 |
Cô giáo Hiền trong buổi luyện thi chữ đẹp cho học sinh giỏi. |
LTS: Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI có 9 tập thể, cá nhân anh hùng, điển hình tiên tiến được nhận Cúp tôn vinh và tham gia giao lưu tại Hà Nội. Kể từ hôm nay, báo Quân đội nhân dân, Lao Động xin trân trọng giới thiệu những tấm gương tiêu biểu.
Ngày 8-8-2007, Thượng úy Phạm Hữu Huyên 34 tuổi, quê ở thôn Phong Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã anh dũng hy sinh, trong khi làm nhiệm vụ cứu dân ở vùng lũ, thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. 8 tháng sau khi hy sinh, anh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tấm gương hy sinh quên mình vì nhân dân của anh được lực lượng vũ trang Quân khu 4 và nhiều đơn vị khác trong toàn quân phát động noi theo...
Giờ đây trong ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Kiến Giang của anh chỉ còn lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Vượt qua những đau thương mất mát không gì bù đắp nổi, cô giáo Mai Thị Hiền - Vợ anh hùng Phạm Hữu Huyên - đang từng bước vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nguyện sống xứng đáng với người chồng Anh hùng...
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”
Mới cuối tháng 4 mà trời Quảng Bình đã nắng như đổ lửa. Vừa bước chân vào ngôi nhà nhỏ của cô giáo Mai Thị Hiền, nằm ngay bên bờ sông Kiến Giang (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), tôi bỗng nghẹn lại vì xúc động - Người phụ nữ trẻ, mắt thâm quầng, trên áo còn gắn băng tang, vừa bế đứa con gái nhỏ, vừa lau lại chiếc quạt máy bị khô dầu. Lắp hoàn chỉnh lại chiếc quạt, chị cắm điện, bật công tắc. Chiếc quạt quay êm ru, thổi ra một làn gió mát rượi. Quay sang tôi Hiền nói: “Trời ni mà không có quạt, người lớn còn chịu được chứ trẻ con răng mà chịu nổi anh hì. Mới nóng có mấy hôm mà con nhỏ đã phát sốt rồi, chẳng chịu ăn uống gì cả. Từ ngày anh Huyên nhà em hy sinh, em phải tập làm cả những việc vốn không dành cho người phụ nữ chân yếu tay mềm”.
Nhìn tôi thắp nén hương trên bàn thờ liệt sĩ Phạm Hữu Huyên, Hiền lại rưng rưng: “Số em răng mà khổ rứa anh?”. Rồi với giọng rưng rưng, Hiền kể:
- Năm 1996, em tốt nghiệp sư phạm, trở thành cô giáo. Niềm vui chưa được bao lâu thì bố em lâm bệnh nặng rồi mất. Nỗi đau quá lớn, khiến mẹ em cũng đổ bệnh, ốm liền mấy tháng; khi đó anh trai đang là bộ đội lại đóng quân ở xa nên mọi việc trong nhà em đã phải tự đảm đương. Trước khi nhận bằng tốt nghiệp, cũng giống như nhiều giáo viên trẻ khác, em viết đơn tình nguyện lên công tác ở vùng sâu, vùng xa. Khi chuẩn bị nhận công tác tại Trường tiểu học số 1, xã Tân Thủy – một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, nhiều người khuyên em nên suy nghĩ lại, nhưng mẹ động viên em: “Có khó khăn thì mới nhanh trưởng thành con à. Mẹ cũng đỡ nhiều rồi, quanh đây còn có hàng xóm đỡ đần. Con cứ yên tâm nhận công tác”.
