Một góc bức tranh quê

Một lần, Thượng tướng-Giáo sư Hoàng Minh Thảo về thăm quê. Ông ngắm rừng cây bạch đàn xanh tốt ở mé sông đào và ngợi khen những thương binh, cựu chiến binh cầm cuốc, cầm mai thay bút lông làm “anh họa sĩ vẽ nên bức tranh quê” đẹp và sinh động đến vậy.

…Điện Biên, tên con sông đào chạy dọc theo hướng Bắc-Nam tỉnh Hưng Yên, trong đó đoạn qua xã Bảo Khê (thị xã Hưng Yên), đất ven đê chua mặn, lởm chởm sú vẹt. Đất ở đây xấu đến mức phải bỏ hoang. Bảo Khê là xã đất ít, người nhiều. Bao gia đình đông con, thiếu đất canh tác, dư thừa sức lao động, nhưng nhìn mảnh đất dọc theo sông Điện Biên cũng phải ngao ngán.

Sau khi từ các chiến trường trở về, các thương binh, cựu chiến binh lại cầm cày, cầm cuốc sớm hôm cùng vợ con lao động cật lực, làm ra hạt thóc củ khoai, vẽ lên màu xanh cho quê hương xứ sở. Không cam chịu sống trong nghèo khó, tháng 2-1995, có 6 CCB do anh Phạm Văn Hoàn (thương binh 3/4) làm tổ trưởng tổ trồng cây, đã đến chinh phục mảnh đất này. Hai năm sau, có 11 hội viên tham gia thành đội trồng cây “hùng mạnh”. Mấy năm đầu, các anh đánh vật với đất, san lấp mặt bằng, đào hố trồng cây, vận chuyển hàng trăm mét khối đất phù sa từ sông Hồng về để cải tạo. Bàn tay ai nấy đều dày lên một lớp chai cứng. Tiếng cuốc, tiếng mai ngày ngày khoét sâu vào lòng đất. Vai áo thấm đẫm mồ hôi rồi lại khô đi và bạc thếch theo mưa nắng. Những phút nghỉ tay, nhìn thành quả lao động của mình từ màu xanh cây trồng, có anh cao hứng như tự động viên chính mình: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ biến đất cằn hoang hóa thành rừng cây”. Một anh khác cũng không chịu thua bạn về văn chương, chữ nghĩa, đã đọc câu thơ của Nguyễn Sĩ Đại: “Ông tôi, cha tôi và tôi/ ba đời làm lính, ba đời nông dân”. Rồi họ phá lên cười, trong mỗi ánh mắt như có cánh én mùa xuân. Cứ thế, các anh lao động cần mẫn như những chú ong mật gom góp vị ngọt cho đời. Đất mẹ nâng cây lên tầm cao. Bàn tay các anh chăm chút “ru” cho cây vươn lên khép tán. Trước những khó khăn có người dao động nản lòng. Song, sức mạnh của đồng đội và nghị lực của người lính đã giúp họ vượt qua.

Đến nay, kết quả thật không ngờ: 3 vạn cây bạch đàn kết thành rừng, cây nào cũng vươn lên như muốn chạm tới trời xanh. Tạm tính, bán với giá 60.000 đồng/cây cũng cho giá trị tới 2 tỷ đồng. Hòa cùng vào gam màu xanh ấy là gần 400 cây nhãn và 2.000 cành vải đang khép tán sum sê nghiêng cành sai quả; hơn 7.000 gốc táo, hơn 2.000 cây đu đủ níu díu quả chín, quả xanh, hơn 1.000 khóm chuối đang độ trổ buồng… Hằng năm, mỗi thành viên trong đội trồng cây có thu nhập hơn chục triệu đồng, con số cầm được trong tay, cứ ngỡ mình nằm mơ…

Năm qua, trên trợ giúp cho xã 15 triệu đồng để xây hai ngôi nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách. Tính ra, số tiền chỉ đủ mua vật liệu xây dựng, thiếu hẳn khoản mua tre, gỗ. Hội CCB xã đã động viên đội trồng cây và các anh hỗ trợ đủ số gỗ bạch đàn làm mái và cửa của hai ngôi nhà. Đó là nghĩa cử cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài mô hình trang trại trồng cây bên sông, 100% hội viên đã xóa bỏ vườn tạp, cải tạo thành vườn cây ăn trái, tận dụng mặt nước hồ ao nuôi cá, phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, kết hợp làm thêm nghề xe hương. Đến nay trong xã không còn hộ CCB nghèo, nhiều hộ đã mua sắm được tiện nghi đắt tiền.

Tại đại hội CCB cấp trên, bản tham luận của hội CCB xã đã có sức thuyết phục, gây ấn tượng tốt đẹp cho đại biểu, rồi từng tràng vỗ tay vang lên, cả hội trường chung vui với thành tích của đội trồng cây CCB xã Bảo Khê, một điểm sáng: Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến bờ sông hoang phế thành rừng cây ngút ngàn, một màu xanh no ấm.

ĐÀO QUANG LÂM