Tối muộn trong phòng nghỉ, chiếc điện thoại bỗng reo lên tút tút... Đồng chí đại đội trưởng vội bước ra sân bấm mở Zalo. Khuôn mặt cậu con trai hớn hở, miệng không ngừng hỏi đi hỏi lại: “Bao giờ bố về với con ạ?”. Cũng chẳng biết nói thế nào, anh nhẹ nhàng an ủi: “Con ở nhà ngoan! Xong việc rồi bố sẽ về”.
Câu trả lời xoa dịu tâm hồn con trẻ, thế nhưng có gì đó băn khoăn ngập ngừng, vì hứa “sẽ về” nhưng chưa có ngày cụ thể. Cậu con trai nhỏ cũng chưa hiểu nhiều về dịch bệnh, chỉ biết bố đi công tác, công việc của bố thật bận rộn. Thế rồi qua màn hình điện thoại, cậu nhắn nhủ: “Con biết rồi, bố đi làm để có tiền. Khi nào về bố sẽ mua quà cho con ạ!”. Anh khẽ “ừ” rồi dặn con đi ngủ sớm. Trở vào phòng, anh xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Những câu hỏi của con trẻ nghĩ mà thương quá. Đã mấy tháng nay mình chưa về nhà. Bà xã bảo, mỗi khi nhớ bố, anh em chúng lại đóng làm chú bộ đội. Bọn trẻ lấy quân phục cũ của bố trong tủ khoác vào rồi tập tành mốt hai mốt, hô nghiêm nghỉ vang cả nhà”.
Tôi được nghe nhiều đồng chí tâm sự về gia đình trong những ngày đơn vị cấm trại, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Người thì con nhỏ, người bố mẹ già yếu, người hoàn cảnh khó khăn. Vất vả nhất là gia đình những nữ quân nhân. Khi mẹ vắng nhà, sinh hoạt bị xáo trộn, bữa cơm không còn tươm tất, giấc ngủ cũng chập chờn. Các con ở nhà tự chơi với nhau, cả ngày quanh quẩn trong bốn bức tường. Đã ăn ngủ thất thường lại không có chỗ vui chơi, bọn trẻ như những chú ngựa non bị bó gối, cuồng chân mà chẳng biết làm thế nào.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau thế nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Ai cũng mong bình an đến với gia đình mình và dịch bệnh mau qua để trở về gặp người thân cho thỏa nhớ mong, để những lời yêu thương không chỉ còn qua điện thoại mà là sự gặp gỡ trong hạnh phúc và an toàn.
NGỌC NAM