Ước mơ và khát vọng cháy bỏng của các em cùng gặp nhau ở một điểm: Phấn đấu là con ngoan, trò giỏi để trở thành người có ích cho xã hội, xứng đáng với truyền thống gia đình…  

Khi được chỉ huy đơn vị thông báo, Vũ Đức Tùng nằm trong danh sách các cháu là con quân nhân đang công tác tại Vùng 4 Hải quân ra Hà Nội dự Hội nghị tuyên dương học sinh tiêu biểu toàn quân, Thiếu úy QNCN Trần Thị Mai, Tiểu đoàn Hậu cần, Lữ đoàn 954, Vùng 4 Hải quân rưng rưng xúc động, tự hào. Kể về cậu con trai, chị bảo: Mới học lớp 7 nhưng Tùng chững chạc hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tan học ở trường, Tùng lại tranh thủ giúp đỡ mẹ việc nhà, làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ bằng sự ngoan ngoãn, hiếu thảo và thành tích học tập... Tại hội nghị tuyên dương, Tùng khiến nhiều người lặng đi khi nghe những chia sẻ của em: “Bố em là liệt sĩ Vũ Đức Nam. Mẹ và các cô chú đồng đội của bố kể rằng, bố em hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, lúc đó em mới 11 tháng tuổi. Mẹ em một mình vất vả nuôi em khôn lớn, trưởng thành. Cho đến bây giờ, tuy chưa một lần được gọi tiếng "bố" nhưng qua lời kể của mẹ và các bác, các chú đồng đội của bố, em phần nào hình dung được công việc của bố rất vất vả nhưng cũng thật vẻ vang. Trong tâm trí em, bố luôn là một người anh hùng, là tấm gương sáng cho em học tập. Mong ước của em là sau này sẽ trở thành người chiến sĩ hải quân như bố”...

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Trung tướng Lê Chiêm trao bằng khen tặng các em có thành tích xuất sắc trong học tập. 

Mặc dù mới học lớp 10, nhưng Nguyễn Trung Anh, con của Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Thanh (Trạm ra-đa dẫn đường cảnh giới, Tiểu đoàn căn cứ sân bay Yên Bái, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) đã sớm xác định được mục tiêu của bản thân. Niềm mơ ước của Trung Anh là thi đỗ Học viện Quân y, bởi trong suy nghĩ của em: Học viện Quân y là môi trường học tập và rèn luyện tốt. Học tập ở đó, em sẽ có kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho mẹ và người thân trong gia đình. Đó cũng là cách giúp mẹ đỡ phải vất vả về kinh tế. Trung Anh có hoàn cảnh đặc biệt: Bố Trung Anh mắc bệnh hiểm nghèo và mất khi Trung Anh học lớp 4. Vì vậy, Trung Anh luôn xác định phải học thật giỏi để mẹ vui, chăm sóc em, đỡ đần mẹ việc nhà để mẹ yên tâm công tác. Thành tích của Trung Anh thật đáng nể: 10 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, riêng năm học lớp 9, Trung Anh đạt giải nhì môn Hóa học cấp thành phố và giải ba môn Hóa học cấp tỉnh…

290 em học sinh tiêu biểu, xuất sắc có mặt tại lễ tuyên dương không chỉ cùng nhau chia sẻ về những thành tích trong học tập, ước mơ trong tương lai mà còn được nghe các anh, các chị đã từng được vinh danh tại những hội nghị tuyên dương trước kể về quá trình học tập, phấn đấu để nuôi dưỡng ước mơ trở thành hiện thực qua những thước phim thật sinh động và đầy cảm xúc. Chuyện về nghị lực của anh Nguyễn Đức Ngọc, hiện đang đảm nhiệm vai trò Trợ lý công nghệ thông tin Phòng Cơ điện, Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP) là một trong số đó. Ngọc bị khuyết tật bẩm sinh khi mới chào đời. Mặc dù không có tay phải, thế nhưng Ngọc đã vượt qua những mặc cảm, tự ti, giành kết quả cao trong học tập. Nguyễn Đức Ngọc tâm sự: "Tham gia lễ tuyên dương học sinh giỏi toàn quân lần thứ hai, tôi đã có cơ hội được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm học tập cùng nhiều bạn học sinh giỏi khác. Điều đó đã giúp tôi có thêm nhiều phương pháp học tập, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, hiệu quả hơn và điều đó cũng là động lực cổ vũ tôi cố gắng hơn trong học tập, tiếp tục chinh phục ước mơ của mình".

Còn Nguyễn Anh Thắng, sau khi được tuyên dương danh hiệu học sinh giỏi tiêu biểu toàn quân lần thứ 3, đã tiếp tục phấn đấu đạt được 3 tấm bằng: Cử nhân kinh tế, cử nhân tài chính-ngân hàng và thạc sĩ tại Trường Đại học James Cook của Ô-xtrây-li-a. Ra trường, Thắng nhận được lời mời từ nhiều doanh nghiệp có tên tuổi cả trong và ngoài nước, thế nhưng anh quyết định đầu quân cho Tổng công ty 28, Tổng cục Hậu cần. Bởi theo chia sẻ của Thắng: Ước mơ từ nhỏ của em là được làm việc trong môi trường quân đội, trở thành đồng đội của cha mẹ.

 Năm năm một lần, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tuyên dương các em học sinh tiêu biểu, xuất sắc trong toàn quân. Điều ghi nhận rõ nét ở các em là tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua hoàn cảnh, phấn đấu trong học tập. Theo Đại tá Nguyễn Thị Phương Hồng, Chánh văn phòng Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng: Những năm qua, việc chăm sóc trẻ em luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã quyên góp, ủng hộ hàng tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ 3.700 lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng trăm suất học bổng được trao tặng các em có thành tích xuất sắc... Giai đoạn 2011-2016, toàn quân có hơn 190.300 cháu học sinh thì có tới hơn 79.000 cháu là học sinh giỏi, chiếm 41,6%. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 20 em đạt giải quốc tế, 123 em đạt giải quốc gia, 859 em đạt giải cấp tỉnh, thành phố; 2.400 em đạt giải quận, huyện; 642 em vượt khó học giỏi, trong đó có 172 em là con liệt sĩ, 12 em mồ côi cả cha lẫn mẹ; 421 em khuyết tật...

Tại lễ tuyên dương, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng khẳng định: Lễ tuyên dương là dịp cổ vũ, động viên, khích lệ các cháu đã nỗ lực phấn đấu trong thời gian qua; sự quan tâm, tạo điều kiện của gia đình, nhà trường và xã hội tạo môi trường để các cháu phát huy. Các cháu cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững và nâng cao hơn nữa thành tích học tập của mình, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: KIM ANH