Đến hôm nay, con trai đầu lòng của tôi đã tròn 5 tháng tuổi. Con tôi đã biết lẫy, biết bò, biết nói u, o... Con tôi càng lớn, trông càng giống anh từ cái miệng, cái mũi to, nhất là vầng trán rộng. Mỗi khi nhớ anh, tôi ngắm nhìn, nói chuyện với con để phần nào khỏa lấp khoảng trống vô hình ấy.

Tôi và anh là người cùng thôn. Anh hơn tôi 7 tuổi, là sĩ quan quân đội, công tác tại Sư đoàn 968 (Quân khu 4), đóng quân cách nhà hơn 500km.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (khoa công nghệ thông tin), tôi đang lo tìm việc làm thì tình cờ gặp anh. Một chiều đầu mùa thu năm 2006, tôi và anh tình cờ về quê trên cùng một chuyến xe. Vốn là người cùng quê, nên chúng tôi dễ gần nhau. Anh và tôi trò chuyện trên suốt chặng đường. Anh kể cho tôi nghe về nơi mình công tác, về đơn vị và những ước mơ thật chân thành, giản dị của người lính. Sau những ngày nghỉ phép ở quê, chúng tôi trở nên thân thiết. Anh đã chiếm được cảm tình của tôi. Còn tôi, cũng thương anh vô bờ bến. Hoàn cảnh của gia đình anh, bố đi chiến trường và hy sinh, mẹ ở vậy nuôi các con khôn lớn. Anh ở với mẹ, dù đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa tìm được vợ (!).

Một ngày cuối mùa thu, anh tìm đến bên tôi, rồi nói lời yêu thương. Thú thực lúc đầu tôi cũng ái ngại, vì anh đóng quân cách xa nhà hơn 500km, còn tôi lại chưa có việc làm. Nhà tôi khá đông anh em. Các em của tôi đều đang tuổi ăn, tuổi học. Nhưng được hai bên gia đình ủng hộ, đầu năm 2007 chúng tôi nên vợ, thành chồng.

Sau “tuần trăng mật” ngắn ngủi, anh phải trở lại đơn vị. Tôi ở lại quê nhà ngày đêm trông ngóng và chờ xin việc làm. Những ngày đó tôi nhớ anh vô cùng. Con chưa có, công việc cũng không, quanh quẩn chỉ tôi và mẹ chồng. Nhiều đêm tôi khóc. Nhưng bù lại, tôi đã có mẹ chồng bên cạnh. Hai mẹ con tôi thường động viên lẫn nhau. Tôi tự nhủ, mình phải cố gắng làm tròn bổn phận của người con dâu, của một người vợ lính để anh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Bốn tháng sau, anh được nghỉ phép và điều mong đợi đã đến với vợ chồng tôi. Biết tôi có bầu, ai cũng vui mừng và chờ ngày tôi sinh hạ.

Những ngày giáp Tết Mậu Tý (2008), làng quê tôi đang rộn ràng với công việc đồng áng. Hôm ấy là ngày 19 tháng Chạp, tôi đi làm ruộng với mẹ chồng. Cái rét cắt da, cắt thịt, bụng dạ lại to vì sắp đến ngày sinh hạ. Từ ngoài đồng trở về, tôi gọi điện báo tin cho anh. Anh nói, sẽ cố gắng xin về, nhưng... khó. Quả thật, lúc này tôi mới cảm nhận được sự thiệt thòi của những người vợ lính. Xa xôi, cách trở... tôi vẫn biết điều đó, nhưng trong thâm tâm vẫn mong có anh ở bên. 8 giờ tối, tôi đau bụng dữ dội, mẹ chồng tôi phải nhờ mọi người đưa tôi đến trạm y tế xã. Trạm y tế xã giới thiệu tôi lên bệnh viện huyện. Đến bệnh viện huyện, các y, bác sĩ xác định tôi đẻ khó và tiếp tục giới thiệu tôi lên bệnh viện tỉnh. 12 giờ đêm, trời rét thấu xương, mẹ chồng và chị dâu tôi lận đận đón xe đưa tôi lên bệnh viện tỉnh. Trưa ngày hôm sau, nhờ sự “can thiệp” của các y, bác sĩ khoa sản, Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, tôi đã “vượt cạn” thành công. Tôi sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh, nặng hơn 3kg. Ba ngày nằm viện, cũng là ba ngày mọi sinh hoạt của tôi đều phải trông chờ sự chăm sóc, giúp đỡ của mẹ chồng, nhất là anh trai của chồng tôi. Còn anh, dẫu biết tin nhưng vẫn chưa được về. Mãi sau Tết, anh mới được về thăm nhà khi con trai của tôi đã tròn một tháng tuổi. Ở nhà vài ngày, đơn vị lại vào mùa luyện quân mới và anh lại phải lên đường. Đến tận hôm nay, con trai tôi đã tròn 5 tháng tuổi, đã lớn lên rất nhiều, nhưng anh vẫn chưa có dịp về quê thăm mẹ con tôi.

Khó khăn đã qua, bây giờ tôi đã hiểu thêm nhiều về công việc của anh, cũng như bao người lính khác. Tôi chẳng dám trách anh điều gì, âu đó cũng là nhiệm vụ. Qua báo Quân đội nhân dân tôi cầu mong anh khỏe mạnh, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở quê nhà, mẹ con em vẫn khỏe và luôn ngóng chờ anh về thăm...

TRẦN THỊ THANH HUYỀN

(Thôn Phú Xá, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa)