QĐND Online – Mỗi độ tháng Bảy về, lòng người lại trào dâng xúc động và thêm trân trọng sự hy sinh xương máu, cống hiến tuổi xuân của bao thế hệ cho một Việt Nam tự do, độc lập hôm nay. Những ngày này, “đến hẹn lại về”, những người lính bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) lại tỏa trên khắp các nẻo đường, tìm đến với các thương, bệnh binh, gia đình chính sách…để thêm một lần được bày tỏ sự “Tri ân”…
Niềm vui bên xóm đạo
Đường về huyện Bình Lục (Hà Nam) như gần lại bởi những câu chuyện của Đại tá Nguyễn Văn Mùi, Chính ủy Binh đoàn 18 (còn gọi là Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) cứ nối dài. Đó là chuyện về những chuyến bay lên rừng, xuống bể. Lâu nay, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (TTVN) vẫn được biết đến là một doanh nghiệp quân đội vừa thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế nước nhà, nhất là trong lĩnh vực bay phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí. Công việc nối ngày nối tháng, vậy nhưng, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ hằng năm, hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Tổng công ty tổ chức chu đáo, thiết thực và hiệu quả. Ngoài chuyến đi Hà Nam, trên một hướng khác, Đại tá Phạm Anh Khiêm, Chủ nhiệm Chính trị của Tổng công ty cũng đang dẫn đầu đoàn công tác, thăm và tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ.
“Xây dựng nhà tình nghĩa là một trong những nội dung được Tổng công ty quan tâm tổ chức tốt trong nhiều năm trở lại đây. Vừa qua, chúng tôi đã bàn giao 2 căn nhà tình nghĩa tại Nam Định và Thanh Hóa. Ngôi nhà được bàn giao tại huyện Bình Lục hôm nay là chiếc thứ 3. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng 8 ngôi nhà tình nghĩa khác”, Đại tá Nguyễn Văn Mùi cho biết.
Lúc rời Hà Nội, mưa ràn rạt táp nhạt nhòa kính ô tô, vậy mà về đến xóm Nhà Thờ, thôn An Dương, xã Mỹ Thọ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), trời trong, nắng nhẹ. Ai cũng bảo, thời tiết như chiều lòng mẹ liệt sĩ Phạm Thị Lan trong ngày mẹ được nhận bàn giao ngôi nhà tình nghĩa do Tổng công ty TTVN trao tặng.
 |
Đại tá Nguyễn Văn Mùi (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với mẹ liệt sĩ Phạm Thị Lan trong căn nhà tình nghĩa. |
Mẹ Phạm Thị Lan, nay đã bước sang tuổi 90, có 6 người con. Anh Nguyễn Văn Hoằng là con thứ 2 trong gia đình. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường đánh giặc và hy sinh ngày 9-8-1972. Tiếng là có nhiều con, song họ đều làm ruộng và nghèo khó, nên bao năm qua mẹ Lan vẫn sống trong ngôi nhà dột nát. Qua khảo sát, Tổng công ty TTVN đã quyết định triển khai xây dựng ngôi nhà tình nghĩa tặng mẹ Lan. Dù bước đi đã có phần khó nhọc vì tuổi cao sức yếu, song mẹ Lan vẫn dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà được xây dựng kiên cố trên diện tích 46 mét vuông, có nhà bếp và công trình vệ sinh khép kín. Khi được hỏi cảm tưởng trong ngày đầu tiên về nhà mới, mẹ không nói được nhiều, mà chỉ thốt lên “mừng lắm”. Đôi mắt mẹ đục mờ ngấn lệ.
Ông Nguyễn Xuân Chậy, Trưởng giáo họ Công giáo An Dương xúc động chia sẻ: Gia đình bà Lan là một trong 6 gia đình liệt sĩ của giáo họ. Việc bà Lan được tặng nhà tình nghĩa lần này không chỉ là niềm vui của riêng gia đình bà, mà còn là niềm vui của cả giáo họ. Thay mặt giáo họ Công giáo An Dương, ông Chậy đã gửi lời cám ơn sâu sắc đến Tổng Công ty TTVN đã mang niềm vui về với bà con Công giáo An Dương.
