Dù biết quy luật sinh tử là không thể tránh khỏi trong cuộc đời mỗi con người, thế nhưng tôi vẫn không thể nào tin cây cổ thụ trải qua nhiều phong ba bão táp ấy nay đã đổ xuống.
 |
Đồng chí Nguyễn Lương Hiền. |
Sinh ra ở miền quê văn hiến Minh Cường (Thường Tín, Hà Nội), năm 1948, mới 14 tuổi, cậu học trò Nguyễn Lương Hiền đã viết tâm thư để được theo lớp cha anh lên đường tòng quân giữ nước. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, chiến sĩ Nguyễn Lương Hiền được tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc cho chỉ huy. Sau một thời gian, Nguyễn Lương Hiền xin cấp trên được trực tiếp cầm súng chiến đấu để giải phóng quê hương. Những năm tháng chia lửa cùng đồng đội trên chiến trường đã bộc lộ tư chất người chỉ huy trong Nguyễn Lương Hiền. Vậy nên chỉ một thời gian ngắn, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 6). Tốt nghiệp ra trường, chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Lương Hiền lần lượt trải qua các cương vị chỉ huy đơn vị. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Nguyễn Lương Hiền vinh dự là đại đội trưởng chỉ huy bộ đội chiến đấu trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”.
Đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Lương Hiền lại được đơn vị cử đi học và ông xuất sắc mang về hai tấm bằng: Kỹ sư giao thông và kỹ sư thủy lợi. Vẫn nguyên tố chất người chỉ huy, tốt nghiệp khóa học, Nguyễn Lương Hiền quay trở về đơn vị với cương vị cán bộ Tiểu đoàn 27 (Đoàn Công binh 19-5) tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những năm tháng gắn bó với “nghề cuốc xẻng” đã để lại nhiều dấu ấn của tiểu đoàn trưởng rồi đến trung đoàn phó Nguyễn Lương Hiền. Ông từng chỉ huy Tiểu đoàn Công binh 27 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường để bộ đội tên lửa cơ động đánh máy bay địch trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bằng chiến thuật cầu quay và sáng kiến vượt sông bằng bộ cầu không đủ khí tài đồng bộ, cho đến những dấu ấn tại các bến phà trọng điểm thuộc Khu 3, Khu 4, rồi các nhiệm vụ quốc tế vẻ vang trên nước bạn Lào…
Không chỉ gan dạ trong chiến đấu, linh hoạt trong công tác, tổ chức chỉ huy bộ đội, ông còn là cây văn nghệ đa tài với chất giọng ấm áp, truyền cảm qua các ca khúc cách mạng, kịp thời động viên bộ đội, dân công hỏa tuyến lập nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến, được đồng đội cảm mến gọi thân mật với cái tên Tiểu đoàn trưởng "Vàm Cỏ Đông".
Đất nước thống nhất, ông lại là một trong những người đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương. Ông chỉ huy Bộ đội Công binh Quân khu 3 xây dựng nhiều công trình thủy lợi mang hiệu quả kinh tế thiết thực trên mặt trận nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng, như: Cống Quảng Châu (Thanh Hóa), cống An Thổ (Hải Dương), trạm bơm Thống Nhất (Thái Bình), nhà máy nhiệt điện Phả Lại, đường biên giới Đông Bắc (Quảng Ninh). Không chỉ dừng lại ở đấy, ông còn bộc lộ tư chất của một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, một nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh với hàng trăm bài viết về chiến lệ công binh, các tập tiểu thuyết, truyện ngắn đến kịch bản phim... và nhiều ca khúc được ông cho ra đời bằng niềm đam mê cháy bỏng. Đặc biệt, dấu ấn đáng nhớ của người cán bộ quân đội, kỹ sư Nguyễn Lương Hiền chính là Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2005) về thiết kế xây dựng các cụm công trình quốc phòng cùng nhiều giải thưởng của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trao tặng vì những cống hiến của ông cho đất nước, xã hội. Ngoài ra, ông cũng từng là cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo với hàng trăm bài báo được đăng trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân nói riêng, các tờ báo trong cả nước nói chung...
Mới trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, khi tôi đến chơi nhà, ông còn say sưa kể cho tôi những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Khát vọng bình yên” mà ông tâm huyết viết trong nhiều tháng, nay đã hoàn thành và xuất bản. Ông còn bảo tôi, trong thời gian tới ông sẽ chuyển thể thành kịch bản phim. Vậy mà nay cuốn tiểu thuyết đã nằm trên kệ sách nhưng mãi mãi không còn được ông mở ra thêm một lần nào nữa. Ông đã bỏ lại cuốn tiểu thuyết, bỏ lại gia đình, anh em, con cháu, người thân để thanh thản ra đi gặp lại đồng chí, đồng đội một thời chia lửa trên chiến trường ở tuổi 84.
Dẫu biết là thế, nhưng sao ông vẫn gieo trong tôi nỗi tiếc thương vô hạn về một người thầy, người đồng chí, người bạn già thân thương, đáng kính. Chúng tôi, những chiến sĩ của ông ngày nào chắc chắn sẽ mãi không thể nào quên ông-đồng chí, vị thủ trưởng Tiểu đoàn trưởng "Vàm Cỏ Đông" những ngày máu lửa...
Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT