Năm 1963, bước sang tuổi hai mươi, tạm biệt quê hương, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thực lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1965, khi bộ đội Việt Nam tiếp nhận tên lửa S-75 của Liên Xô, ông được chọn học chuyển loại khí tài mới. Trên cương vị trắc thủ cự ly, sĩ quan điều khiển rồi đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), ông tham gia nhiều trận đánh. Có những ngày, ông và đồng đội phải hứng chịu nhiều loạt bom và tên lửa của không quân Mỹ trút xuống trận địa. Áp lực của tiếng bom nổ gây thủng màng nhĩ. Vậy mà ông chẳng quan tâm, tiếp tục chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc. Đến nay, tai ông Thực vẫn… ù đặc. Tháng 8-1970, ông Nguyễn Văn Thực được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Khi chúng tôi hỏi về chuyện nên duyên vợ chồng, ông Thực cười hiền, rồi thủng thẳng kể: "Tôi và bà nhà tôi vốn là người cùng làng, chỉ cách nhau 3 nhà. Tôi và bà ấy đều có chung hoàn cảnh gia đình là mẹ mất sớm, nên rất cảm thông, chia sẻ mọi điều. Không dưới ba lần chúng tôi dự định tổ chức đám cưới, nhưng do chiến tranh nên phải hoãn lại. Tháng 4-1971, tốt ngiệp Trường Sĩ quan Phòng không-Không quân về Trung đoàn 236 nhận nhiệm vụ, vừa vào cổng đơn vị, tôi gặp Trung đoàn trưởng Đinh Công Khẩn. Đồng chí Khẩn hỏi: “Nghe bảo Anh hùng Thực làm hồ sơ lấy vợ cách đây khá lâu rồi, thế đã cưới chưa nhỉ?”. "Báo cáo thủ trưởng, em vẫn chưa sắp xếp được thời gian ạ! - Tôi trả lời. Trung đoàn trưởng hỏi tiếp: "Thế cậu quay về cưới vợ ngay, kẻo nàng chờ lâu rồi chuyển ý thì cậu lại ế lâu dài đấy!". Dạ, nhưng thưa thủ trưởng, tôi đã chuẩn bị được gì đâu mà cưới vợ ạ?".
Cùng lúc đó, đồng chí Đào Tiến, Chính ủy Trung đoàn 236 nói xen vào: “Cậu lấy xe đạp của tớ đi về tổ chức đám cưới, tuần sau lên nhận nhiệm vụ. Thời chiến là ta cứ tiến hành nhanh, không cần chuẩn bị nhiều đâu”.
Vợ chồng Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thực, cùng cháu nội.
Tuân lệnh, Nguyễn Văn Thực đạp xe về quê. Gặp bố vợ tương lai, Nguyễn Văn Thực thưa chuyện: "Báo cáo bác, con về đợt này xin được cưới em Túc luôn, chứ mấy lần đã bị hoãn rồi ạ". Ngước đôi mắt, nhìn chàng rể tương lai hồi lâu, bố của Túc nói: "Sao gấp thế, để bác hỏi ý kiến cậu, mợ xem thế nào đã".
Thế rồi, đám cưới diễn ra vào chiều một ngày cuối tháng 4-1971, giản dị nhưng rất đầm ấm. Đại diện đơn vị chúc phúc đôi uyên ương: “Dân gian có câu “thực túc binh cường”, chúng tôi chúc Thực-Túc hạnh phúc trăm năm!…”,
Nghe chúng tôi trò chuyện, đang bế cháu nội trên tay, bà Túc nói xen vào: “Cưới xong được ba ngày ông ấy lại lên đơn vị. Một mình tôi vừa chăm sóc bố chồng già yếu, vừa phải đỡ đần các em, tiền lương của vợ chồng chả đáng bao nhiêu. Lúc ấy, tôi đang làm ở Văn phòng Huyện ủy Vĩnh Lạc (nay là Vĩnh Tường), tỉnh Vĩnh Phúc. Những ngày giáp Tết, mọi người chuẩn bị khá sung túc, nhưng nhà mình chẳng có gì, buồn lắm, chẳng lẽ cứ thế này mãi! Thấy trong khu vực trụ sở Huyện ủy có điều kiện tăng gia chăn nuôi, trước Tết mấy tháng, tôi cùng hai chị em trong cơ quan trồng rau, nuôi gà, vịt, nuôi lợn để chuẩn bị đón Tết. Thấy hiệu quả, chúng tôi làm quanh năm; tranh thủ buổi trưa, tối về muộn, ngày chủ nhật chúng tôi vẫn đến cơ quan để tăng gia”.
Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng bà Túc vẫn luôn lạc quan, đảm đang lo mọi việc đối nội, đối ngoại. Không ỷ lại là vợ của một anh hùng, bà luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Cấp trên nhiều lần có ý định đề bạt lên làm cán bộ phòng, nhưng bà xin phép.
Giờ đây, hai mái đầu đã bạc, nhưng ông, bà vẫn luôn đỡ đần con cháu, cùng nhau chia sẻ việc gia đình... Tuổi thanh xuân, ông Thực, bà Túc đã công hiến cho đất nước, giờ ông bà vui vầy cùng con cháu.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA