QĐND - Lần nào cũng vậy, khi đến Trạm Ra-đa 55, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi cũng được Thượng úy QNCN Đinh Trần Lê đón tiếp bằng nụ cười hiền hậu. Mãi sau này khi nghe cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị kể về hoàn cảnh gia đình anh, chúng tôi mới hay phía sau nụ cười ấy là những khó khăn, vất vả mà anh phải đối mặt hằng ngày.

Thượng úy QNCN Đinh Trần Lê là nhân viên lái xe kiêm điện công Trạm Ra-đa 55. Năm 1999, anh xây dựng gia đình với chị Hoàng Thị Hòa-một cô gái đẹp người, đẹp nết ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc, Nghệ An). Cưới nhau chưa được bao lâu, anh trở lại đơn vị công tác. Chị Hòa ở nhà do không có việc làm nên đi bán rau để có thêm thu nhập phụ vào số lương chồng gửi về trang trải cuộc sống. Cuối năm 2000, con trai đầu lòng (cháu Đinh Hoàng Trần Hiếu) ra đời trong niềm vui của hai bên gia đình. Mặc dù thiếu bàn tay chăm sóc của người cha nhưng bù lại cháu Hiếu lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của mẹ và ông bà nội. Tháng 6-2002, anh Lê đón vợ ra đảo Phú Quý sinh sống, đến tháng 3-2003, anh chị về quê đón con ra cùng. Cảm thông với hoàn cảnh của anh chị, chủ xưởng chế biến hải sản trên đảo cho mượn một gian nhà kho để ở. Năm 2005, anh chị có thêm con thứ hai (cháu Đinh Hoàng Quỳnh Anh).

Anh Lê đón con gái từ Trường Tiểu học Mỹ Khê về nhà.

Cuộc sống đang êm đẹp thì tai họa đổ xuống gia đình bé nhỏ của họ. Ngày 20-9-2007, cháu Hiếu phát bệnh. Ban đầu, Hiếu chỉ bị sốt, ông bà nội đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc chữa trị. Sau 3 ngày ở đây, cháu sốt cao lên đến 42 độ C, các bác sĩ chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An thì cháu bị hôn mê, phải tiếp tục chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu bị viêm não Nhật Bản B. Nhận được tin báo, vợ chồng anh Lê vội vã trở về đất liền ngay trong đêm. Đó là đêm trước Rằm Trung thu (24-9-2007), biển động, tàu khách bị cấm hoạt động, hai vợ chồng và cháu Quỳnh Anh phải đi nhờ thuyền câu vào bờ rồi bắt xe ra thẳng bệnh viện. Sau một thời gian chữa trị, bệnh tình của cháu Hiếu có thuyên giảm, nhưng vẫn bị liệt nửa người, chân ngày càng teo đi. Hiện nay đã 15 tuổi, nhưng Hiếu chỉ nặng khoảng 25kg. Cháu Hiếu hiện là học sinh lớp 8C, Trường THCS xã Nghi Long (Nghi Lộc, Nghệ An). Hằng ngày, chú hoặc các bạn vẫn phải cõng Hiếu đến trường. Ông bà nội của Hiếu tuổi đã gần 70, vẫn phải lo cấy hái để có thêm nguồn thu phụ vào lương thương binh hạng 1/4 của ông để có tiền mua thuốc chữa trị cho cháu (hơn 1 triệu đồng/ tháng).

Mọi khó khăn tưởng đã qua thì cuối tháng 11-2011, cháu Quỳnh Anh lại phát bệnh. Lần này là căn bệnh ung thư máu. Anh Lê tâm sự: “Khi bắt đầu vào lớp 1 thì cháu nói bị mỏi chân và gầy, xanh xao. Vợ chồng tôi đưa cháu đi khám tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý, các bác sĩ cho biết, cháu bị thiếu máu không rõ nguyên nhân và bị xưng gan. Ngày 1-12, vợ chồng tôi đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau một tuần nằm viện, các bác sĩ cho biết, cháu bị ung thư máu (bạch cầu lympho cấp) và giới thiệu vợ chồng tôi đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hoặc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để chữa trị. Chúng tôi đưa con ra Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Sau khi khám, chẩn đoán, các bác sĩ cho biết, theo phác đồ điều trị phải hết 7 toa mới khỏi bệnh và mỗi toa 150 triệu đồng. Thương con đứt ruột, nhưng chỉ điều trị một thời gian, vợ chồng tôi lại phải đưa con trở lại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, một phần vì không có tiền, một phần vì ở đây có những suất cơm từ thiện giúp chúng tôi bớt được một khoản chi tiêu. Thời điểm này, bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi của cháu hết hiệu lực, cháu lại chưa được hưởng bảo hiểm thân nhân của quân nhân nên toàn bộ chi phí chữa trị hơn 300 triệu đồng, vợ chồng tôi đều phải vay mượn”.

Được biết, hiện tại bệnh tình của Quỳnh Anh có tiến triển tốt và đang ở giai đoạn ổn định. Cứ 3 tháng, vợ chồng anh lại phải đưa cháu đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để khám, điều trị, mỗi lần chi phí khoảng 10 triệu đồng. Để có thêm thu nhập, vợ chồng anh Lê thuê nhà và mở quán ăn.

Thượng úy Vũ Văn Vinh, Trạm trưởng Trạm Ra-đa 55, cho biết: “Đồng chí Đinh Trần Lê là hạt nhân xây dựng mối đoàn kết trong đơn vị, địa phương. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đồng chí luôn vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước hoàn cảnh gia đình đồng chí Lê, Trạm Ra-đa 55, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 luôn quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ, tạo kiều kiện cho đồng chí có thời gian chăm sóc gia đình…”.

Xế trưa, tôi cùng anh Lê đến Trường Tiểu học Mỹ Khê (xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý) đón cháu Quỳnh Anh. Lớp 3A đang trong giờ học hát, nên chúng tôi khẽ bước. Trong lớp vang lên giọng hát của một cô bé “lớp chúng mình rất rất vui, anh em ta chan hòa tình thân…”. Ngó qua cửa sổ, anh Lê khẽ nói với chúng tôi: “Quỳnh Anh đấy!”. Chúng tôi khựng người. Cô bé với gương mặt bầu bĩnh, thơ ngây và giọng hát trong trẻo kia đang phải mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác. Quên hết những câu hỏi dự định để hỏi cháu, trong tôi chỉ còn suy nghĩ, mong sao giọng hát kia sẽ mãi ngân cao và phía sau nụ cười của anh Lê sẽ vơi bớt những khó khăn, vất vả.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN