Một mình lặng lẽ trong phòng trực thu tín hiệu truyền về sở chỉ huy, gương mặt chị Hiền thể hiện rõ sự tập trung cao độ. Đôi bàn tay gầy thoăn thoắt trên chiếc ma-nip. Các thiết bị máy móc chạy ro ro, những tiếng “tịch... tà” vang lên đều đều. Đó là những thanh âm quen thuộc gắn bó với chị suốt hơn 20 năm qua trong mỗi phiên ban. Giữa cái vắng vẻ, tẻ nhạt ấy, chị lặng lẽ làm việc, gác lại bao nỗi niềm, tất cả để tập trung cho nhiệm vụ.

Đại úy QNCN Mai Thị Hiền tham gia phiên ban trực tại sở chỉ huy Lữ đoàn 918. 

Sau phiên trực trở về, trông chị thoáng chút mệt mỏi. Trên gương mặt hằn in những vết rạn khóe mắt. Nghe lời tâm sự, chúng tôi hiểu thêm về những vất vả của gia đình chị. Năm 2003, chị Hiền kết hôn với Thượng úy QNCN Lê Chí Anh, nhân viên thợ bơm, Đại đội 4, Tiểu đoàn Kỹ thuật hậu cần sân bay, Lữ đoàn 918. Một năm sau, chị sinh con gái đầu lòng Lê Mai Liên. Có thêm thành viên mới, những tưởng niềm hạnh phúc được nhân lên, thế nhưng sau đó lại là những tháng ngày lo lắng chạy vạy để chữa bệnh cho con. Cháu Liên bị hội chứng thận hư từ nhỏ, hằng tháng phải sang Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh, có đợt bị nặng phải nằm viện điều trị. Nguy hiểm nhất là vào năm 2016, cháu bị nhiễm trùng máu và chuyển thành Lupus ban đỏ, phải nằm phòng cấp cứu truyền thuốc tăng miễn dịch. Chi phí mỗi lần truyền dịch, lọc máu, uống thuốc của cháu rất lớn.

Hơn 10 năm trời chữa bệnh cho con tốn kém, kinh tế gia đình chị vì thế ngày càng sa sút. Tiền lương vợ chồng dành dụm đều dùng để chạy chữa thuốc thang cho con. Những khi cháu Liên nhập viện, anh chị phải đăng ký nghỉ phép thay nhau chăm con. 12 năm sau, chị Hiền sinh con thứ hai Lê Chí Anh Sơn (sinh năm 2015). Thế nhưng cháu Sơn mới sinh thể trạng yếu, thường xuyên ốm đau, bị viêm da bội nhiễm. Vất vả nhất khi con gái nằm viện, con trai ở nhà đổ bệnh. Anh chị phải chia nhau ra trông nom săn sóc. Cuộc sống chật vật, kinh tế khó khăn, nhiều lúc chị tưởng không thể vượt qua được.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị Hiền, Thượng úy Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Thông tin cho biết: “Để giúp gia đình đồng chí Hiền vượt qua khó khăn, cán bộ, đồng đội trong đơn vị thường xuyên thăm hỏi động viên. Thời điểm cháu Liên trong giai đoạn nguy kịch nhất, đơn vị tổ chức quyên góp giúp đỡ gia đình chị có thêm kinh phí chữa bệnh cho con. Những khi chị Hiền vào viện chăm con, các đồng chí trong tiểu đội phân công đi ban thay, đồng thời cử người giúp đỡ việc nhà”. Sau nhiều đợt chạy chữa, tình hình sức khỏe của con gái dần bình phục. Vơi bớt nỗi lo vì cháu đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng căn bệnh của cháu Liên vẫn phải điều trị dài ngày. Nhìn con gái đến tuổi trưởng thành nhưng thể chất phát triển không bằng bạn bè, học hành gián đoạn khiến chị rất đau lòng.

Dẫu còn bao bộn bề lo toan nhưng mỗi khi vào ca trực, chị Hiền đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, chị cố gắng nhiều hơn để bù lại thời gian đồng đội giúp đỡ mình. Chị chia sẻ: “Trực tại sở chỉ huy rất quan trọng, nếu lơ là có thể thu phát sai tín hiệu, ảnh hưởng đến việc triển khai mệnh lệnh của người chỉ huy. Vì thế, tôi xác định khi đã trực phải hết sức nghiêm túc, quyết không để sót, lọt, chậm thông tin. Dù mỗi phiên ban thời gian kéo dài khá căng thẳng nhưng tôi luôn chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn”.

Trong mỗi ca trực, những nhịp khúc “tịch... tà” lại đều đặn vang lên, bền bỉ và nhẫn nại như chính cuộc đời chị. Ngoài thời gian đi ban, chị Hiền còn tích cực huấn luyện chuyên môn, tham gia hội thi, hội thao chuyên ngành do cấp trên tổ chức. Có kinh nghiệm nhiều năm công tác nhưng chị vẫn hết sức thận trọng, tỉ mỉ, ôn luyện kỹ từng bài tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tránh để xảy ra sai sót.

Nhiệm vụ chuyên môn luân phiên trực theo ca, kíp nên chị phải thu xếp việc gia đình hợp lý để mọi sinh hoạt không bị xáo trộn. Vất vả nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, cả đơn vị đều ở lại trực. Chị đành để hai con ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau, mọi việc chỉ dặn dò qua điện thoại. May sao công việc của chồng chị có thể giãn ra được nên anh đăng ký nghỉ phép để lo cho con cái. 

Trong muôn vàn những hối hả của nhịp sống hằng ngày, nơi phòng trực của chị vẫn đều đặn vang lên những tiếng “tịch... tà”. Dẫu điệp khúc ấy có lặng lẽ nhưng đó là tín hiệu vui. Bởi chúng tôi hiểu rằng khi đó chị đang miệt mài làm việc và gia đình nhỏ bé của chị vẫn được bình an.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM