 |
Học viên Học viện Chính trị quân sự về với bản Nà Lang (Thái Nguyên), nơi thành lập Học viện (25-10-1951) |
Sắp tròn một năm toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Ở Học viện Chính trị quân sự, năm qua cũng là một năm sôi động của việc đổi mới giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Và nhân 40 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6-7-1967 / 6-7-2007), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Giám đốc đầu tiên của Học viện Chính trị quân sự, một hội thảo khoa học đang được triển khai, giúp những chính ủy, chính trị viên tương lai có dịp học tập, noi gương một trong những người cán bộ chính trị tiêu biểu nhất...
Bài học sinh động về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học
Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ, Giám đốc Học viện yêu cầu hội thảo cần làm nổi bật kinh nghiệm và phương pháp chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị của Đại tướng, trên cương vị vừa là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vừa là Giám đốc đầu tiên của Học viện. Đây là lần đầu tiên Học viện tổ chức một hoạt động khoa học lớn về đồng chí Nguyễn Chí Thanh, và là hội thảo rất có ý nghĩa sau tròn một năm đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị.
Trung tướng Đoàn Chương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, nguyên là bí thư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất xúc động khi chúng tôi tới đặt bài hội thảo. Đồng chí nói: “Anh Nguyễn Chí Thanh không chỉ là giám đốc đầu tiên mà còn hai lần làm Giám đốc Học viện. Những ngày đầu trường thành lập, ta liên tục mở nhiều chiến dịch, anh Nguyễn Chí Thanh thường chủ trì cơ quan Tổng cục Chính trị tiền phương nhưng vẫn luôn chăm lo công tác giáo dục, đào tạo tại trường. Anh đặt ra yêu cầu “thiết thực, trọng điểm, ngắn gọn” để làm sao nhanh chóng được nhiều cán bộ cung cấp cho chiến trường. Bận đi chiến dịch, nhưng anh vẫn cố gắng đến khai giảng, bế giảng và trực tiếp giảng nhiều bài quan trọng. Những bài giảng của anh đều để lại ấn tượng sâu sắc với học viên, bởi nó đầy ắp kinh nghiệm thực tiễn làm anh em rất thấm thía. Anh luôn nhắc nhở giáo viên phải quán triệt sâu sắc phương châm liên hệ lý luận với thực tiễn, một nguyên tắc vẫn luôn cần thực hiện tốt trong công tác giáo dục, đào tạo chính ủy, chính trị viên hiện nay. Sau này, mở rộng chương trình đào tạo, phải mời chuyên gia nước ngoài, nhưng anh Thanh đã có tầm nhìn xa, đề ra tinh thần “ếch cõng nhái”, học bạn xong thì ta tự tổ chức bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ và tự biên soạn các giáo trình…”.
Trong hồi ký của mình, Trung tướng, giáo sư Trần Xuân Trường, nguyên Giám đốc Học viện, nguyên là học viên của những khóa học đầu tiên được Đại tướng lên lớp khẳng định: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người giáo viên “số một” của Học viện ta, một giáo viên mẫu mực, tài năng, điển hình cho người giáo viên chính trị mà tất cả các thế hệ giáo viên của Học viện phải tu dưỡng, rèn luyện để hướng tới. Cái đặc sắc trong giảng dạy của thầy Nguyễn Chí Thanh là trang bị lý luận đi đôi với bồi dưỡng tình cảm, “có lý, có tình” như Bác Hồ thường dạy.
Theo Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Đạo, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn để lại những bài học kinh nghiệm quý để nâng cao tư duy lý luận, khả năng tổng kết thực tiễn của đội ngũ chính ủy, chính trị viên hiện nay. Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người, lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường, như "Nắm thắt lưng địch mà đánh", "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", lập các "Vành đai diệt Mỹ", thi đua phấn đấu trở thành "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt xe tăng" v.v.. Tấm gương Đại tướng nhắc nhở đội ngũ chính ủy, chính trị viên hôm nay phải “nâng tầm” hơn nữa khả năng tổng kết thực tiễn.
Người cán bộ chính trị tiêu biểu
Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 12 năm 2004, Thượng tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã kể lại kỷ niệm sâu sắc những ngày đầu quân ngũ của mình, ông cùng đồng đội được gặp một “thượng cấp” với tác phong giản dị, gần gũi, vừa kiểm tra giác ngộ cách mạng, vừa động viên, hun đúc ý chí chiến đấu mạnh mẽ cho những người lính trẻ mà sau ông mới biết đó chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Một tác phong làm việc dân chủ, một phong cách tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị rất giống Bác Hồ, rất có ý nghĩa khi toàn quân thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên.
Năm ngoái, trong bài viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Quân đội, Đại tướng Lê Đức Anh cũng khẳng định: Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, anh Nguyễn Chí Thanh đã tập trung vào tăng cường bản chất cách mạng của quân đội nhân dân. Tập trung xây dựng chế độ lãnh đạo tập thể của Đảng trong các cấp, từ Tổng quân ủy đến chi bộ đại đội, làm cho công tác tư tưởng vượt lên trên phạm vi của công tác động viên và tác động tâm lý thông thường của con người theo bản năng, phát triển thành công tác giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mục tiêu chiến đấu của quân đội.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, người đã nhiều năm làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng kể lại: Đi sâu, đi sát, phát hiện điển hình, tổng kết, phát động phong trào thi đua rộng rãi là một nét đặc biệt trong phong cách lãnh đạo của đồng chí. Sau năm 1954, từ điển hình của trung đoàn 68 pháo binh, đồng chí đã nắm bắt và phát động thành phong trào thi đua “Ba nhất” trong toàn quân. Đồng chí đã sớm phát hiện và đề nghị phong Anh hùng cho các đồng chí La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… tổ chức nêu gương, động viên phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân. Sau đó lực lượng vũ trang chúng ta xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng.
Càng đi sâu tìm hiểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, càng giúp những cán bộ nghiên cứu bật ra nhiều hướng nghiên cứu mới, trong đó có những hướng về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo chính ủy, chính trị viên hiện nay. Còn với những học viên đang học tập và rèn luyện tại Học viện Chính trị quân sự, chắc chắn đợt học tập, nghiên cứu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lần này sẽ mang lại cho họ nhiều điều bổ ích, thêm một lần được soi mình từ tấm gương người cán bộ chính trị tiêu biểu, người Giám đốc đầu tiên của cái nôi đào luyện các thế hệ chính ủy, chính trị viên trong quân đội.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH