Một ngày để bước vào hành trình 1.000 ngày tiến tới Đại lễ Thăng Long-Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, hôm qua, cả Hà Nội đã tưng bừng trong không khí của Lễ hội “Khoảnh khắc Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội”, chờ đợi và lắng nghe tiếng đồng hồ đếm ngược thời gian.

20 giờ, sân khấu đền Bà Kiệu bừng sáng, Lễ chính thức “Khoảnh khắc Thăng Long-Hà Nội” bắt đầu. Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Thường trực; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và nhiều đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đoàn thể Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố... Thay mặt lãnh đạo và nhân dân thành phố, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP đã Khai mạc Lễ hội, kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước chung sức, chung lòng xây dựng Thủ đô Hà Nội-Thành phố ngàn năm văn hiến, Thành phố anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Tiếp đó là phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; Cuộc thi thiết kế khu đặt phương tiện lưu giữ vật phẩm và mẫu hình dáng phương tiện lưu giữ “Gửi tới mai sau”.

Sân khấu Đền Bà Kiệu đã được thiết kế kỳ công, nổi bật là hình ảnh cỗ xe thời gian mềm mại như một dải hoa, bên cạnh là chiếc Đồng hồ đếm ngược được phủ cờ ngũ sắc. Đường Đinh Tiên Hoàng dường như nóng lên bởi lượng người nườm nượp đổ về và sôi động hơn với màn trình diễn Trống hội Thăng Long; chương trình ca múa nhạc đặc sắc với những bài hát hay nhất, đậm đà “Hào khí Thăng Long”, đậm đà hào hoa, thanh lịch: Dòng máu Lạc Hồng, Truyền thuyết Hồ Gươm, Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Người Hà Nội, Thăng long văn hiến kinh kỳ, Tay trong tay-Hà Nội hội nhập… Xem trong chương trình là màn trình diễn về lịch sử của Hà Nội ngàn năm văn hiến của Nhà hát Múa rối Trung ương... Cũng tại sân khấu này, nhân dân Thủ đô đã được xem vở diễn mô phỏng lại lịch sử ngàn năm Hà Nội qua màn sử thi nghệ thuật “Khoảnh khắc Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội” từ khi Lý Công Uẩn đọc chiếu dời đô với dấu ấn kinh đô Thăng Long đến thời đại Lê Lợi-Nguyễn Trãi, Hà Nội được gọi Đông Đô và thời đại Hồ Chí Minh-Hà Nội.

Chúng tôi không thể chen được vào khu vực trước sân khấu khi những gương mặt sáng ngời, những giọng hát ấm áp, truyền cảm của một thế hệ nghệ sĩ trẻ Hà Nội ngàn năm đã níu bước chân những người có mặt ở đây từ chiều. Không ai muốn rời khỏi vị trí đắc địa này, nhất là khi đồng hồ đang tiến dần tới con số 22 giờ. Trước thời khắc đồng hồ đếm ngược bắt đầu điểm ít phút, bạn bè của tôi ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Bắc Giang tới tấp gọi điện, nhắn tin về “Nhớ ơi là nhớ”, “Thèm về Hà Nội quá”. Đặng Ngọc Dương, cậu bạn từ thuở thiếu thời, đang du học ở tận nước Mỹ xa xôi nhắn tin “Nhớ Hà Nội nhiều, chỉ mong học nhanh và cố gắng hết mức để về kịp, trước ngày Hà Nội sinh nhật tuổi thứ 1.000, để có thể được làm gì đó vào dịp ấy cho Hà Nội”.

Không khí háo hức, sôi động quanh Hồ Gươm đã được khởi nguồn từ buổi sáng. Không có nhiều buổi sáng chủ nhật trong năm mà người Hà Nội lại thức dậy sớm như thế. 6 giờ, chúng tôi có mặt ở bờ hồ Hoàn Kiếm đã thấy đông nghẹt người. Họ chờ đón ngày khai mạc chính thức Lễ hội “Khoảnh khắc Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội” với các hoạt động phong phú, đa dạng và đậm chất văn hóa.

Lễ phát động phong trào “Xanh, sạch, đẹp Thủ đô hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” đã diễn ra trong buổi sáng qua với quyết tâm của cán bộ, nhân dân toàn thành phố xây dựng giữ gìn một Hà Nội đàng hoàng, sạch đẹp, rợp bóng cây xanh. Tiếp đó là hàng loạt hoạt động văn hóa - thể thao đã diễn ra sôi nổi, mở đầu cho một chuỗi những ngày hội lớn từ nay tới năm 2010 như: Lễ diễu hành Thể thao - Văn hóa của các thế hệ người Hà Nội; Chương trình biểu diễn nghệ thuật các loại hình dân gian như hát ca trù, hát xẩm... Những đám rước rực rỡ tái hiện lại các lễ hội dân gian như Lễ hội đền Lý Bát Đế, Lễ hội Đức Thánh Trần, Lễ hội Lam Sơn…

Một điểm nhấn trong ngày được đông đảo nhân dân quan tâm nhất có lẽ là triển lãm ảnh “Hà Nội xưa và nay”. Bước qua cánh cổng được dựng như biểu tượng Khuê Văn Các trên phố Lê Lai, người xem có dịp thưởng thức, so sánh và suy ngẫm về Hà Nội 36 phố phường xưa-và nay; Kiến trúc Hà Nội, Sinh hoạt xã hội, Sinh hoạt gia đình, Phương tiện đi lại, Phong tục-tập quán, Các di tích lịch sử… qua gần 200 bức ảnh được khai thác từ nguồn tư liệu bưu ảnh và tranh vẽ do người Pháp chụp và vẽ từ đầu thế kỷ XX, sưu tầm từ các nguồn: Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp, Quỹ Văn hóa Hà Nội, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quảng cáo Hà Nội và từ các nhà sưu tầm cá nhân… Cũng trên tuyến phố này, một sân khấu giản dị được dựng lên cho một cuộc biểu diễn các trang phục cổ. Những bộ thường phục, lễ phục của người Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến nay của mọi tầng lớp giàu, nghèo, nam, nữ, già, trẻ đã được trình diễn trên sân khấu, mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị về một khía cạnh của đời sống người Hà Nội trong tiến trình phát triển. Bạn Nguyễn Thu Hường (sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Em rất thích cách trưng bày các bức ảnh xưa-và nay của Hà Nội ở cạnh nhau như thế này. Nó mang lại cho những người Hà Nội như em một cảm giác tự hào, khi chứng kiến sự phát triển, giàu mạnh của Hà Nội và cũng có cả những cảm giác băn khoăn bên những vấn đề còn tồn tại như những con phố trở nên ít thoáng sạch hơn; nước trên các sông, hồ bớt đi sự trong lành…”.

Cũng có một cảm giác vui-buồn lẫn lộn như thế, bác Nguyễn Thanh (Cầu Giấy-Hà Nội) đã tâm sự khi tham quan hội chợ ẩm thực bên phố Lê Thạch: “Xem thế này, tôi thấy nhớ vô cùng những buổi chợ phiên, những trò chơi dân gian, những buổi biểu diễn văn nghệ trên phố, những gánh hát xẩm nơi góc chợ cái thời tôi còn bé. Con gái Hà Nội hồi ấy, quê mùa thì mặc áo tứ thân, cao sang thì mặc áo dài buông, nhìn dịu dàng lắm. Các món ăn hồi ấy dường như cũng ngon hơn và an toàn hơn bây giờ. Tôi mong rằng hướng đến 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội chúng ta sẽ có một Hà Nội văn minh, hiện đại hơn nhưng cũng tìm lại được một Hà Nội văn hiến mà sự phát triển sôi động hiện giờ đã bỏ qua, để phai nhạt, mai một dần”.

Đêm nay có lẽ không ai không có chút nao lòng với những kỷ niệm, những tâm sự, ước mơ về Hà Nội. Đèn đường, đèn hội vẫn đang sáng, âm thanh tiếng trống, lời ca vẫn đang tỏa lan trên mặt Hồ Gươm, Hồ Tây, sông Hồng… Đồng hồ đã điểm, ngày thứ 1.000 đã tới.

MẠNH HÙNG PHẠM THÀNH HUYÊN