QĐND - Kinh Bắc không phải mảnh đất mà tôi sinh ra, nhưng ở đó để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, những ấn tượng lâu bền. Mỗi khi nghe những làn điệu quan họ đằm thắm là trong tôi chộn rộn nhớ về một thời học viên bằng tất cả tình cảm của mình, như thể tôi đã trót tâm giao với đất và người nơi ấy.

Về Kinh Bắc là về với vùng đất có con sông Cầu nước chảy lơ thơ; có núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp và Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt - quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế,... nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian cùng rất nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc khác: Những làn điệu dân ca quan họ trữ tình đằm thắm, nghệ thuật tạo hình, tranh dân gian Đông Hồ, đồ gỗ Đồng Kỵ, rượu Làng Vân, đồ đồng Đại Bái... Tất cả những thứ ấy như kết tạo nên một Kinh Bắc nhìn thấy bằng mắt rất đỗi thơ. Thế nhưng, cùng với đó, vẫn còn một Kinh Bắc có thể cảm nhận bằng tim - một Kinh Bắc chan chứa tình người.

Người quan họ mời trầu tại Hội Lim 2012. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi may mắn được gắn bó với đất và người quan họ 5 năm khi còn là học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội tại Học viện Chính trị-Quân sự (nay là Trường Đại học Chính trị). Thời gian ấy chưa phải dài, nhưng chừng ấy thôi cũng đã đầy ắp trong tôi những tình cảm sâu đậm về con người nơi đây. Người Kinh Bắc hiền hậu, dễ gần và quý trọng sự lịch lãm, giản dị nhưng tao nhã, tự trọng mình và tôn trọng người. Cốt cách ấy được thể hiện trong mọi tầng lớp: Từ anh làm nghề xe ôm đến cô bán hàng rong; từ bác nông dân đến người làm công chức… Bốn lần đi công tác dân vận ở 4 địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh, tôi được “3 cùng” trong 3 gia đình khác nhau: Nhà đồng chí chủ tịch UBND xã, nhà chị chủ tịch hội phụ nữ phường và nhà một bác nông dân... Ba con người, ba gia đình hoàn toàn khác nhau về địa vị xã hội, điều kiện kinh tế nhưng ở họ có một điểm chung đáng kính là lòng mến khách; đó là tình cảm dạt dào, nồng ấm của người Kinh Bắc dành cho những người khách đến nhà được mời "uống nước, xơi trầu". Giờ đây, chúng tôi dù ở mọi miền Tổ quốc, nhưng mỗi dịp được trở về Bắc Ninh, bao giờ cũng sắp xếp thời gian để được "ùa" vào các bố, các mẹ, các anh chị,... như những đứa con trở về nhà sau chuyến công tác dài... Càng xa vùng đất Kinh Bắc tôi càng thấy một điều rất đúng. Đặc biệt, suy nghĩ ấy không phải của riêng tôi, mà là của rất nhiều thế hệ học viên chúng tôi: Chính văn hóa và tình người của mảnh đất này góp phần bồi đắp cho những chính ủy, chính trị viên “cốt cách” làm người.

Nguyễn Chí Hòa