Về xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) lần này, chúng tôi được các đồng chí trong Đảng ủy, UBND xã hướng dẫn đi thăm nhà truyền thống cách mạng của địa phương. Nơi đây trưng bày những hiện vật phản ảnh sinh động tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bà Điểm trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc và trong xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng hôm nay…

Trường tiểu học Bùi Văn Ngữ (Bà Điểm, Hóc Môn) 9 năm liền đạt danh hiệu tiên tiến cấp thành phố.

Giới thiệu về vùng quê mình, đồng chí Phan Quang Tốt (Năm Tốt), bí thư Đảng ủy xã, luôn tự hào nhắc đến hai chữ “truyền thống”. Đây là địa danh có bề dày truyền thống cách mạng, là một trong ba xã của huyện Hóc Môn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã có 18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 521 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, 49 thương binh, bệnh binh. Nhân dân Bà Điểm cũng như 18 thôn Vườn Trầu kiên cường chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, quyết đi theo con đường của Đảng đã vạch ra, chiến đấu đến cùng để giải phóng quê hương đất nước.

Bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, xã đã đầu tư nâng cấp gần 20 tuyến đường sỏi đỏ liên ấp, phấn đấu mỗi năm nhựa hóa 1,5km (mặt đường rộng từ 8 đến 9m). Nhiều tuyến đường nhựa mới đã hình thành trong các khu dân cư mới nằm tiếp giáp với khu công nghiệp sạch. Cùng với việc phát triển kinh tế, chính quyền xã luôn thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đời sống người dân Bà Điểm ngày càng được cải thiện.

Tâm sự với chúng tôi, anh Năm Tốt cho biết, ngày trước, nhờ những giỏ trầu, chùm cau của miền đất này mà ông bà mình đã sống cùng cách mạng, một lòng, một dạ son sắt niềm tin với Đảng, quyết sống chết để bảo vệ Đảng, đi cùng kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Nơi chúng ta đang đứng, trước kia là những “địa đạo” nổi, địa đạo của lòng dân. Trong những tháng năm gian khó ấy, lòng người dân Bà Điểm chính là những “điểm tựa”, những “thành lũy” vững vàng nhất của cách mạng! Do vậy, dù cuộc sống bây giờ có phải chịu những ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường đến mấy, chúng tôi quyết vận động bà con giữ gìn sản phẩm “trầu cau” truyền thống của quê hương, quyết tâm giữ lại những khu vườn “đỏ-thiêng” này…

Tiết trời thu có phần lành lạnh, nhìn những thân trầu vấn vít bên những thân cau cao vút, trong lòng tôi dậy lên cảm giác nồng ấm. Từng lời ca và giai điệu, tiết tấu của bài hát “Về thăm đất Vườn Trầu” của nhạc sĩ Trương Quang Lục lại vọng vang lên, da diết: “Em không quên ngày hè năm ấy/Một ngày hè yêu thương biết mấy/Em về đây lòng đầy tự hào/Thăm Hóc Môn 18 thôn Vườn Trầu… Đây có phải dây trầu này/Từng che chở cô Minh Khai/Đây có phải khu vườn này/Từng in dấu bước chân của cô/và bao nhiêu người con trung hiếu/của nhân dân, đã ngã xuống, vì non sông”…

Hương cau ngào ngạt bay phía bắc chân trời, như bừng lên những sắc hồng.

Bài, ảnh: VÕ VĂN DŨNG