QĐND - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi vừa thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ)-đội quân chủ lực quốc gia đầu tiên đã hoạt động bám sát nguyên tắc “chính trị trọng hơn quân sự”, lấy xây dựng chính trị làm gốc, lấy tuyên truyền làm phương thức cơ bản để đấu tranh với kẻ thù, đồng thời, “tuyên truyền, vận động” cũng là cách thức xây dựng, phát triển quân đội từ buổi sơ khai.
Chính trị làm gốc
Rời khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, trưa muộn chúng tôi mới ra thăm Nhà trưng bày chiến thắng Đồn Phai Khắt, ở thôn Phai Khắt (xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng). Hướng dẫn viên Nông Thị Bích vừa mở cửa “đồn”, bước vào bên trong, chúng tôi cảm giác như được sống trong không khí cách mạng sục sôi của 70 năm trước, với ngồn ngộn những tư liệu, hiện vật quý giá. Chúng tôi xem chăm chú từng hiện vật, nhưng “lực hút” đặc biệt nhất có lẽ là những trang tài liệu viết tay của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp... phục vụ công tác tuyên truyền vận động quần chúng và những tờ báo cách mạng từ buổi sơ khai.
Chị Nông Thị Bích cho biết: “Nhà trưng bày có nhiều kỷ vật quý, trong đó, tài liệu phục vụ tuyên truyền có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi nó chứa đựng, “lưu giữ” những tư tưởng còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực. Đó là tư tưởng Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, là nguyên tắc lấy “chính trị làm gốc”.
 |
Cán bộ xã Tam Kim giới thiệu với khách tham quan về di tích chòi gác của quân Pháp tại đồn Phai Khắt.
|
Theo lời thuyết trình của chị Bích, chúng tôi dần hiểu đầy đủ hơn về tình hình cách mạng ở Tam Kim 70 năm về trước. Khi ấy, Bác Hồ từng nhận định: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại quá phân tán. Bây giờ nên tập trung những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang”. Với tinh thần đó, đầu tháng 12-1944, tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba đã gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh để thông qua kế hoạch thành lập đội quân chủ lực quốc gia đầu tiên của nước ta. Sau khi xem kỹ kế hoạch, Người thêm hai chữ "tuyên truyền" vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân. Nửa tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức thư (được đặt trong bao thuốc lá) cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ. Sau này, trong Hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngay từ đầu Bác Hồ đã chỉ ra nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng quân đội. Tên Đội VNTTGPQ, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền... Điều này thể hiện rõ một vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng của Người về xây dựng đội quân chủ lực, đó là: "Chính trị làm gốc", là nền tảng cho các hoạt động quân sự”.
Về với quê hương cách mạng Cao Bằng, chúng tôi càng thêm cảm phục trước những quyết sách của Đảng và Bác Hồ. Bấy giờ, vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì LLVT trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Để làm được điều đó, ngay từ đầu, Đội đã thành lập Ban công tác chính trị. Công tác chính trị trong Đội được chú trọng tiến hành, nhất là tổ chức cho các đội viên mới nghiên cứu thêm về Chương trình, Điều lệ Việt Minh, học 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật, 5 bài huấn luyện nhiệm vụ tuyên truyền... Các bài học được dịch ra tiếng các dân tộc Nùng, Dao, Mông... để dạy cho các đồng chí và quần chúng chưa thạo tiếng phổ thông.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, ngay sau khi thành lập Đội và đánh thắng hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, ở Khu căn cứ Lam Sơn (Phúc Tăng, châu Hòa An, nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An), lãnh tụ Hồ Chí Minh căn dặn đồng chí Phạm Văn Đồng, cho đăng tin về sự ra đời và những trận thắng đầu tiên trên Báo Việt Nam Độc lập, để khuếch trương thanh thế chiến thắng. Theo chỉ đạo đó, cơ quan tuyên truyền Việt Minh Cao- Bắc-Lạng đã đưa tin khá chi tiết, đầy đủ, ấn tượng. Cũng thời điểm này, ngay giữa rừng Trần Hưng Đạo, một tờ báo riêng của Đội được ra đời với tên gọi “Tiếng súng reo”. Tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, viết: “Khoảng một tuần sau khi Đội ra quân đánh thắng hai trận đầu, Đội đã cho phát hành tờ báo Tiếng súng reo... Những người tổ chức tờ báo đã chọn trong những đội viên viết chữ đẹp, chép thành nhiều bản, với nhiều khuôn khổ khác nhau trên các loại giấy mà Đội có thể có được lúc đó…".
Như vậy, từ quan điểm chỉ đạo, đến thực tiễn cách mạng, cho thấy: Đội VNTTGPQ luôn thực hiện triệt để tư tưởng lấy chính trị làm gốc, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Chỉ một tuần sau ngày thành lập, từ 34 chiến sĩ, Đội đã phát triển thành một đại đội gồm 4 trung đội, ban chỉ huy các cấp cũng được thành lập... Vũ khí thu được sau những thắng lợi ban đầu đã đủ biên chế cho từng người. Đội có hai khẩu trung liên, vài băng đạn, mỗi khẩu súng trường có 50-60 viên đạn, mỗi chiến sĩ có 2 lựu đạn...
Khéo tuyên truyền để đánh thắng trận đầu
Thực hiện căn dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng”, ngay sau khi thành lập, Đội VNTTGPQ đã xây dựng kế hoạch tiến công Đồn Phai Khắt (ở thôn Phai Khắt, Tam Kim, Nguyên Bình).
Lý giải lý do chọn Đồn Phai Khắt là trận mở đầu, đồng chí Tô Đình Hải, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Tam Kim-người trực tiếp nghiên cứu, tham gia viết lịch sử đảng bộ địa phương, cho rằng: Sở dĩ ta chọn Phai Khắt là vì nơi này có cơ sở nhân dân tốt. Nếu khéo tuyên truyền, vận động thì quần chúng sẽ giúp đỡ bộ đội chuẩn bị thật chu đáo và đánh chắc thắng. Nắm rõ thực tế đó, hội nghị chi bộ Đảng của Đội VNTTGPQ đã xây dựng kế hoạch, xác định những việc cần làm ngay, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền. Đồng chí Hoàng Văn Thái được giao phụ trách công tác tuyên truyền và binh vận của đội, là người thực hiện nhiệm vụ cắm cờ sau chiến thắng.
Ông Nông Văn Tình (74 tuổi, ở thôn Phai Khắt)-cháu ruột của đồng chí Nông Văn Lạc, cán bộ địa phương trực tiếp tham gia đánh Đồn Phai Khắt kể lại câu chuyện của người bác ruột. Ngày đó, địch chiếm nhà cụ Nông Văn Lạc để làm đồn. Bọn địch đóng ở giữa làng, nên từ ngoài vào đồn, phải qua hai lần rào. Vòng ngoài, địch bắt nhân dân thay phiên canh gác, vòng trong do binh lính canh gác. Do đó, các chiến sĩ chia nhau ra làm công tác vận động với những người dân tham gia gác đồn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể lại trong hồi ký: “Các chiến sĩ của những đội vũ trang địa phương khi ẩn, khi hiện trên những đường ngang ngõ tắt của các làng, bản; những đội viên tự vệ, tự vệ chiến đấu vẫn ở cùng với bà con trong cơn giông tố, đã cổ vũ, nâng đỡ tinh thần chiến đấu của đồng bào…”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã một lòng giác ngộ cách mạng, ủng hộ đội đánh trận đầu giành thắng lợi vẻ vang. Nhắc đến trận đầu, không thể không nói đến cụ Nông Văn Lạc, Chủ nhiệm Việt Minh liên huyện Nguyên Bình-Ngân Sơn, đồng thời là chủ nhân của ngôi nhà bị địch chiếm làm đồn Phai Khắt. Cụ là người trực tiếp đi trinh sát và “chỉ điểm” cho đội đánh trận đầu vào chính… nhà mình. Cụ còn trực tiếp vận động, tập hợp nhân dân địa phương tiếp tế cơm nước, đặt trạm canh gác báo tin cho bộ đội. Sau trận đánh, cụ cùng nhân dân loan tin chiến thắng, thống nhất cách khai báo cho các gia đình thật giống nhau nếu địch trở lại khủng bố.
Nói đến trận thắng Phai Khắt, phải nhắc đến đóng góp của Nông Văn Xương (tức bé Hồng)-trinh sát viên nhỏ tuổi của Ðội VNTTGPQ năm xưa. Ngày ấy, đồn Phai Khắt nằm chếch phía Tây cách nhà bé Hồng khoảng nửa cây số. Lúc ấy, mới 12 tuổi, bé Hồng hằng ngày mang quà và rượu vào cho tên quan Tây, lợi dụng trò chuyện, xem kỹ các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt và bố trí của địch ở trong đồn, bé Hồng đã báo cáo tỉ mỉ cho chỉ huy đội để xác định cách đánh chắc thắng.
Cô gái Nông Thị Lỵ cũng có những đóng góp quan trọng vào trận đầu. Được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ, thực hiện kế “điệu hổ ly sơn”, trước khi bộ đội tấn công đồn, cô gái trẻ Nông Thị Lỵ bắt đầu đưa lúa ra giã để làm bánh tráng và bánh cuốn, kéo được 8 tên lính dõng rời khỏi đồn, sang nhà cô để vừa phụ giúp vừa tán tỉnh cô sơn nữ xinh đẹp. Để giữ chân chúng, cô gái Tày còn bày thêm trò “đoán gạo có thưởng”. Sau khi quân ta làm chủ đồn, cô gái Nông Thị Lỵ mới bước ra trước nhà, hô to: “Bớ! lính đâu về nhanh, đồn bị chiếm rồi”. Số lĩnh dõng đang vui vẻ với trò “đoán gạo” hốt hoảng chạy về đồn, chưa kịp có một phản ứng nào đã bị bắt trói toàn bộ.
Và còn nữa những người dân Phai Khắt, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, góp công vào đánh thắng hai trận đầu. Ngoài lực lượng của Đội VNTTGPQ, trong trận này có khoảng 50 người gồm lực lượng du kích, cán bộ Việt Minh ở địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường... phục vụ chiến đấu. Sau khi Đội VNTTGPQ rút đi, bà con dân làng Phai Khắt ở lại dọn dẹp toàn bộ hiện trường của trận đánh, chôn cất tên đồn trưởng cùng con ngựa của hắn bị bắn chết... Thành công của trận Phai Khắt là sự phối hợp tuyệt vời của nghệ thuật chiến tranh du kích trong thế trận nhân dân, trong đó vai trò tham gia của quần chúng là hết sức quan trọng, mà kết quả đó bắt đầu từ việc tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.
Đồn Phai Khắt xưa nay đã thành nhà trưng bày chiến thắng, trở thành biểu tượng sống mãi để minh chứng cho chiến thắng đầu tiên và to lớn của quân đội ta. Về với nguồn cội lần này, chúng tôi càng hiểu thấu vì sao: Ra đời chỉ mới 3 ngày, quân đội ta đã đánh thắng trận đầu vang dội, trong 4 ngày đã mang về hai thắng lợi có ý nghĩa lớn, chưa đầy 1 tuổi đã góp phần quan trọng giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, 9 tuổi đã đánh bại thực dân Pháp, với trận quyết chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu...
Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN
Bài 1: Đảng lãnh đạo từ lúc “lọt lòng”
Bài 3: Đội quân đầu tiên - đội quân đàn anh