Lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn ở Tổng cục Công nghiệp quốc phòng |
|
"Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và đã trở thành hoạt động mang tính xã hội hóa trong cả nước. Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy Z15 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) luôn quan tâm sâu sắc, góp phần tích cực vào việc xã hội hóa đó.
Đối với nhà máy Z15, trong 5 năm trở lại đây tuy còn không ít khó khăn, song công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã được Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy quan tâm lãnh đạo, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công nhân viên, thể hiện bằng các việc làm cụ thể, thiết thực. Đại tá Hoàng Long Xuyên, Giám đốc nhà máy cho biết, từ năm 1995, nhà máy đã nhận phụng dưỡng hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng, với mức phụng dưỡng ban đầu là 150 nghìn đồng/mẹ/tháng; rồi tăng lên 200 nghìn đồng và từ đầu năm 2007 đến nay là 300 nghìn đồng/tháng. Ngày lễ, ngày Tết, nhà máy đều tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các mẹ. Khi các mẹ ốm đau, đơn vị cử quân y đến tận nhà chăm sóc, điều trị. Đặc biệt, khi mẹ Nguyễn Thị Vượng quy tiên, hưởng thọ 100 tuổi, nhà máy đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lo tổ chức lễ tang chu đáo, đưa mẹ về nơi yên nghỉ trong niềm tiếc thương vô hạn. Đến ngày giỗ mẹ, nhà máy cử cán bộ về thắp hương thơm tại nhà riêng. Mẹ Nguyễn Thị Bé, năm nay tròn 90 tuổi, "tuổi già như chuối chín cây", bởi vậy nhà máy thường xuyên tổ chức các đoàn về thăm, chăm sóc mẹ, bảo đảm cho mẹ đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, mong mẹ sống hơn trăm tuổi. "Các mẹ coi cán bộ, công nhân viên nhà máy như con đẻ của mình, thấy chúng tôi về thăm là các mẹ vui", anh Xuyên tự hào kể.
Công tác thương binh-liệt sĩ và chính sách hậu phương quân đội cũng được Đảng ủy, Ban giám đốc quan tâm đặc biệt. Nhà máy ưu tiên tiếp nhận, giải quyết việc làm cho 22 đồng chí là con và vợ của liệt sĩ vào làm việc tại nhà máy, có mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình; Đồng thời ưu tiên cho 12 gia đình được cấp, mượn đất làm nhà, ổn định cuộc sống lâu dài. Nhìn chung, các thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh ở nhà máy hiện nay cơ bản có cuộc sống ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần. Nhà máy thường xuyên quan tâm đến các đồng chí thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn về cuộc sống. Ví như trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Định, là bệnh binh, bị liệt toàn thân. Nhà máy đã vận động cán bộ, công nhân viên tiết kiệm chi tiêu, quyên góp tiền xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình anh Định. Ngôi nhà giá trị 25 triệu đồng đã được bàn giao cùng với nhiều quà tặng của các phòng, ban, phân xưởng. Đây thực sự là niềm động viên anh Định vươn lên trong cuộc sống.
Các đồng chí trong Ban giám đốc nhà máy cho biết: trong số các đồng chí là thân nhân liệt sĩ, nhiều đồng chí đã phấn đấu vươn lên, trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc. Tiêu biểu là đồng chí thiếu tá Vũ Thị Tình, có bố đẻ là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chồng chị cũng là liệt sĩ, hy sinh năm 1995, chị đã vượt qua đau thương mất mát, vượt khó phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành mẫu hình của người phụ nữ chịu thương chịu khó, chăm lo phụng dưỡng mẹ già hơn 70 tuổi, nuôi dạy hai con ăn học trưởng thành, nay một cháu đã vào làm việc tại nhà máy; cháu thứ hai đang học năm thứ ba Đại học Văn hóa Hà Nội. Chị đã nỗ lực phấn đấu, ba năm liền được cấp trên tặng bằng khen và được bầu là chiến sĩ thi đua. Đồng chí Hoàng Quốc Phượng, con liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khi bố hy sinh Phượng mới lên một tuổi. Lớn lên trong tình thương yêu của bà con khu phố, lại được nhà máy quan tâm cử đi học và nay là trưởng phòng vật tư. Anh đã phấn đấu hết mình, liên tục ba năm liền được tặng bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua. Gặp chúng tôi tại nhà máy, anh phấn khởi cho biết, con trai anh đã được nhà máy nhận vào làm việc, được cử đi học lớp đại học tại chức tại Học viện Kỹ thuật quân sự, nay là thiếu úy, đang công tác tại phòng KCS của nhà máy.
Nhà máy còn tích cực tham gia đóng góp vào quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" của địa phương hàng chục triệu đồng; ủng hộ xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bệnh xá Đặng Thùy Trâm với số tiền 30 triệu đồng. Với những đóng góp tích cực trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", nhà máy đã được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tặng bằng khen về phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bằng khen về công tác chính sách hậu phương quân đội và nhiều phần thưởng của địa phương.
Theo các đồng chí trong ban giám đốc, hiện vẫn còn một số đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ gặp khó khăn. Vì vậy, nhà máy sẽ làm hết sức mình, chung tay góp sức cùng với địa phương làm tốt hơn, sâu rộng hơn phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", chính sách hậu phương quân đội, trong đó ưu tiên số một là giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách để họ có điều kiện ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: QUANG HẢI