QĐND - Có dịp cùng đi thăm, tặng quà gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ Quân chủng Hải quân có chồng, con đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo và hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, do Ban Phụ nữ Quân chủng Hải quân tổ chức đã phần nào giúp chúng tôi hiểu thêm những khó khăn vất vả, cùng sự nỗ lực của người phụ nữ trong giữ gìn tổ ấm gia đình và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...

Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Quyền, phường Thọ Quang (TP Đà Nẵng) của gia đình Thiếu úy QNCN Tưởng Thị Thu, công tác tại Lữ đoàn 172, Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân những ngày này rộn ràng niềm vui chào đón thêm thành viên mới. Tiếng chị Thu nựng cậu con trai mới hai tháng tuổi mà như lời động viên chính mình: “Con trai ngoan, hay ăn chóng lớn nhé. Khi nào bố Châu về sẽ đưa mẹ con mình cùng đi chơi…” làm chúng tôi xúc động. 

Ngày con trai thứ hai chào đời, Thượng úy Nguyễn Minh Châu (công tác tại Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân)-chồng chị Thu cũng không có mặt. Dường như đã quen thuộc với sự vắng mặt của chồng, chị Thu chia sẻ: “Tôi rất hiểu và thông cảm với nhiệm vụ của anh ấy. 7 năm nên duyên chồng vợ, thời gian bên nhau ngắn ngủi thì lấy đâu để hờn giận, trách nhau… Hai lần vượt cạn cũng chỉ có bố mẹ và người thân bên cạnh, nhưng tôi không buồn vì chúng tôi luôn hiểu nhau. Mẹ con tôi chỉ mong anh luôn vững lòng về hậu phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Cán bộ Ban Phụ nữ Quân chủng Hải quân tặng quà hội viên Trần Thị Nhung (Trung đoàn 351, Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân).

Rời ngôi nhà ấm nồng hạnh phúc của gia đình Thiếu úy QNCN Tưởng Thị Thu, chúng tôi tới thăm gia đình công nhân viên Trần Thị Hòa, nhân viên Phòng Tàu ngầm, Bộ Tham mưu Hải quân, trong căn nhà tạm ở khu B, Viện Y học Hải quân (cũ). Tưởng rằng hạnh phúc hôn nhân của vợ chồng chị Hòa sẽ càng trở nên viên mãn khi chào đón sự hiện diện của thiên thần nhỏ. Thế nhưng, niềm vui vừa chớm thì cũng là lúc vợ chồng đón nhận thông báo từ bác sĩ: Bé mắc bệnh thiếu máu huyết tán. Cứ mỗi khi nhìn nụ cười ngây thơ của con, cả hai lại chết lặng, ước gì điều bác sĩ thông báo chỉ là sự nhầm lẫn mà thôi. “Tuần nào, vợ chồng tôi cũng luân phiên nhau khăn gói đưa con lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để truyền máu. Mong rằng con sẽ sớm hết bệnh, được lớn khôn như những bé khác cùng trang lứa”… nói đến đây, nước mắt chị Hòa cứ chực trào ra.

Hoàn cảnh của chị Hòa làm chúng tôi cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ tới chị Trần Thị Nhung, nhân viên nuôi quân Trung đoàn 351, Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Ở cơ quan, ai cũng quý mến đức tính chịu thương chịu khó, tận tình chu đáo lo những bữa cơm dẻo canh ngọt cho đồng chí, đồng đội. Chị thường lo đồng đội ăn không ngon miệng, ăn không hết khẩu phần  sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả làm việc. Không những thế, chị còn là cán bộ hội phụ nữ năng nổ trong các hoạt động phong trào của đơn vị. Vậy mà, giờ đây, điều chị mong muốn được đi lại bình thường trên đôi chân, tự chăm sóc chồng con và bản thân mình cũng trở nên thật khó khăn. Cách đây hai năm, chị thấy cơ thể mình có dấu hiệu mệt mỏi. Sau một thời gian sử dụng phương pháp châm cứu kết hợp dùng thuốc đông y, bệnh không đỡ, mà hai chân có hiện tượng teo lại. Vợ chồng chị ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị bệnh viêm tủy cấp. Căn bệnh quái ác mỗi ngày làm cho đôi chân chị không còn tự chủ được nữa, mọi sinh hoạt trở nên khó khăn…

Nhằm động viên, chia sẻ kịp thời những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại Quân chủng Hải quân, Ban Phụ nữ Quân chủng đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Qua thống kê, khảo sát của các cấp hội, hiện toàn quân chủng có hơn 100 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có chồng thường xuyên làm nhiệm vụ xa nhà dài ngày… Chia sẻ về điều này, Thượng tá Nguyễn Phương Thùy, Trưởng ban Phụ nữ Quân chủng Hải quân cho biết: “Hằng năm, Ban Phụ nữ quân chủng tổ chức rà soát, nắm chắc từng hoàn cảnh hội viên để có sự hỗ trợ, động viên kịp thời. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, Ban Phụ nữ tổ chức vận động các hội viên, các tổ chức quần chúng, đơn vị, doanh nghiệp… thăm hỏi, tặng quà nhằm cổ vũ, tiếp thêm nghị lực giúp các hội viên vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ban Phụ nữ quân chủng còn tổ chức nhiều hoạt động như, vận động 100% hội viên tham gia ủng hộ Quỹ “Mái ấm tình thương” với chỉ tiêu 10.000đồng/hội viên/năm; thành lập tổ, nhóm tiết kiệm giúp hội viên vay vốn phát

Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, tổng số tiền trích từ Quỹ “Mái ấm tình thương” trao tặng các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong quân chủng đã lên tới gần 100 triệu đồng. Trong thời gian tới, Ban Phụ nữ quân chủng phấn đấu huy động mọi nguồn lực, sự đóng góp, để có thể quan tâm tới nhiều số phận, hoàn cảnh hơn nữa trong các hội viên. Những việc làm này vẫn tiếp tục được các cấp hội phụ nữ quân chủng duy trì và thực hiện ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo niềm tin  để các hội viên phụ nữ cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ gìn tổ ấm gia đình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Bài và ảnh: BÍCH PHƯƠNG