Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...Tuy nhiên, việc sửa luật là cần thiết để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bởi lẽ, theo Bộ trưởng Tô Lâm, các quyền về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân chưa được luật hóa, mà mới được quy định tại nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ (ban hành trước khi Hiến pháp được bổ sung, sửa đổi). Cùng với đó, xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng như từ yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử; đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. 

Toàn cảnh phiên họp chiều 17-4. Ảnh: Quốc hội. 

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo luật có nhiều điểm mới, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng như để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Trong đó, đáng chú ý, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, dự thảo Luật đã quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc (quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật). Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh; quy định đối tượng, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để thể hiện sự minh bạch, phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác, từng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu- đây là điểm mới so với quy định hiện hành là tạm hoãn xuất cảnh không được cấp hộ chiếu.

Đại diện cơ quan thẩm tra sơ bộ dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Cơ quan này tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh  đánh giá, nội dung dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Nội dung dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, do nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều quy định trong các luật khác, các Công ước về quyền con người, các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, đồng thời rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Biên giới quốc gia… để quy định bảo đảm đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và thống nhất.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành luật và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.

Đi vào nội dung cụ thể, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng luật này là để phục vụ cho công tác quản lý, do đó đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến quy định về quy trình, thủ tục gắn với cải cách hành chính, bảo đảm minh bạch và đơn giản. Nguyên tắc cấp hộ chiếu, xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót; nhưng thủ tục thì phải đơn giản, không gây phiền hà, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, về cấp hộ chiếu gắn chip điện tử cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Đa số ý kiến cho rằng cần làm rõ tính khả thi của việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chip điện tử. Hiện nay, Chính phủ đã duyệt chi 1.024 tỷ đồng để triển khai đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử ở Việt Nam, do đó, các ý kiến đề nghị cần làm rõ một số vấn đề đặt ra trong thực tế như tính liên thông, đồng bộ về hệ thống, tính thống nhất khi vẫn sử dụng cùng một lúc hai loại hộ chiếu là hộ chiếu thường và hộ chiếu có chip...

Vấn đề tạm hoãn xuất cảnh là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm bởi nội dung liên quan trực tiếp đến quyền đi lại của công dân. Thực tế đây cũng là vấn đề nảy sinh nhiều bất cập, tồn tại trong công tác quản lý. Các ý kiến cơ bản tán thành với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, song đề nghị cần cụ thể hơn các quy định để tránh bị lạm dụng, lợi dụng, nhất là quy định liên quan đến các vụ việc, vụ án dân sự vì có thể bị diễn giải theo ý lạm dụng để xác định nguyên nhân tạm hoãn xuất cảnh. Đồng thời cũng phải rà soát lại thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh dẫn đến nhiều người hay nhiều cấp có quyền tạm hoãn, dễ phát sinh tiêu cực... 

THẢO NGUYÊN