Tôi khao khát dịch corona nhanh chóng thoát khỏi nước Đức để sớm được tự do đi lại và được về quê hương đón Xuân. Vậy mà dịch bệnh không thuyên giảm, chẳng hy vọng gì được về Việt Nam ăn Tết. Ngó trời đất bên ngoài cửa sổ mà nước mắt vòng quanh.
Sống ở nước ngoài dù bản lĩnh sống thế nào nhưng vẫn cảm thấy chông chênh giữa hai nền văn hóa khác nhau về cái Tết. Mỗi lần về với quê nhà là được thấy chân tâm, tình cảm của người thân, để hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống.
 |
Bên mâm cơm sum họp gia đình Tết năm 2020. |
Ở Tây chỉ có Tết dương lịch, trước đó là ngày Noel nên họ kết hợp nghỉ nhiều ngày, tổ chức nhiều lễ hội cho dân bản xứ, nhưng nó chẳng gây cho mình chút xúc động nào vì thiếu vắng chất thơm thảo của từng món ăn không chỉ ngon mà mang triết lý sâu xa cuộc sống của người Việt trong mâm cỗ Tết, ý nghĩa của nó thấm vào máu thịt, đi cùng trời cuối đất không thể quên được.
Ngày Tết là ngày sum họp, mọi người giao lưu thân thiện với nhau từ mâm cỗ cúng gia tiên. Mâm cỗ chính là tiếng gọi tâm linh những người con từ chốn vô minh trở về bến cũ. Ngôn ngữ từ những món ăn bày trong mâm cỗ cúng là dòng chảy tinh hoa ẩm thực của đất trời ùa về, là tiếng gọi hàng triệu người Việt sống xa xứ không quên cội nguồn. Không có ngày nào trong năm tụ hội đầy đủ các thế hệ trong gia đình như ngày Tết.
Ở Đức, muốn mua măng khô phải lái xe từ Hamburg đến chợ Đồng Xuân ở Berlin hơn 300km mới mua được, nhưng nấu được nồi măng vẫn thiếu hương vị của rau mùi, rau húng Láng, hành lá có củ. Nằm mơ cũng không kiếm được con gà ta để có được nồi miến thơm nức vị gà. Chất thịt lợn ở Đức cũng không thơm như thịt Việt Nam. Rau cũng vậy, cây xà lách lá dày dai hơn rau diếp, không giống xà lách Hà Nội tròn nhỏ, chắc như bắp cải, khi ăn ngọt và giòn rất hợp với bất cứ loại rau thơm nào ở Hà Nội. Ở Đức có cây húng quế, nhưng không thơm nên họ trồng làm cây cảnh ở các vườn hoa.
Mỗi món ăn trên mâm cỗ cúng gia tiên có cách chế biến cầu kỳ riêng và ngôn ngữ riêng quện với mùi nhang ấm cúng lan tỏa dưới mái ấm bên sắc hoa đào, chẳng có ngôn ngữ nào hay hơn khung cảnh ấy.
 |
Ấm cúng ngày Xuân với gia đình. Ảnh chụp Tết năm 2020 |
Khi được ngồi bên mâm cỗ, các thành viên trong gia đình đều chung một từ niệm rất rõ bản sắc văn hóa, chưa ai dám cầm đũa ăn ngay mà phải thưởng thức bằng khứu giác trước, dùng tâm mà nhìn từng món ăn, sau đó chờ người lớn tuổi cầm đũa thì con cháu mới làm theo, mỗi miếng ăn đều thấm vào tim, khắc sâu vào tâm khảm. Mỗi người tự điều chỉnh cách ngồi, cách ứng xử, cách nói, cách nhai và biết quan tâm đến nhau. Ăn cỗ ngày Tết ngày nay không đơn thuần là “có thực mới vực được đạo”, qua văn hóa ăn người ta thể hiện được phần nào cách sống.
Trong khi ăn, mợ tôi chọn món ngon tiếp cho ông bà, chúng tôi cũng đáp lại người trên như vậy, để con cái nhìn vào đó mà ứng xử, ánh mắt, nụ cười trong bữa ăn thật khó tả bằng lời. Những chuyện vui buồn được bày tỏ, 365 ngày trong năm chẳng bữa cơm nào đầy màu sắc như cỗ cúng ông bà và có đủ cung bậc lòng tôn kính tổ tiên, thể hiện lòng “Ăn quả nhớ người trồng cây” như bữa ăn ngày Tết.
Những người có kiến thức không thể thưởng thức cỗ Tết bằng vô thức mà cảm nhận giá trị lao động của người làm nông, giá trị bàn tay làm bếp của người thân đã hòa nhập vào tình cảm chung bản sắc văn hóa ẩm thực của gia phong, của dân tộc, từ sâu thẳm trong tâm sẽ khơi lên sức sống mới để gìn giữ nếp văn hóa truyền thống, văn hóa của tổ tiên để lại.
Ao ước được về hòa mình vào không khí Xuân và thưởng thức mâm cỗ Tết với gia đình thấy hạnh phúc vô cùng, mỗi lần đến ngày Mồng Một Tết nguyên đán là ngẩn ngơ nhớ quê hương vô cùng.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ TRÂM (CHLB Đức)