QĐND - “Tài sản lớn nhất của đội là nụ cười, còn số lượng thành viên của đội luôn biến động theo chiều hướng tăng, có gia đình 5-7 người tham gia. 3 năm qua, đội đã chuyển biết bao yêu thương dành tặng người bệnh ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thông qua bát cháo nghĩa tình”. Đó là những nét sơ lược mà Đội trưởng Lê Huy nói về Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế (Hà Nội). Ở đó, chúng tôi cảm nhận được triệu tấm lòng, vạn yêu thương…
Nơi tụ hội yêu thương
Sau bao lần khất hẹn, Lê Huy (36 tuổi), Đội trưởng Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế hẹn gặp tôi ở đình làng Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) vào ngày chủ nhật đẹp trời. Nhìn dáng người hoạt bát, ít ai biết Huy từng mắc căn bệnh ung thư máu. Sau cái bắt tay, Huy chủ động lên tiếng: “Sở dĩ nhiều lần từ chối gặp anh bởi hoạt động của đội xuất phát từ cái tâm với cộng đồng. Hôm nay, mời anh đến tham quan đội, biết đâu anh lại là thành viên tiếp theo…”. Câu nói bỏ lửng cộng với nụ cười thân thiện của Huy làm tôi hiểu thêm phần nào hoạt động của Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế.
Gần trưa, bếp lửa nấu cháo đã đỏ rực. Mỗi người một công việc như một “dây chuyền” nấu cháo liên hoàn. Điều làm tôi bất ngờ là những người có mặt ở đây đến từ nhiều nơi khác nhau, với mọi lứa tuổi. Có người đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cũng có bạn mới hơn 10 tuổi. Bác Lê Thị Hiền, 69 tuổi ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội thổ lộ: “Mọi người đến đây đều với tinh thần thiện nguyện, hướng tới bệnh nhân nghèo. Mỗi người một ngành nghề, quê quán khác nhau nhưng cứ chủ nhật hằng tuần lại hội tụ về đây để nấu cháo và mang phát tặng bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội”.
Trong ngôi nhà đầy ắp những yêu thương ấy có gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia vào đội. Cô Nguyễn Thị Liên ở số nhà 40/261, ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội) có con và cháu cùng tham gia, chia sẻ: “Công việc của các con tôi rất bận, nhưng cứ chủ nhật là cả nhà cùng có mặt tại đây. Đến đây, chúng tôi được mang “ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thiện và lời nói chân thành” tặng các bệnh nhân đang phải vật lộn với đau đớn bệnh tật, động viên họ vượt qua khó khăn”. Còn Trung tá Đỗ Hà Ơn, công tác tại Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân thì giãi bày: “Mỗi ngày chủ nhật khép lại cũng là lúc trong lòng chúng tôi thấy thanh thản hơn vì ít nhiều mang những yêu thương chia sẻ với cộng đồng”.
 |
Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế phát cháo tại Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y).
|
"Đội có những tiêu chuẩn gì để trở thành thành viên chính thức?"-Tôi hỏi Đội trưởng Lê Huy. Không chút chần chừ, anh Huy cho biết: “Đội không có tiêu chuẩn cụ thể. Mọi người đến đây bằng tấm lòng tự nguyện”.
Ngày đầu thành lập, Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế chỉ có vài thành viên tham gia. Sau 3 năm đi vào hoạt động, đội đã đón nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm của người dân trong cả nước. Số lượng thành viên mỗi lúc thêm tăng, đến nay xấp xỉ 400 người. Với hình thức tự nguyện quyên góp, các thành viên trong đội sẽ đảm nhiệm từng phần việc như: Mua và chế biến thực phẩm, nấu cháo, phát cho bệnh nhân. Tất cả các khâu chế biến đều được làm sạch sẽ, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi tuần, đội nấu và cấp phát khoảng 3.000 tô cháo tại Bệnh viện Nội tiết Thái Thịnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và Quán Sứ.
Đội trưởng Lê Huy cung cấp thêm: “Mặc dù nguồn kinh phí hoạt động của đội đều do các nhà hảo tâm, thành viên tự nguyện đóng góp nhưng chưa bao giờ thiếu. Điều này giúp chúng tôi đều đặn hằng tuần mang được nhiều hơn những yêu thương đến với người bệnh”.
Sẻ chia tấm lòng nhân ái
Chúng tôi dành nhiều ngày chủ nhật tham gia cùng hành trình của Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế tại các bệnh viện. Đều đặn, ngày nắng cũng như mưa, cứ đến giờ, các thành viên trong đội có mặt tại địa điểm để phát cháo cho bệnh nhân. Vừa đưa nồi cháo tới nơi, chị Đỗ Tuyết, nhóm trưởng phụ trách ở điểm Bệnh viện Quân y 103 đon đả chạy lên các khoa mời bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chỉ trong chốc lát, từ các khoa, số lượng người nhà bệnh nhân và bệnh nhân tiếp cận nơi phát cháo ngày càng đông. Cô Nguyễn Thị Hà miệng liên tục hỏi bác ăn nhiều hay ít, tay thì múc cháo cho vào ca. Cháu ngoại của cô Hà là Nguyễn Phương Linh, 12 tuổi nhanh nhảu lau giúp bà ngoại phần cháo vương lên thành ca rồi đưa cho người nhà bệnh nhân.
Chị Đặng Thị Sinh, quê ở xã Đinh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, chăm chồng bị ung thư tuyến nước bọt đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 đón nhận bát cháo rất cảm động. Chị nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Chồng tôi bị bệnh nặng phải nằm viện điều trị dài ngày. Vì thế, trong nhà có gì đáng giá tôi đều bán hết rồi. Được nhận cháo từ thiện, chúng tôi xúc động và cảm ơn tấm lòng, tình thương yêu của mọi người”.
Còn chị Đinh Thị Hiền, ở tổ 3, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình bị ung thư vú di căn đa ổ xương, điều trị ở Bệnh viện K đã 4 năm nay thì nghẹn ngào chia sẻ: “Cháo của đội từ thiện nấu rất ngon. Quan trọng hơn là chúng tôi đón nhận tấm lòng hảo tâm, yêu thương, nhân ái của mọi người”.
Chỉ trong chốc lát, những bát cháo cuối cùng cũng được phát cho người nhà bệnh nhân. Chợt có một cụ già lộc cộc chống gậy đến. Thấy trong thùng hết cháo, chị Đỗ Tuyết nhanh trí nói cụ đợi, rồi chạy vội mua một bát cháo tặng cụ. Chứng kiến câu chuyện ấy, tôi cảm nhận được niềm vui của cụ. Chị Tuyết chia sẻ: “Mặc dù là cháo từ thiện nhưng nhiều người nhà bệnh nhân lấy rất tiết kiệm, vừa đủ ăn. Đó cũng là cách mà họ chia sẻ với những bệnh nhân khác. Nhiều bệnh nhân nặng không có người nhà chăm sóc, chúng tôi mang cháo đến phát tận giường bệnh”.
Điều rất mừng là sau 3 năm đi vào hoạt động, Đội phát cháo từ thiện, tự nguyện Từ Tế được UNESCO công nhận là một "Địa chỉ nhân văn". Đó là niềm động viên để những người làm việc thiện nguyện tiếp tục hành trình của mình.
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC