Xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn là một trong những địa phương thiệt hại lớn trong cơn bão số 5 với 42 ngôi nhà bị hư hỏng, 600m kè bờ biển bị sạt lở, trạm y tế, trường học bị tốc mái… Bà Nguyễn Thị Thọ ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải là một trong những gia đình có nhà bị hư hỏng nặng bàng hoàng nhớ lại: “Vợ chồng tôi còn sống được là nhờ cơ quan chức năng đến tuyên truyền, vận động đi tránh bão. Lúc đầu chúng tôi cũng chủ quan vì nghĩ có kè biển chắn sóng chắc sẽ không sao. Khi bão tan quay trở lại thì thấy kè bị sạt lở hoàn toàn, nước ngập vào nhà”. Bà Ngô Thị Liên cũng ở thôn Hải Nam trải lòng, nếu chính quyền địa phương và bộ đội không kịp thời đến động viên, hỗ trợ người dân đi tránh bão thì không chỉ thiệt hại về nhà cửa, tài sản mà chắc chắn sẽ có thiệt hại về người.
 |
Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định giúp nhân dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khắc phục hậu quả bão số 5. |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Bình Định với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 3-5m. Bão đã làm sập 144 ngôi nhà và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước; 15 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng; hơn 2.000m kè bờ biển bị sạt lở; 4.500ha lúa và hoa màu bị ngập nước, 20ha nuôi trồng thủy sản và 45 tàu cá của ngư dân bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại hơn 350 tỷ đồng.
Trao đổi với lãnh đạo các địa phương và đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định, chúng tôi ghi nhận những bài học kinh nghiệm để không xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại tài sản. Đó là cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp tốt giữa các lực lượng của chính quyền, đoàn thể địa phương, bộ đội biên phòng, đơn vị quân đội, dân quân, công an tuyên truyền, vận động làm cho mỗi người dân có ý thức tự giác phòng, chống bão. Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh và cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Trước bão số 5, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định đã chỉ đạo và tổ chức lực lượng thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 308 tàu cá/2.156 lao động ra khỏi vùng biển nguy hiểm; hướng dẫn, sắp xếp 5.841 tàu cá neo đậu tại bến; hướng dẫn, buộc chặt 769 lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản.
Đại úy Nguyễn Văn Đồng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhơn Lý (BĐBP tỉnh Bình Định) cho biết: Mặc dù địa bàn của đồn phụ trách rộng, lực lượng mỏng nhưng trước bão, chỉ huy đồn đã phân công cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn để cùng với chính quyền địa phương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh. Tuyên truyền, vận động người dân nuôi trồng thủy sản, người dân ở vùng nguy hiểm đi tránh bão. Khi được tuyên truyền, giải thích về sự nguy hiểm của bão số 5 thì hầu hết người dân chấp hành và tự giác phòng, chống bão.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cũng tâm đắc và rút ra được nhiều bài học trong công tác phòng, chống bão: “Ngay từ đầu chúng tôi xác định xã Nhơn Hải là trung tâm của bão và với địa thế xung yếu nằm sát bờ biển thì sẽ thiệt hại lớn. Vì thế, Đảng ủy, UBND xã đã huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp với lực lượng quân sự, biên phòng để ứng phó với bão, cương quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân-dân được phát huy, nhân lên”.
Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bình Định, khẳng định: Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh quán triệt xuyên suốt với phương châm “4 tại chỗ”. Hằng năm tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ, kỹ năng ứng phó với thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Trước khi bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Bình Định, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tạm dừng huấn luyện và các công việc chưa cấp thiết để tập trung chằng chống, củng cố doanh trại, kho tàng và công trình quân sự. Tổ chức lực lượng, kíp trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ trong mưa bão cũng như vật chất sinh hoạt của Đội Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Ngay sau bão số 5 đi qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định đã nhanh chóng khắc phục hậu quả. Gia cố kè bờ biển bị sạt lở, hư hỏng; giúp nhân dân dọn dẹp nhà bị sập đổ, tốc mái và di dời tài sản, vật chất đến nơi an toàn; hỗ trợ các loại nhu yếu phẩm để ổn định cuộc sống của nhân dân...
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN