàng Văn Đông đã chỉ huy trung đội có mặt tại khu vực xảy ra cháy. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội trong 8 căn hộ thuộc các tầng 3, 4, 5, trong lúc các gia đình đều đi làm, cửa khóa nhiều lớp. Anh chỉ huy các chiến sĩ lợi dụng nhà dân bên cạnh, tháo dỡ mái tôn để đưa vòi phun nước dập lửa vào bên trong, còn anh cùng hai chiến sĩ lợi dụng hàng rào sắt trước nhà, leo bám, tiếp cận đám cháy từ phía trước. Khi tiếp cận được mặt trước tầng 3, ngọn lửa và khói bên trong bùng phát ra rất mạnh, anh nhanh chóng dùng thanh sắt đẩy bật tấm tôn phía trên, cậy các thanh sắt trước nhà để đưa vòi phun nước vào trong. Khói đặc và ngọn lửa trùm lên anh và một chiến sĩ bên cạnh. Anh lệnh cho chiến sĩ lấy vòi nước phun trực tiếp lên người mình và khu vực cửa ban công để tiếp tục phá cửa xông vào. Khi thấy ngọn lửa cháy mạnh trong khu vực bếp, có thể gây nổ bình ga, anh giao vòi phun nước cho chiến sĩ bên cạnh, cầm bình chữa cháy băng qua ngọn lửa, lao vào ngắt ống nối bình ga và di chuyển bình ra nơi an toàn.

Sau khi khống chế được đám cháy ở tầng 3 và 4, anh tiếp tục bám theo lan can trèo xuống tầng 2, dùng thang nhôm bắc từ tầng 2 lên tầng 4 và cùng các chiến sĩ nhanh chóng kéo vòi phun nước đưa lên tầng 5 dập lửa. Bất ngờ thang bị trượt và gãy, vừa kịp đẩy được chiến sĩ phía trước lên mái tôn, anh bị ngã từ tầng 4 xuống mái tôn tầng 3 và rơi xuống tầng 2. Mặc dù bị choáng và rất đau, nhưng khi thấy đồng đội đến sơ cứu, trong khi việc chữa cháy ở tầng 5 vẫn gặp nhiều khó khăn, anh động viên đồng đội và chỉ huy bộ đội tiếp tục chữa cháy cho đến khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn. Sau đó, anh được quân y đơn vị và đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Với hành động dũng cảm đó, Hoàng Văn Đông được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen, Chủ tịch UBND quận Đống Đa tặng giấy khen, Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Bài và ảnh: ANH ĐỨC

Người “mềm hóa” lý thuyết

Tại hội thi Cán bộ giáo dục chính trị giỏi toàn quân, Đại úy Vũ Việt Dũng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 được ban giám khảo đánh giá cao và đồng đội vỗ tay không ngớt, bởi khi giảng bài “Nội dung cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" cho đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ, Vũ Việt Dũng đã “mềm hóa” các khái niệm khô cứng bằng những ví dụ đơn giản, dễ hiểu. Với những dẫn chứng, liên hệ phong phú, cùng lối diễn đạt truyền cảm đã giúp Đại úy Vũ Việt Dũng giành giải nhất hội thi. Anh được đồng đội gọi với biệt danh: Người làm “mềm hóa” lý thuyết.

Đại úy Vũ Việt Dũng giới thiệu truyền thống của đơn vị cho các chiến sĩ.

Với kỹ năng mềm của một cán bộ chính trị, trên cương vị Bí thư Liên chi đoàn, Đại úy Vũ Việt Dũng đã có nhiều sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác đoàn trong đơn vị. Khi thấy cán bộ đoàn cấp dưới yếu về kỹ năng công tác đoàn, Đại úy Vũ Việt Dũng đã đề nghị chỉ huy tiểu đoàn mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo định kỳ về công tác đoàn và phong trào thanh niên; đồng thời anh trực tiếp lên lớp. Tại lớp bồi dưỡng (1 tuần/buổi), Đại úy Vũ Việt Dũng lựa chọn từng nội dung cụ thể: Tuần thì bồi dưỡng về sinh nhật đồng đội, tuần khác bồi dưỡng cách thức tổ chức sinh hoạt đoàn và hoạt động văn hóa, văn nghệ... Kết hợp với làm mẫu, anh mời cán bộ làm công tác đoàn tham dự, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn đơn vị. Từ đó, phong trào đoàn và công tác thanh niên ở đơn vị dần đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả hơn.

Với những kết quả đạt được trong quá trình công tác, năm 2013, Đại úy Vũ Việt Dũng được đơn vị bình bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 năm liền (2011-2013) là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài và ảnh: MINH VŨ

Tình nguyện về nơi gian khó

Tôi ấn tượng với Thượng úy Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Điểm B, Đảo Đá Đông (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) khi anh cất tiếng hát tự tin trong đêm giao lưu với các bạn sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh cuốn hút bởi vẻ mộc mạc, chất phác, chân thành. Là người Hà Nội nhưng anh không hề có tác phong của một “công tử” Hà Thành.

Thượng úy Cấn Ngọc Sơn.

Được “em - xi” gợi mở, tôi mạnh dạn giơ tay xin được hỏi Thượng úy Cấn Ngọc Sơn: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của anh từ khi ra công tác tại đảo?”. Anh trả lời, giọng trầm ấm: “Đó là một ngày sóng to, gió lớn của tháng 10-2013, tôi phát hiện một tàu cá không thể di chuyển cách đảo chừng hai hải lý. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tôi cùng các chiến sĩ hạ xuồng cao tốc ra tiếp cận thì biết tàu cá gặp nạn, bị thủng, nước tràn vào khoang, nếu không xử lý nhanh thì tàu sẽ bị đắm. Thấy chúng tôi, 10 ngư dân quê Phú Yên trên tàu đều bật khóc. Sau 4 giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, chúng tôi đã đưa được 10 ngư dân vào bờ an toàn. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng trong lòng nhân dân từ những hành động như thế. Tôi quên hết mọi mệt nhọc và cả hiểm nguy”.

Trò chuyện với anh Sơn phía sau sân khấu, chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị. Tốt nghiệp Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, anh tình nguyện đến miền đất xa xôi, nơi gian khó để rèn luyện và cống hiến. Những ngày đầu ra đảo, cuộc sống khác xa với đất liền nhưng anh luôn xác định rõ tư tưởng để thực hiện tốt nhiệm vụ. Trên cương vị Chỉ huy trưởng Điểm B, anh thường xuyên bám sát nhiệm vụ, tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện, rèn luyện bộ đội, tổ chức tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đảm nhiệm vai trò Phó bí thư Liên chi đoàn Đảo Đá Đông, anh còn chủ động tham mưu tổ chức nhiều hình thức hoạt động phù hợp, cuốn hút đoàn viên, thanh niên tham gia, góp phần phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị.

Năm 2013, Thượng úy Cấn Ngọc Sơn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu Quân chủng Hải quân. Anh vừa được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ triển vọng năm 2013”.

Bài và ảnh: NHƯ Ý

"Toán học cho tôi niềm đam mê, sáng tạo"

Đến với "con đường toán học" một cách tình cờ, nhưng Trung sĩ Nguyễn Đức Đạt (Đại đội 74, Tiểu đoàn 7, Học viện Phòng không-Không quân) có một niềm đam mê mãnh liệt với môn khoa học tự nhiên này. Đạt kể: “Khi thi vào lớp 9, em được thầy, cô phát hiện có năng khiếu toán nên chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn toán. Và em đã đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Kể từ đó, môn toán cuốn hút em. Càng đi sâu tìm hiểu toán học, em càng thấy có nhiều không gian cho mình thỏa thích sáng tạo”.

Trung sĩ Nguyễn Đức Đạt.

Với Nguyễn Đức Đạt, toán học không còn là niềm đam mê mà đã trở thành tình yêu thực sự. Tâm sự với tôi, Nguyễn Đức Đạt cho biết: “Trong các dạng toán, em thích nhất là giải các bài toán ma trận, bởi ở đó, em thấy những thử thách của bản thân. Và mỗi khi tìm được lời giải cho bài toán khó, em xem đó như một phần thưởng lớn, kích thích mình tiếp tục chinh phục những dạng toán phức tạp hơn. Tư duy trong toán học là nền tảng giúp em tư duy tốt hơn trong học tập và cuộc sống”.

Trở thành học viên của Học viện Phòng không-Không quân, Nguyễn Đức Đạt đã thể hiện tài năng toán học của mình khi giành giải nhì Olympic Toán học sinh viên toàn quốc môn đại số; được Hội Toán học Việt Nam và Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tặng bằng khen. Nguyễn Đức Đạt bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học môn tin học cấp khoa, đạt loại xuất sắc, được phong quân hàm trước niên hạn từ hạ sĩ lên trung sĩ; là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013.

Bài và ảnh: DUY ANH

Sáng tạo hết mình vì tập thể

Khi biết những đề tài, sáng kiến của Đại úy QNCN Phạm Thành Đức (Trưởng ban Kỹ thuật, Xí nghiệp Vật liệu nổ, Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), chúng tôi thực sự ngưỡng mộ. Càng trân trọng hơn khi những sáng kiến mà anh đã dồn cả tâm huyết và quyết tâm thực hiện bằng được, đều xuất phát từ mục đích giảm thiểu sức lao động cho công nhân, bảo đảm an toàn trong sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho đơn vị.

Đại úy QNCN Phạm Thành Đức.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2011 đến năm 2013, Phạm Thành Đức đã thực hiện thành công 2 đề tài khoa học và có 17 sáng kiến trên các lĩnh vực cải tiến thiết bị, dụng cụ, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Đặc biệt, đề tài “Cải tiến nâng cao khả năng làm việc của máy đóng gói thuốc nổ nhũ tương kích thước lớn” được Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng khen thưởng và đạt giải nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội. Sáng kiến “Thay khớp nối cho máy đóng gói thuốc nổ nhũ tương” góp phần tăng doanh thu của nhà máy 1,88 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Tận thu hơi nhiệt của bể dung dịch trên dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương” tiết kiệm hơn 15 tấn than đá, thu hồi gần 9,2m3 nước ngưng tụ từ hơi bão hòa, giảm lượng tiêu thụ điện năng gần 2.400kWh, giảm số lần phải sửa chữa thiết bị khuấy, làm lợi cho nhà máy hàng chục triệu đồng/năm. Hai đề tài khoa học của anh được áp dụng thành công đã giảm sức lao động cho công nhân, giải quyết ách tắc trong sản xuất, giá trị làm lợi mỗi năm gần 400 triệu đồng… Hai năm 2012-2013, anh Đức cùng Ban Kỹ thuật chủ trì và tham gia 44/98 sáng kiến của xí nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực trong lao động sản xuất...

Với những thành tích xuất sắc trong công tác, Đại úy QNCN Phạm Thành Đức 6 năm liền (2008-2013) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2012, anh được cấp trên nâng lương trước niên hạn.

Thành tích đạt được thật đáng nể, nhưng khi chúng tôi hỏi “bí quyết” thành công, anh Đức lại khiêm tốn trả lời: “Nhiệm vụ thôi thúc mình phải làm như vậy. Tập thể luôn vì mình, nên mình cũng mong muốn làm nhiều việc vì tập thể”.

Bài và ảnh: MINH HẢI

 

Nhà báo trẻ, thủ lĩnh đoàn nhiệt huyết

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình quân nhân, Đại úy Hồ Quang Phương luôn cảm thấy may mắn vì được công tác tại Báo Quân đội nhân dân - cơ quan báo chí lớn, có bề dày truyền thống và thành tích, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Với nỗ lực của bản thân, phát huy truyền thống của gia đình và luôn cầu thị, khiêm tốn học hỏi ở các thế hệ làm báo đi trước, nên 32 tuổi, Hồ Quang Phương đã có những thành công bước đầu trong nghề báo. Anh đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2012 (cùng nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân với loạt bài “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh”); giải A, Giải Báo chí viết về tài chính năm 2013; giải Báo chí xuất sắc viết về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010; giải nhì Giải Báo chí toàn quốc năm 2005… Dường như nghề báo đã “ngấm” vào máu anh, với sự đam mê nghề nghiệp, luôn tìm tòi cái mới, cùng sự nghiêm túc, trách nhiệm, cẩn trọng.

Đại úy Hồ Quang Phương.

Hồ Quang Phương còn “có duyên” với những lần thi cử. Sau một trận ốm "thập tử nhất sinh", sức khỏe chưa bình phục, anh vẫn quyết tâm ôn thi cao học báo chí và đỗ đầu trong kỳ thi này. Năm 2013, anh giành giải nhì Hội thi báo cáo viên giỏi Cơ quan Tổng cục Chính trị.

Hồ Quang Phương còn là một cán bộ đoàn xuất sắc, năng động. Là Bí thư Chi đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân, anh có nhiều ý tưởng, đổi mới phương thức hoạt động, đưa phong trào hoạt động của tuổi trẻ cơ quan sôi nổi hơn, đặc biệt là các hoạt động xã hội. Chi đoàn cơ sở với hơn 40 đoàn viên, nhưng chỉ tính riêng năm 2013, tổng số tiền mà tuổi trẻ Báo Quân đội nhân dân tham gia quyên góp phục vụ hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội, từ thiện lên tới gần 300 triệu đồng, trong đó, tiêu biểu là việc vận động, quyên góp xây dựng 5 phòng học, phòng bán trú tại xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tặng học sinh mầm non, tiểu học là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong mọi hoạt động phong trào, Hồ Quang Phương luôn thể hiện “lửa” của mình, nên ở các hội thi nội san, văn nghệ, thể thao, các đội của tuổi trẻ Báo Quân đội nhân dân đều giành giải cao. Trong hai năm 2011 và 2012, Chi đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân được Trung ương Đoàn tặng bằng khen.

Bài và ảnh: DƯƠNG TỬ

 

 

Ngoài 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2013, Hội đồng bình chọn Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân còn bình chọn 5 Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2013, gồm: Trung úy QNCN Hoàng Thị Giang, nhân viên thống kê, Ban Chính trị, Phòng kế hoạch-Tổng hợp, Cục Chính trị, Quân khu 1; Đại úy QNCN Nguyễn Duy Hoàng, vận động viên Đội bắn súng, Trung tâm TDTT Quân đội, Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu; Thiếu úy QNCN Trần Tuấn Dương, Tổ trưởng Tổ ca-nô máy đẩy, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Phòng không 573, Quân khu 5; Đại úy Lê Huy Hoàng, Trưởng phòng Công nghệ Hóa sinh, Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học-Công nghệ quân sự; Thượng úy Vũ Văn Trường, Phó xưởng trưởng Xưởng Sản xuất khí tài hô hấp, Xí nghiệp 61, Binh chủng Hóa học.