Về xã Mỹ Thọ lần này, Tổng công ty TTVN còn có những phần qua tuy không lớn, nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc của những người lính hôm nay, gửi tặng các gia đình các liệt sĩ của địa phương. Một buổi gặp mặt, tặng quà 20 gia đình liệt sĩ đã được tổ chức ấm cúng tại hội trường xã Mỹ Thọ. Đồng chí Nguyễn Văn Bàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ xúc động tâm sự: Hoạt động tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình liệt sĩ của Tổng công ty TTVN hết sức có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần động viên và làm vơi bớt khó khăn cho các gia đình chính sách; đồng thời cũng động viên địa phương tổ chức tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa trong những năm tiếp theo…
“Đời mình là bài ca chiến sĩ”
Chúng tôi đến Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) khi trời lại đổ mưa nặng hạt. Thời tiết là vậy, song cán bộ, nhân viên và các thương, bệnh binh của Trung tâm vẫn tươi rói nụ cười đón đoàn cán bộ của Tổng công ty TTVN, như những người thân lâu ngày gặp lại.
Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Tạ Thị Chúc, 61 tuổi, quê ở Phú Thọ, nguyên là chiến sĩ Đoàn 559, về Trung tâm từ năm 1971 cho biết, kể từ ngày về điều trị tại đây, sức khỏe của cô đã khá lên rất nhiều. Chồng cô là Lê Hữu Khánh, nguyên là bộ đội thông tin, thương binh hạng 1/4 cũng về với Trung tâm từ năm 1982. Từ Trung tâm này, năm 1983, cô chú đã nên vợ thành chồng. Hiện 2 con của cô chú đều đã trưởng thành.
“Sự đóng góp của chúng tôi cho cuộc kháng chiến rất nhỏ bé so với sự đóng góp của cả dân tộc ta. Thực ra, đó là nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc mình. Vậy nhưng, trong suốt những năm qua, vợ chồng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội. Năm 2010, chúng tôi được xây tặng nhà tình nghĩa”, cô Tạ Thị Chúc bộc bạch.
Không chỉ có vậy, các con cô khi đi học được ưu đãi xứng đáng; lúc lập gia đình được Trung tâm quan tâm giúp đỡ rất nhiệt tình.
 |
Lãnh đạo Tổng công ty TTVN và các thương, bệnh binh Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) cùng cất cao lời hát những ca khúc cách mạng. |
Nhìn vóc dáng bác Lê Chí Viễn, thương binh hạng 1/4, nay đã 76 tuổi, ít ai nghĩ có lúc bác đã chụp ảnh để chuẩn bị …đặt bàn thờ. Bác Viễn nguyên là chiến sĩ của Sư đoàn 316, bị thương năm 1969 ở Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) và về Trung tâm điều trị từ năm 1970. Bác chia sẻ, những năm đầu, có lúc bác chỉ nặng 38 cân do thương tật và bệnh nặng, nghĩ không qua khỏi, bác đã chụp ảnh để cho gia đình thờ cúng sau này. Vậy nhưng, nay bác nặng tới 76kg. Bác bảo, có được sức khỏe và tâm lý lạc quan như ngày hôm nay là do luôn nhận được sự chăm sóc của các cấp các ngành và sự quan tâm của toàn xã hội. Trong những ngày này, bác lại thêm nhớ những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, trong đó có những người đã lấy thân mình che chở bác lúc bom rơi, đạn nổ…
Trò chuyện với các thương, bệnh binh của Trung tâm, Đại tá Nguyễn Văn Mùi bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng những đóng góp, hy sinh to lớn của lớp cha anh đi trước đối với công cuộc giải phóng đất nước. Đồng chí Chính ủy Binh đoàn 18 khẳng định, để phát huy những thành quả cách mạng do các thế hệ người Việt Nam đã giành được qua các cuộc kháng chiến, những cánh bay của Tổng công ty TTVN sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Thay mặt cán bộ, phi công, công nhân viên chức Tổng công ty TTVN, Đại tá Nguyễn Văn Mùi đã trao tặng quà cho Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan. Ngay sau đó, một chương trình văn nghệ đậm chất "cây nhà lá vườn" đã được tổ chức đầy ngẫu hứng, với sự tham gia hết sức nhiệt tình của các thương, bệnh binh và đoàn cán bộ của Tổng công ty TTVN.
“Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến sĩ/Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày/Lượn bay trên núi rừng biên cương tới nơi đảo xa…”, ca từ của bài hát “Hát mãi khúc quân hành", rồi “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Bài ca Trường Sơn” cứ ngân vang, ngân vang giữa Trung tâm. Tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút, song lời hát của các thương, bệnh binh vẫn chất chứa nhiệt huyết của những người lính ở cái thuở mười tám đôi mươi, hừng hực khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Chiều dần buông xuống dãy núi mờ xa, chúng tôi đành phải nói lời tạm biệt các thương, bệnh binh của Trung tâm. Trước lúc lên xe, mọi người dành cho nhau những cái bắt tay thật chặt. Những cái bắt tay như để thay cho lời hẹn ngày gặp lại…
Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