Một bữa cơm gia đình: Chị Lan bón cho Tuyến ăn…

Ở xóm Phượng Sơn, xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có một người phụ nữ mà khi nhắc tên ai cũng cảm phục về tấm lòng nhân ái, bao dung cưu mang những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin bị mồ côi cả bố lẫn mẹ. Chị Lan, nhân vật trong bài viết này và những người xung quanh chị, cả hai cháu Lương, Tuyến – những đứa trẻ tàn tật trong xóm nghèo Phượng Sơn được chị cưu mang làm chúng tôi thực sự xúc động về những giá trị nhân văn và nhân cách đẹp đẽ. Mà có lẽ, chỉ nên nói thật giản dị, đó là lòng tốt của con người...

Buổi trưa ngày hôm ấy, nắng chang chang, nhiều người dân xóm Phượng Sơn đau xé ruột khi nghe tiếng la, tiếng khóc của chị Lan: “Bà con ơi, thằng Lương đánh chết mẹ hắn rồi! Cứu với bà con ơi… ơi…!”.

Cả xóm lập tức kéo đến căn nhà tranh rách nát, xiêu vẹo, ẩm thấp, tối tăm. Bà Hiền nằm sõng sượt ngoài thềm cửa, tóc tai rũ rượi, chị Lan vừa ôm, xoa đầu bà, vừa khóc thảm thiết… Còn thằng Lương thì nằm trên giường hút thuốc nhả khói mù mịt… Cả xóm xúm lại khênh bà Hiền lên bệnh viện. Vết thương vào đầu khá nặng. Bà bị chấn thương sọ não, hai ngày sau thì qua đời… Thằng Lương, thằng con trai từng là niềm hy vọng của vợ chồng bà và bà con làng xóm, đầu bịt khăn tang trắng, bước đi dật dờ trong đám tang. Đôi mắt nó vô hồn. Bà con Phượng Sơn nhìn nó, lòng lại nhói lên nỗi thương cảm vô bờ. Nó bị di chứng chất độc da cam/dioxin, sinh ra bình thường, khỏe mạnh, lớn lên đẹp trai, thông minh, học giỏi. Nhưng đến năm 18 tuổi bỗng dưng phát bệnh tâm thần, hay bỏ nhà đi lang thang, nghiện thuốc lá nặng. Thỉnh thoảng những cơn động kinh bộc phát, nó như con thú dữ, phá phách lung tung, còn thường thì nó hiền như đất, cho ăn thì ăn, cho uống thì uống, bảo ngủ là ngủ…

Tháng 7, trời Can Lộc xanh. Bà con Phượng Sơn kể cho chúng tôi nghe: Năm 1966, ông Nguyễn Xuân Tam sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Những năm 1979 – 1980, ông là đại úy, giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự. Do đã từng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khi còn ở chiến trường miền Nam, sức khỏe quá yếu, ông về nghỉ chế độ; năm 1986, bệnh tình trầm trọng, ông qua đời. Còn lại vợ ông là bà Nguyễn Thị Hiền, chăm sóc 4 người con thì 3 đứa đã mắc bệnh: Cháu Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1977) bị bại liệt bẩm sinh, thân thể dị dạng, mất khi mới vài tuổi; cháu Nguyễn Xuân Tuyến (1985) từ khi sinh ra thân thể cũng dị dạng, chỉ nằm một chỗ, không thể tự phục vụ; và cháu Nguyễn Xuân Lương, sinh năm 1975 thì bị tâm thần. May vẫn còn cháu Nguyễn Thị H. (1982) lành lặn…

Bà Hiền mất, trong gia đình, họ tộc của các cháu không còn người thân nào. Vậy là, chỉ còn lại những đứa trẻ nạn nhân của chất độc da cam/dioxin mồ côi bố mẹ, không nơi nương tựa... Cháu Tuyến thì sức khỏe rất yếu, thân thể bị lở loét, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt...

Bà con trong xóm họp lại, bàn cách thuê người chăm sóc các cháu. Tìm mãi mới có một người phụ nữ ở dưới thị xã Hồng Lĩnh, tiền công một tháng 400.000 đồng, công việc chỉ có nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa cho các cháu, nhưng chỉ được mấy bữa, người ta lắc đầu xin hủy hợp đồng bởi ai cũng ngại cái phần tắm rửa cho cháu Tuyến. Thân thể cháu lở loét, bốc mùi tanh khẳm, nước vàng từ các mô trên cơ thể ri rỉ chảy bám chặt trên chiếc chõng tre kích thước 0,5 x 1 mét…

Ngôi nhà tranh nghèo hai đứa trẻ mồ côi nhiễm chất độc da cam/dioxin như càng hoang vắng hơn trong những đêm dài. Một tổ chức nhân đạo quốc tế có lần đã nhận đưa cháu Lương ra nước ngoài chữa bệnh, song khi lên máy bay, Lương bỗng lên cơn động kinh đập phá, la hét lung tung nên lực lượng an ninh sân bay giữ lại… Rồi có tin cháu H. được đồng đội cũ của bố xin giúp cho vào làm công nhân viên quốc phòng ở một kho thuộc Tổng cục Kỹ thuật…

Cảnh nhà càng neo đơn hơn. Thôi thì hàng xóm tối lửa tắt đèn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan, anh Nguyễn Xuân Trung xin tình nguyện chăm sóc giúp đỡ các cháu. Ban đầu, chị Lan nói với H.: “Cháu cứ ra ngoài đó nhận công tác, ở nhà đã có hai bác giúp cho một thời gian”. Một tuần trôi qua, rồi thêm một tuần nữa, tuần nữa… cho đến khi người giúp việc thứ ba không chịu đựng nổi, rời khỏi căn nhà thương đau này… Anh Trung, chồng chị Lan không những không ngăn cản mà còn giúp đỡ chị trong công việc hằng ngày và chăm sóc hai đứa trẻ xấu số.

Mỗi sớm, chị Lan phải dậy sớm nấu cơm rồi mang lên cho hai cháu Lương, Tuyến. Buổi trưa, chiều tối cũng vậy. Bón cho Tuyến ăn mỗi bữa cũng mất hơn một tiếng đồng hồ, rồi thay, giặt giũ áo quần cho hai cháu. Vất vả nhất là việc tắm rửa cho cháu Tuyến. Hai vợ chồng anh chị phải khênh cả cái chõng tre cháu nằm ra thềm giếng. Dùng nước lá đơn, lá đào trong vườn nhà nấu kỹ để nguội tắm cho Tuyến. Những bữa đầu, chị Lan mấy lần suýt nôn ọe. Nhưng rồi tấm lòng thương cảm, yêu thương những đứa trẻ mồ côi đã giúp chị vượt qua để cưu mang, chăm sóc chúng. Bàn tay chị Lan phải kỳ nhẹ để vuốt sạch hết lớp nhầy nhụa ở những chỗ lở loét trên da thịt cháu, tra thuốc mỡ kháng sinh chống viêm nhiễm. Chúng tôi đã nhìn thấy chị như người mẹ thân yêu đã vỗ về, nâng niu đứa con bất hạnh, tàn tật của mình. Trên chõng tre, Tuyến run lên bần bật do thay đổi thế nằm… Mùa đông gió lạnh căm căm, các con của anh Trung, chị Lan phải thay nhau quạt những nồi than hồng sưởi ấm cho cháu Tuyến…

Chúng tôi trò chuyện cùng vợ chồng anh Trung, chị Lan, mới được biết rõ hoàn cảnh gia đình anh chị cũng không khá giả gì. Anh Trung từng là bộ đội, nhập ngũ năm 1986, đóng quân ở Vị Xuyên. Năm 1989 anh xuất ngũ về quê học nghề thợ điện, làm bí thư Đoàn xã rồi bây giờ được tín nhiệm phụ trách văn hóa của xã Trường Lộc. Bản thân anh lại bị bệnh đái tháo đường típ 1, mỗi tháng anh phải xuống Trung tâm y tế huyện tiêm thuốc đặc hiệu Insulin hết 450.000 đồng. Còn chị Lan, ngoài thì giờ chăm sóc hai cháu Lương, Tuyến, lo công việc gia đình còn phải bươn chải với mấy sào ruộng. Thu nhập ít ỏi mà phải chăm sóc bố, lo cho hai đứa con đang tuổi ăn học, quả là quá sức… Ông cụ thân sinh anh Trung là thương binh chống Pháp và ông cụ thân sinh chị Lan là liệt sĩ. Một gia đình có nhiều đối tượng chính sách, những người có công rất cần sự giúp đỡ của xã hội, của cộng đồng song lại giàu lòng nhân ái, chia sẻ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh…

Có buổi chiều đông rét mướt, thằng Lương bỏ nhà đi lang thang mãi không về. Chị Lan tất tả cầm đèn pin đi tìm, gọi tên thằng Lương ơi ới dọc những con đường làng mấp mô. Tìm khắp làng trên xóm dưới đều không thấy. Tiếng chị gọi gần như phát khóc: “Lương ơi! Lương ơi, về nhà ăn cơm!...”. Không thấy đâu cả. Bà con nghe tiếng chị gọi hoài, kéo ra đường, cùng phân công tổ chức đi tìm… Đến gần mười giờ đêm thì phát hiện ra Lương ngồi co ro trong một bụi tre ngoài hồi sát bìa làng, mảnh áo mong manh, lạnh. Chị Lan tủi thân khóc òa… Sau này chị dặn: “Lương à, có đi đâu chơi thì tối nhớ về nghe, đừng để bác đi tìm, tội lắm!”. Thằng Lương có vẻ hiểu được, từ đó ít đi xa, nó chỉ quanh quẩn mấy nhà quen thân thường cho nó ăn, cho nó thuốc lá. Hằng tháng, theo định kỳ, anh Trung chở Lương ra Trạm xá xã hoặc Trung tâm y tế huyện để khám bệnh, tiêm thuốc. Hết thuốc, anh Trung lại bươn bả tàu xe ra Hà Nội mua.

Ông Nguyễn Huy Lý, Bí thư Đảng ủy xã Trường Lộc và bà con Phượng Sơn khi nhắc đến chị Lan, anh Trung đều bày tỏ niềm cảm phục nhân cách và tấm lòng thơm thảo, tốt bụng của những người dân quê chân chất, thật thà. Ông Nguyễn Huy Lý nói: “Bà con trong làng trong xóm theo gương chị Lan, anh Trung nên thường sang cho quà, động viên, giúp đỡ các cháu. Nhưng phải nói rằng, chị Lan, anh Trung là tấm gương sáng, sinh động để chúng tôi làm công tác tuyên truyền, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đặc biệt là trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay. Bà Hiền mất đã 5 năm, thì cũng chừng ấy thời gian chị Lan thay bà Hiền chăm sóc các cháu”.

Chúng tôi đến thăm hai anh em Tuyến, Lương. Lương ngồi bơ phờ trên giường, nhả khói thuốc mù mịt. Tuyến, tuy thân thể dị dạng, chỉ dài non 1 mét, hai bàn chân bẹt như chân vịt, cái đầu to bất thường, nằm bất động trên chõng tre… nhưng trí óc lại rất sáng suốt. Ai đến thăm dù đã rất lâu rồi, Tuyến vẫn nhận ra. Tuyến không cho ai chăm sóc tắm rửa, thay áo quần, bón cho ăn… ngoại trừ chị Lan. Và giọng nói, thì cũng chỉ có chị Lan, anh Trung và những người trong gia đình nghe hiểu được. Chị Lan khoe: “Hôm nào vui, Tuyến còn hát nữa đó!”. Tuyến nói với chị Lan, anh Trung: “Các bác giúp anh em cháu thế này, biết lấy chi đáp trả. Tuyến cũng không còn sống lâu thêm được nhiều nữa mô. Hai mươi ba tuổi rồi, bác ạ. Tuyến biết mà, rồi sau này Tuyến sẽ phù hộ cho các bác và các em mạnh khỏe, hè!”. Tuyến nói rồi cười, cái tiếng cười của một sinh linh đau khổ, nạn nhân của thứ chất độc ác nghiệt phát qua đoạn thanh quản bị biến dạng, nghe mà xót xa. Chị Lan cười, anh Trung cũng cười mà nước mắt tràn mi… Nằm trên chiếc chõng tre, Tuyến khó nhọc quay đầu sang nói với chúng tôi qua lời “phiên dịch” của chị Lan: “Các bác ở ngoài Bộ Quốc phòng phải không?”. Chúng tôi trả lời là phóng viên của báo Quân khu Bốn. “Các bác đừng viết báo nhiều về anh em cháu, viết về bác Lan, bác Trung đó. Đừng viết về anh em cháu, nỏ có chi mô…”. Tuyến nói như van xin… Chị Lan tâm sự với chúng tôi: “Hiện tại, chế độ trợ cấp của các cháu là 200.000 đồng/cháu/tháng, không đủ chi dùng, thỉnh thoảng cháu H. cũng có gửi tiền về nhưng công nhân viên mới vào quân đội, lương thấp, đâu có nhiều. Nếu có thể, các cơ quan, ngành chức năng của huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh xem xét tăng mức trợ cấp thêm chút đỉnh giúp các cháu. Nhờ các anh viết lên báo điều đó thôi, còn đừng viết chi về vợ chồng em…”.

Nhưng Tuyến à, chúng tôi không thể không viết về chị Lan, anh Trung, về gia đình Tuyến được. Sự xúc động, niềm cảm thông với hoàn cảnh của những nạn nhân chiến tranh, lòng cảm phục tấm gương chị Lan, anh Trung và nhiều người tốt nữa ở xóm Phượng Sơn thôi thúc chúng tôi cầm bút…

Bài và ảnh: Trần Hoài