4 giờ sáng ngày 20-7-1972, tại phía đông cao điểm 88 sát khu vực Ái Tử 1 Quảng Trị, đại đội chúng tôi triển khai trận địa chống quân địch đổ bộ đường không hòng chiếm lại kho tàng và sân bay Ái Tử. B52 đánh đúng đội hình, tiếng nổ xé tai, chớp giật liên tục, trời đất chao đảo…

Tôi nằm sấp mê man. Không rõ sau đợt bom bao lâu, mãi khi nghe tiếng y tá Đức gọi: "Anh Ngọc ơi!…" tôi mới tỉnh. Tôi cố trở mình, nhưng không nhúc nhích mới biết mình đã bị thương. Tôi mở miệng nói một cách yếu ớt:

- Các đồng chí kiểm tra Nga và Ngọ bên phải tôi đi, họ ở gần bom hơn!

Tôi nghe mấy đồng đội cùng trả lời:

- Hai đồng chí đã hy sinh, chỉ còn anh thôi.

Nhiều đồng đội cùng lúc đỡ tôi vào võng, khẩn trương lau rửa các vết thương, băng bó và tiêm thuốc.

Đại đội cử 12 đồng chí khỏe mạnh thay phiên nhau cáng tôi băng băng đưa đến trạm phẫu thuật 204 để kịp cấp cứu. Mở mắt, tôi thấy trời đã sáng dần. Trên đầu đã có máy bay L19, vài loạt pháo địch từ hạm tàu bắn đuổi vu vơ, quá tầm. Thương đồng đội vất vả, mà vết thương của tôi thì nặng, tôi nghĩ mình có thể không sống được. Tôi nhắm mắt cầu mong được tiếp tục sống để nhìn trời, nhìn đất. Thương xót biết bao nhiêu khi phải từ biệt đơn vị. Tôi đã từng sống với anh em trong đại đội bao nhiêu năm tháng. Là đảng viên đã từng làm tổ trưởng Đảng, chi ủy và chỉ huy… tôi hiểu rõ tâm tư tình cảm, phong cách, thái độ… của từng đồng chí đang vất vả vì tôi. Tôi phải nói câu gì có ích nhắn lại trước lúc tắt thở. Tôi nhận xét, rất thật suy nghĩ của mình với từng đồng chí rằng: Đồng chí đã phấn đấu tốt ra sao?! Đồng chí có khuyết điểm gì phải sửa chữa? Rồi mong mọi người hãy tiếp tục phấn đấu vươn lên: "Những trận chiến đấu sắp tới còn căng thẳng quyết liệt. Song chắc chắn quân địch sẽ thua. Các đồng chí cứ tin tưởng vào ngày thắng lợi hoàn toàn. Đất nước sẽ thống nhất, Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà".

Đến trạm phẫu thuật, anh em cầm tay tôi từ biệt để trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Ai cũng đầy nước mắt, tôi xúc động nghẹn ngào rồi bất tỉnh…

Ba ngày sau, kíp trực của trạm phẫu 204 thấy tôi tỉnh lại, họ xôn xao vui mừng. Tôi biết mình đang được truyền nhóm máu O của đồng đội. Dưới hầm sâu, tiếng bom đạn vẫn ầm ầm rung động. Vết thương nặng nhất ở bụng đã được mổ, vết thương gãy xương đùi phải, chưa được can thiệp bằng dao kéo vì sợ tôi không đủ sức nên được nẹp cố định. Lẽ ra tôi được chuyển ra Bắc ngay, nhưng thương binh từ các trận đánh quanh khu vực Thành cổ Quảng Trị về khá đông; mà tôi lại bị quá nặng. Địch lại ráo riết chặn đánh các đường vận tải ra, vào mặt trận. Trời mưa, tuy có tăng bạt che phía trên hầm nhưng nước vẫn róc rách chảy xuống. Các đồng chí y tá, hộ lý liên tục múc nước trong hầm đổ ra ngoài, để thương binh khỏi bị ngập. Ngày 28-7, tôi được cắt chỉ khâu ở bụng, vết thương tiến triển theo hướng tích cực. Tôi được bó bột toàn thân chỉ trừ cổ, đầu và hai cánh tay. Có danh sách được chuyển ra Bắc, dân công hỏa tuyến và du kích địa phương đã đưa tôi rời khỏi trạm phẫu. Tôi mừng thầm, nhưng đồng chí bác sĩ chuyển thương thấy tôi còn quá yếu, sợ tôi tắt thở dọc đường nên không nhận. Máy bay lại chặn đánh, đất rung chuyển, khói bom dày đặc, mùi khét lẹt. Hai cô dân quân vội khiêng tôi xuống hầm. Trong đau đớn và căng thẳng, tôi vẫn nhận ra giọng nói Quảng Trị thân thương: "Thương máy eng (em) quá, đã đau lại bom đạn…". Tôi chưa kịp cảm ơn, hai cô đã ra khỏi hầm đúng lúc B52 lại ập tới.

Một ngày rồi hai ngày… Sáng, trưa, tối, qua đêm không ai thăm viếng. Kiến, mối, ruồi, muỗi tấn công tôi dữ dội, căng thẳng. Không rõ quân địch có đến gần đây không. Tôi hoài nghi! Lúc đầu chần chừ rồi cũng kêu rên ơi ới may xem có ai cứu hộ. Đói cồn cào nhưng cái khát mới là ghê gớm. Tôi cố lật úp người rồi cố dùng tay còn lại bò lên khỏi hầm nhưng không được vì bột bó cứng mà vách hầm thì cao. Tôi tựa người vào cửa hầm, mong những giọt mưa nhỏ rơi vào miệng. Khi không còn tiếng bom đạn gần, về đêm tôi nghe tiếng côn trùng, ếch nhái râm ran. Tôi lại gục xuống mê man và giật mình tỉnh lại khi nghe tiếng bom pháo nổ gần. Chỉ muốn tiểu tiện mà nước tiểu cũng không có, đau. Chân phù nề, căng thẳng, mùi hôi thối do máu mủ ở chân thấm qua bột phảng phất khó chịu.

Tôi nghĩ về mẹ, về người yêu ở quê hương rồi lại thầm trách hai cô dân quân khiêng tôi xuống hầm, không thấy trở lại đưa tôi lên.

Sáng ngày 30-7, một tổ quân giải phóng, không rõ là đơn vị nào, phát hiện, đưa tôi lên khỏi hầm, trở về trạm phẫu 204. Họ chỉ giới thiệu rằng: Chúng tôi là công binh đi kiểm tra hầm hố. Tôi lại được ăn uống, tiêm. Hỏi ra mới biết hai cô dân quân Quảng Trị đã anh dũng hy sinh sau đợt bom B52. Tôi thương hai cô gái quá, đã vì sự sống của tôi, của những thương binh chiến đấu trên quê hương mà hy sinh tuổi trẻ của mình.

Ngày 2-8-1972 tôi mới được chuyển dần ra Bắc. Một chặng đường vận chuyển cực kỳ gian nan vất vả, qua biết bao nhiêu trạm chuyển thương, dừng lại ở biết bao nhiêu xóm làng. Tôi được đồng đội cùng nhân dân ở các trạm chuyển thương đùm bọc, che chở. Với thân hình bất động, các vết thương quá nặng, liên tục nhiễm trùng, trong mưa bom bão đạn… mà tôi chỉ phải nằm trên võng. Khi dừng lại ở đội điều trị 48 chừng mười ngày, tôi được chứng kiến một tình cảm đồng đội không bao giờ quên. Đó là một chiến sĩ tuổi chừng 21-22. Anh rời trường đại học, nhập ngũ năm 1971, sau một trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị, bị thương nặng và cũng được chuyển về đội điều trị này với tôi. Anh được các y, bác sĩ cứu, đã tỉnh sau những cơn đau choáng khủng khiếp. Thương binh được một nữ nhân viên tận tình cùng độ tuổi 21-22 chăm sóc. Hình như cảm tính yêu thương của con người trước lúc tắt thở, người thương binh nói với cô y tá khi chỉ có hai người: "Chừng này tuổi rồi tôi chưa được từng hôn một bạn gái nào cả. Trước lúc ra đi…" (anh thều thào, mắt nhìn cô ngấn lệ).

- Cô vui lòng tặng tôi.

Cô bàng hoàng, lúng túng trong bộ quân phục màu cỏ úa, mặt biến sắc. Rồi trấn tĩnh ngay, xúc động bồi hồi ghé sát má để nhận một nụ hôn đầu tiên ở đồng chí thương binh. Và đó cũng là giây phút anh trút hơi thở cuối cùng…

Khi rời viện 48 đến viện 112, chỉ chừng 40km, không ngờ địch phát hiện, chúng đuổi theo ném bom bi, xả đạn 20 ly. Các anh chị dân công, y tá vừa kịp khiêng tôi xuống hầm nhưng xe bị trúng đạn bốc cháy. Ba lô, thư từ anh em gửi ra Bắc cũng cháy hết.

Tôi được giữ lại ở đội 112 hơn hai tháng, được nhân dân xã An Ninh (Quảng Bình) chăm sóc tận tình. Bom đạn Mỹ ngày đêm giội xuống không ngớt, lại còn mưa bão. Thương binh ở các lán điều trị quá đông. Đoàn thanh niên địa phương kết nghĩa với bệnh viện cứ thứ 3, thứ 6 khiêng thương binh nặng về gia đình tắm giặt. Tôi được em Nguyễn Thị Dự cùng bác sĩ và gia đình đồng ý để lại tại nhà chăm sóc ngày đêm. Tình cảm ấm áp như máu thịt ruột rà. Rồi vào một đêm tối trời, đội điều trị quyết định chuyển một số thương binh ra Bắc. Có khoảng hơn 10 người toàn thương binh nặng, chúng tôi được tổ chức đưa qua sông bằng 3 chiếc thuyền máy. Nhưng khi đoàn thuyền vừa ra tới giữa sông thì bị lộ, vì máy bay địch thả pháo sáng đã phát hiện ra chúng tôi. Chúng xúm lại bắn đạn 20 ly và ném bom bi. Một chiếc thuyền vướng thủy lôi phát nổ đã bị chìm, tất cả thương binh và y tá trên thuyền đều hy sinh. Thuyền số 2 cũng có một thương binh trúng bom bi, máu chảy quá nhiều mà không thể băng bó vì anh đã bó bột toàn thân, nên đã hy sinh. Thuyền số 3 của tôi có 4 thương binh nặng, đều bó bột toàn thân (ngoài tôi ra, còn có anh Phận quê ở Thừa Thiên, chị Hoa quê Nghệ An và anh Chính quê ở Thanh Hóa) đã may mắn vào được bến an toàn.

Chặng đường qua Hà Tĩnh quê hương, hôm đó, cả đoàn có 5 chiếc xe tải chở đầy thương binh, được ngụy trang kín đáo, máy nổ rộn ràng. 6 giờ tối xuất phát hướng ra miền Bắc.

Tôi được bó bột lại toàn thân, chỉ trừ cổ và 2 cánh tay, nằm trong thùng chiếc xe gát 63 cùng 9 đồng chí bị thương bất động khác. Chúng tôi qua Quảng Bình, qua Kỳ Anh dọc theo con đường chiến lược 22 rồi đường 70, trong đêm cuối 1972 đầy quanh co uốn khúc. Đồng chí lái xe rất cẩn thận, nhưng qua những hố bom, hố pháo còn mới nguyên, xe xóc nảy lên làm chúng tôi đau đớn. Nằm ngửa trong xe không bạt, tôi ngước cổ mở mắt nhìn trời, nhìn ngọn núi, đồi cây và phía sau xe chạy lướt qua dưới ánh trăng mờ. Tôi thắc mắc:

- Quái! Sao trời đất ở đây giống quê mình (xã Đức Ân, huyện Đức Thọ (nay là huyện Vũ Quang) Hà Tĩnh) đến thế!

4 giờ sáng, cả đoàn xe dừng lại ở một đoạn đường cụt dưới những làn cây xanh. Đồng chí chuyển thương thông báo:

- Chúng ta đến trạm mới rồi, các đồng chí thương binh bất động chuẩn bị cho dân quân địa phương cáng vào lán.

Cửa hậu các xe tải được mở ra. Các anh chị dân quân địa phương đã chờ sẵn trong đêm, cẩn thận nhẹ nhàng bước lên xe, thứ tự đưa chúng tôi vào võng.

Thôi đúng quê mình rồi. Đúng cây đa, bến nước, sân đình…

Tôi hỏi giọng yếu ớt đầy hoang mang:

- Đây là địa phương nào hở anh?

Nghe tiếng tôi, anh dân quân không trả lời, hỏi lại:

- Thằng Ngọc phải không mày!?

Tôi bối rối im lặng chốc lát rồi nói:

- Không, tôi là Long, quê ở, ở mãi Hải Phòng cơ!

Quả là tôi không muốn những người thân thương ruột thịt nhìn tôi đang đầy thương tích lúc này. Tôi đã nhận ra anh Thái, bí thư chi bộ xóm, ngày tôi nhập ngũ. Kia là bạn gái Hòe, Mai, ông Thịnh, bác Niệu…

Anh Thái cả quyết:

- Thôi, đúng rồi, thằng Ngọc-nghe tiếng mày tao biết…

Một đầu cáng, anh nhìn vào mặt tôi, nói tiếp:

- Trời ơi, bị thương thế nào đây Ngọc… lại còn… giấu…!

Tôi bối rối, xúc động.

Sáng hôm sau, khoảng 10 giờ mẹ tôi, cậu tôi và em gái tới thăm. Mới bước vào cửa, mẹ tôi đưa mắt nhìn một lượt tất cả thương binh trong lán. Khi phát hiện thấy tôi đang nằm. Mẹ mếu máo ào đến ôm chầm lấy tôi, kêu lên đau đớn, khóc to:

- Ngọc ơi, con ơi! Trời ơi… Sao con tôi lại thế này!?

Cả lán im lặng, nước mắt tôi giàn giụa bất ngờ. Tôi thoáng nghĩ, cũng trên mảnh sân hợp tác xã này ngày xưa, khi tiễn tôi lên đường nhập ngũ, mẹ chúc con đi cho chân cứng đá mềm, bịn rịn, không khóc. Còn bây giờ, tôi thấy cậu tôi, em tôi và các thương binh trong lán đều quệt dòng nước mắt.

Cậu cầm lấy tay mẹ tôi nói:

- Chị! Chị! Cháu nó đang đau! Và còn các chú thương bệnh binh nữa kìa…

Nước mắt mẹ chảy thấm vào thái dương, vào vai áo, tôi cứ để yên cho mẹ nguôi dần. Sau đó mẹ thủ thỉ:

- Chữa cho khỏi rồi về sống với mẹ.

Và mẹ lại khóc như xé vào ruột gan.

Hôm sau, cậu tôi xin lãnh đạo trạm cáng tôi về nhà cách lán vài trăm mét để mẹ chăm sóc, nhưng do vết thương đầy hôi thối, khó chịu cho mọi người tôi nằng nặc đòi mẹ cho tôi được chuyển đi để tiếp tục điều trị.

Vậy là chúng tôi được qua dốc Bò Lăn, qua đất Thanh Hóa, qua Viện Quân y 5 (Ninh Bình)…

Đúng 5 tháng sau ngày bị thương ở Quảng Trị, tôi mới được đưa đến Thủ đô Hà Nội. Vừa thoát hiểm bởi những chặng bắn phá dữ dội của máy bay Mỹ dọc đường, vết thương có đau, nhưng đau nhất là phải xa đồng đội. Ôi! Các đồng chí đang chiến đấu ở mặt trận, đang làm thay cả công việc của mình, nhưng tôi đã được đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tôi tin tưởng sự sống đang đến gần.

Bỗng cả Hà Nội báo động râm ran, đế quốc Mỹ lại điên cuồng bắn phá Thủ đô. Một Điện Biên Phủ trên bầu trời miền Bắc bắt đầu, tôi phải phân tán về Viện Quân y 105 điều trị.

Thời gian cứ trôi, vết thương chân phải của tôi tiến triển rất chậm làm tôi thêm nóng lòng. Khi lấy được mảnh bom ra thì các xương vỡ vụn ở lồi cầu bị hoại tử, bị viêm cả tủy xương. Để bảo tồn chân không bị cắt; các y, bác sĩ đã phẫu thuật tôi đến 7 lần, chuyển từ Viện Quân y 108, 105 đến 109, rồi về Viện 7, Viện 10… Tôi theo dõi tin tức ở chiến trường, đơn vị vẫn đánh mạnh và đang thừa thắng xông lên. Có đồng chí hy sinh, có đồng chí bị thương. Đơn vị lại được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, tôi càng nôn nóng, xôn xao. Trong điều trị, tôi ăn uống, tập luyện mạnh hơn, vui vẻ với mọi người trong phòng, hát với văn công khi họ đến phục vụ thương bệnh binh ở bệnh viện. Rồi đọc báo, kể chuyện cho nhau nghe ở các khu điều dưỡng. Khi vết thương đã liền sẹo, mặc dầu tôi cố giấu bớt các vết thương trên cơ thể, với ý nghĩ may ra cấp trên chiếu cố thương tật nho nhỏ cho sớm trở lại với anh em chiến đấu. Nhưng Hội đồng giám định y khoa Trung ương đã xác định tôi mất sức 81%. Tôi trở nên buồn phiền đau đớn. Khi mới bị thương, tôi đã từng mong sao cho tôi được sống để nhìn trời, nhìn đất. Nay tôi nghĩ về số phận, về tuổi trẻ, về hạnh phúc gia đình và tự hỏi mình sẽ làm được gì cho Tổ quốc? Có những đêm tôi trốn bệnh viện, chống nạng ra giữa cầu Long Biên nhìn dòng sông mùa lũ cuồn cuộn chảy. Ra giữa cầu Phú Lương nhìn dòng sông Thái Bình cũng cuồn cuộn trôi…

Đến nay tôi đã có cuộc sống ổn định, có vợ hiền đảm đang, có con ngoan chăm học. Lại được sống trên đất nước thống nhất, có độc lập tự do đang ngày càng đổi mới, tôi ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế".

Tôi vẫn say sưa yêu đời, nhớ đến biết bao đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường. Họ chẳng còn gì cả, chỉ để lại vinh quang cho đất nước. Trong đó có Nga, có Ngọ, có hai cô dân quân Quảng Trị và biết bao đồng bào, đồng chí đã cố dành cho tôi cuộc sống hôm nay-cuộc sống của người thương binh Đất Việt.

ĐẶNG SĨ NGỌC

(Khối Trung Đông, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)