Ngày đó, muốn vào được trường Tân Thủy số 1 phải đi bộ gần mười cây số đường rừng. Khoác ba lô vào đến nơi, những cô giáo trẻ lại phải tự sửa sang lại chỗ ở nội trú. Không có điện, buổi tối, các cô chỉ biết ôm lấy nhau cho đỡ sợ. Những khó khăn về cơ sở vật chất, sinh hoạt rồi cũng qua, nhưng cái khó nhất là lớp không có học sinh. Các em bỏ học chủ yếu vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phải ở nhà phụ giúp gia đình. Với cương vị là Bí thư chi đoàn nhà trường, cô giáo trẻ Mai Thị Hiền đã lên kế hoạch phối hợp cùng với chi đoàn địa phương vận động từng em học sinh trở lại trường học. Ban ngày lên lớp, tối các thầy cô giáo lại phân công nhau đến từng gia đình để vận động học sinh đến trường. Lúc đó lương giáo viên còn eo hẹp, nhưng tháng nào chi đoàn cũng vận động cán bộ giáo viên bỏ một phần tiền lương để đóng các khoản phí cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Học sinh đến lớp mỗi ngày một đông, giáo viên ai cũng vui, sân trường lúc nào cũng rộn tiếng cười...
Thầy giáo Nguyễn Văn Hướng, Hiệu trưởng trường tiểu học Liên Thủy 1 nhận xét: “Cô giáo Mai Thị Hiền là một giáo viên có năng lực, trách nhiệm và yêu quý học trò. Từ ngày về nhận công tác, cô giáo Hiền luôn là giáo viên dạy giỏi, được Nhà trường chọn vào tổ giáo viên đào tạo học sinh giỏi của nhà trường. Từ khi anh Huyên hy sinh, nhà trường đã tạo điều kiện chuyển cho cô giáo Hiền từ giáo viên chủ nhiệm lớp sang dạy bộ môn để có thêm thời gian chăm sóc cho gia đình và các con. Dù môn Địa lý và Mỹ thuật không phải là chuyên môn chính, nhưng cô Hiền vẫn đảm nhiệm tốt. Trong năm 2007, 4 học sinh do cô Hiền đào tạo đều đạt kết quả tại cuộc thi học sinh giỏi của huyện”. |
“Đúng lúc ấy thì em buộc phải xin chuyển công tác”- Hiền tiếp tục câu chuyện:
- Năm 1999, em và anh Huyên làm lễ cưới. Tròn một năm sau thì mẹ chồng em đột nhiên đổ bệnh, đi khám mới phát hiện ra bị ung thư cột sống. Cả nhà lập tức đưa mẹ vào bệnh viện Trung ương Huế - cách nhà hơn 200km để chữa trị. Nhưng rồi, bệnh tình mỗi ngày một nặng không thể chữa trị. Bệnh viện khuyên đưa mẹ về nhà chăm sóc, để lúc ra đi khỏi “đất khách quê người”... Cũng đúng lúc ấy thì em mất đứa con đầu khi chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ sinh nở. Năm 2000 mẹ chồng mất, em cũng ba lần mang thai mà không được làm mẹ... Biết hoàn cảnh em như thế, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Lệ Thủy động viên và đề nghị em chuyển về công tác tại trường tiểu học Liên Thủy 1, huyện Lệ Thủy để tiện cho việc chăm sóc mẹ chồng và sức khỏe bản thân. Hồi đó, anh Huyên đang còn công tác tại Quảng Trị, cách nhà gần 100km. Biết anh không thể thường xuyên về nhà được, nên mỗi khi được nghỉ, em bắt xe ô tô để vào thăm và động viên anh. Năm 2004, em sinh cháu trai đầu lòng, cũng là lúc anh Huyên nhận công tác mới ở Đội xây dựng cơ sở số 5, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình.
Công việc mới của người chiến sĩ xây dựng cơ sở vất vả hơn, bởi thường xuyên xa nhà, cắm chốt ở các xã vùng sâu, vùng xa giúp chính quyền địa phương xây dựng cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế... Huyên chẳng mấy khi được về thăm nhà. Mọi công việc chăm sóc con cái đều một tay Hiền đảm đang. Nhưng niềm vui được làm mẹ, khiến Hiền quên hết mệt nhọc. Đầu năm 2007, Hiền sinh cháu gái thứ hai, Huyên cũng được điều động về Bệnh xá của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình nên có thời gian về chăm sóc gia đình. “Tuy vất vả, nhưng đó là những ngày hạnh phúc nhất của em” – Hiền nói.
Khi đứa con thứ hai chưa được 4 tháng tuổi thì trong một chuyến công tác cứu dân ở vùng lũ, Thượng úy Phạm Hữu Huyên đã vĩnh viễn không trở về.
Sống xứng đáng là vợ người Anh hùng
Thay tuần hương mới trên bàn thờ chồng, Hiền bùi ngùi kể tiếp:
- Trưa ngày 7-8-2007, em vẫn nhớ hôm đó là thứ ba, vừa từ lớp về, em đã thấy anh Huyên đang lúi húi đóng cái chuồng gà phía sau nhà. Anh bảo: “Hôm nay bên nội có giỗ nên anh tranh thủ về cho phải lẽ. Để anh làm xong cái chuồng này, nuôi mấy chục con gà mái, lấy trứng bồi dưỡng cho 3 mẹ con”. Đang làm dở thì có điện từ Bệnh xá. Anh Huyên chỉ kịp bảo: “Có bệnh nhân cần cấp cứu gấp”, rồi vội vã thay quân phục lên đường ngay. Chiều tối hôm đó, anh Huyên lại gọi điện về bảo: “Bệnh nhân của anh đã qua cơn nguy kịch rồi, đang nằm chờ phục hồi sức khỏe. Bây giờ anh lại đi cùng với Bộ CHQS đi chống lũ ở huyện Tuyên Hóa”. Đến sáng hôm sau thì em nhận được hung tin: “Anh Huyên đã hy sinh”... Một tháng sau, em vẫn như người mất hồn, không tin anh Huyên đã mất. Một lần nhìn chiếc chuồng gà đang làm dở dang, tưởng chồng vẫn đang ở đâu đó, nên em chạy ra làm, đến khi đóng chiếc búa vào tay đau điếng, mới biết anh Huyên không còn nữa. Tuy em phải nuôi con một mình, nhưng anh thường xuyên viết thư, gọi điện động viên. Mỗi lần con ốm, sốt, anh đều gọi điện dặn cách mua thuốc và cách chữa trị... Không được thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng gia đình vẫn có một cái Tết quây quần, đầm ấm.
Chẳng có gì đo được nỗi đau mất đi người thân. Nhưng những gì mà người vợ trẻ đã vượt qua nỗi đau để vươn lên thì ai cũng có thể cảm nhận được. Được sự động viên, giúp đỡ của người thân trong gia đình, đồng nghiệp và những đồng chí, đồng đội của chồng và nhất là hai đứa con nhỏ, Hiền tiếp tục trở lại lớp, chăm sóc tốt các con và làm nốt những công việc dở dang mà chồng để lại.
Ngoài sự động viên, an ủi, giúp đỡ của mọi người, một trong những động lực giúp Hiền vươn lên đó chính là tấm gương của chồng. Hiền bảo:
- Thỉnh thoảng chú Hiệp (Trung úy Phạm Hữu Hiệp, em trai Anh hùng Phạm Hữu Huyên, hiện đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) ghé qua thăm các cháu lại nói: Đơn vị nơi anh Huyên công tác và rất nhiều đơn vị khác trong toàn Quân khu 4 đã phát động đợt học tập noi gương tấm gương lao động, học tập và hy sinh anh dũng vì nhân dân của anh Huyên. Cũng cách đây ít ngày, chú Dậy (Đại tá Võ Đức Dậy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) khi đến thăm đã căn dặn em: Bây giờ cháu đã là vợ một người anh hùng rồi, đã cố gắng cần phải cố gắng hơn nữa. Tuy anh Huyên không còn nữa, nhưng đồng đội của anh Huyên sẽ luôn ở bên để động viên, giúp đỡ gia đình”. Bản thân em cũng biết: Là vợ bộ đội, trách nhiệm đã nặng nề. Nay trở thành vợ một Anh hùng, em càng phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của anh ấy. Em sẽ cố gắng để trở thành một cô giáo giỏi, người vợ hiền đảm đang, đóng góp nhiều hơn cho xã hội...đúng theo nguyện vọng của anh Huyên.
Ngày 24-4, tôi có mặt tại Trường tiểu học Liên Thủy số 1 – nơi cô giáo Mai Thị Hiền công tác. Cô giáo Nguyễn Thị Phương, có chồng là bộ đội đóng quân ở Kon Tum, có hai con nhỏ, cho biết: “Trước đây, hai chị em có cùng cảnh ngộ - chồng là bộ đội, công tác xa nhà - nên thường hay tâm sự với nhau. Khi ấy Hiền thường đùa: Em còn hơn chị, vì anh Huyên chỉ cách nhà có vài tiếng ô tô chạy, còn chị thì cách đến cả nghìn cây số. Vậy mà bây giờ... Sau khi anh Huyên mất, tôi cũng tưởng phải mất một thời gian dài Hiền mới trở lại lớp được. Thế mà chỉ 2 tuần sau, Hiền trở lại trường và năm 2007, cô ấy là giáo viên dạy giỏi, chăm sóc các con và gia đình chu đáo”.
Tiết học ngày thứ sáu của cô giáo Hiền hôm nay cho học sinh khối 5 là môn Mỹ thuật. Trên bục giảng, cô vẫn say sưa chỉ cho các học sinh cách vẽ các hình khối, phối màu, vẽ các hình ảnh người, đồ dùng hằng ngày, các con vật gần gũi với con người... Bài tập cuối cùng của giờ học là: Vẽ hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ. Có em học sinh chợt hỏi: “Cô ơi! Chú bộ đội có phải như là chồng của cô không ạ?”. Câu hỏi thơ ngây của học trò khiến mắt cô giáo Hiền chợt đỏ hoe. Tôi biết, đây không phải là lần đầu tiên những câu hỏi thơ ngây của học trò vô tình chạm vào nỗi đau của cô giáo. Trong dịp Tết vừa rồi, khi các học sinh đến thăm nhà cô giáo, có em vô tình nói: “Trước cô giáo hay đưa cả lớp đi thăm các gia đình liệt sĩ, thương binh. Bây giờ nhà cô giáo Hiền cũng là gia đình liệt sĩ rồi. Ngày Thương binh – Liệt sĩ tới đây lớp mình lại đến thăm cô nhé”...
Cũng trong những ngày ở Lệ Thủy, tôi ghé thăm gia đình cụ Phạm Thị Hồng, 94 tuổi, ở xóm 2, thôn Xuân Hồi, cách trường tiểu học Liên Thủy số 1 không xa. Nhắc đến cô giáo Hiền, những người thân của cụ Hồng đều nhớ, bởi năm nào cô cũng đưa học sinh đến thăm cụ. Khi biết cô giáo Hiền là vợ liệt sĩ, bác Trần Duy Bờm, con trai của cụ Hồng, xúc động nói: “Hai anh trai tôi là liệt sĩ, một anh trai tôi hiện là thương binh loại 1/4, mất sức khỏe đến 98%, nay đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Nỗi đau mất người thân khiến mẹ tôi suy sụp nhiều, chẳng còn nhớ gì nữa. Trước đây khi đến thăm mẹ tôi, lần nào cô Hiền cũng ngồi lại thật lâu, cùng học sinh bóc mời mẹ những múi cam tươi ngon nhất. Nghe về sự hy sinh của các bác trong gia đình, cô lại khóc. Thế mà...”. Nói đến đây, bác Bờm cũng rơm rớm nước mắt, giọng nghẹn lại.
Chia tay dòng Kiến Giang, chia tay Lệ Thủy, tôi còn được nghe nhiều lời khen ngợi cũng như động viên cô giáo Hiền. Nhìn cánh đồng lúa đang thì trổ bông, dòng Kiến Giang nước xanh thăm thẳm, như còn in chiến công của Thượng úy Phạm Hữu Huyên, chợt nghĩ đến những gì Hiền đã làm được, tôi tin chắc rằng: dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Hiền sẽ vượt qua được, để sống và cống hiến, xứng đáng là một người vợ của Anh hùng – liệt sĩ Phạm Hữu Huyên.
Bài và ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN