Chiều thu tháng 8, chúng tôi về xã Hành Tín Đông-nơi Đội du kích Ba Tơ từ vùng núi Cao Muôn tiến về đồng bằng chọn Núi Lớn, lập chiến khu Hoàng Hoa Thám để phát triển lực lượng, tổ chức học tập chính trị và rèn luyện quân sự, chuẩn bị cho Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ở miền quê Núi Lớn, thuộc thôn Khánh Giang, Trường Lệ, bây giờ đang là mùa gặt, mọi người đều ra đồng. Trong nhà chỉ còn lại người già, trẻ em.
Chúng tôi ghé thăm cụ ông Dương Văn Xu, năm nay 84 tuổi, ở thôn Trường Lệ. Dù tuổi cao nhưng cụ Xu vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ kể lại những ngày làng quê mừng đón đoàn người từ trên núi rầm rập kéo về Núi Lớn, mang theo dao, kiếm, treo cờ cách mạng, tổ chức mít tinh, hô vang khẩu hiệu đánh đuổi thực dân Pháp và chế độ phong kiến, giành chính quyền. Khi ấy, Xu mới chỉ là cậu thiếu niên nhỏ tuổi, nhưng vì chứng kiến cha mẹ và người thân phải chịu cảnh cơ cực, áp bức nên luôn khắc sâu lòng thù hận quân thù và khát khao được tham gia cách mạng, đấu tranh giải thoát gông xiềng.
 |
Cuộc sống bình yên dưới chân Núi Lớn hôm nay. |
Chỉ tay về ngọn Núi Lớn, giọng cụ Xu đầy tự hào: "Núi Lớn lớn lắm. Cây to tầng tầng, lớp lớp, không đạn nào xuyên thủng. Vì thế mới được chọn làm căn cứ che chở, bao bọc lực lượng du kích và nhân dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bí mật và tiện bề tiến thoái... cho lực lượng khởi nghĩa. Bởi thế mà chính nơi đây được chọn là địa danh khởi phát cho những thắng lợi vẻ vang của quân và dân Hành Tín Đông nói riêng, Đảng bộ và chính quyền Quảng Ngãi nói chung".
76 năm đã trôi qua, làng quê Hành Tín Đông giờ đã có biết bao đổi thay. Cụ Xu nhìn về phía triền sông Vệ (dòng sông chạy qua chân Núi Lớn), hồi tưởng, rằng ngày xưa, nơi đây là một vùng nước mênh mông, không cây lúa, cây mì và mầm xanh. Chẳng phải dân mình không tích cực canh tác, sản xuất, mà trồng đến đâu thì đều bị kẻ thù phá sạch. Từ ngày giành độc lập, hòa bình đến nay, vạt sông đỏ nặng phù sa ấy luôn xanh mướt những ngô, khoai, lúa, mì, nuôi lớn biết bao thế hệ người dân nơi làng quê một thuở khốn khó.
Dưới chân ngọn Núi Lớn hôm nay, nhiều cụm dân cư quây quần sinh sống. Những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ tươi, những con đường phẳng lì uốn lượn. Con suối Chí bắt nguồn từ Núi Lớn, mạch nguồn mát lành mang tươi xanh cho đồng ruộng, mang sự sống và đổi thay cho Hành Tín Đông. Hơn thế, dòng suối Chí, ngọn Núi Lớn hôm nay còn là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với tên gọi "Khu du lịch suối Chí" thu hút đông đảo khách thập phương, mở ra triển vọng về một ngành công nghiệp không khói. Trước thời điểm dịch Covid-19, mỗi năm khu du lịch này đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, thưởng thức đặc sản trái cây hữu cơ được trồng trọt tại đây, không chỉ mang lại doanh thu cho chủ đầu tư mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân bản địa. Cũng chính sự hình thành, đi vào hoạt động của khu du lịch đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, biến vùng đất thưa vắng thành nơi sầm uất với nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển. Nhiều nông dân đã biết dựa vào thế mạnh đất đai, thổ nhưỡng phát triển mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập khá. Đơn cử như anh Nguyễn Quốc Vương đã tận dụng khu đất rộng dưới chân đồi trồng cây ăn quả, làm chuồng trại chăn nuôi lợn, bò và gà Ai Cập lấy trứng. Trang trại của anh chính là nguồn cung trứng, gà thịt cho huyện miền núi Ba Tơ với số lượng và doanh thu ổn định. Bãi bồi ven sông Vệ ngay dưới chân Núi Lớn, một thuở bom cày đạn xới, thì nay thành vùng đất canh tác ngô sinh thái cung cấp cho trang trại bò sữa, mang lại cho nông dân nguồn thu nhập cao.
Đồng chí Trịnh Bê, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông khẳng định: "Từ 3 năm trước, Hành Tín Đông đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm; toàn xã có gần 50ha chuyên canh cây ăn quả. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Chính quyền luôn tạo điều kiện tốt nhất để mỗi người dân, nhất là người dân vùng căn cứ cách mạng Núi Lớn phát huy sáng tạo, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển".
Bài và ảnh: THANH NHỊ