Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), ông Phổ cho biết: Năm 1985, sau 10 năm phục vụ quân ngũ, tôi xuất ngũ theo chế độ bệnh binh. Trở về địa phương, tình đồng đội, đồng chí thời quân ngũ như một định mệnh đưa tôi đến với công việc quản trang khi Nghĩa trang Liệt sĩ Phủ Thông, được xây dựng năm 1990.
 |
Ông Phổ luôn chăm chút từng phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang. |
Hơn hai mươi năm qua, ông Phổ hằng ngày miệt mài, thầm lặng với công việc coi sóc các phần mộ đồng đội, nhổ từng ngọn cỏ, nhặt từng chiếc lá rụng, nhành cây khô… Hơn 200 ngôi mộ và khuôn viên nghĩa trang rộng gần 4.000m2 luôn sạch sẽ. Ông thuộc lòng tên tuổi, quê quán của liệt sĩ ở từng ngôi mộ để có ai hỏi sẽ trả lời được ngay. Tranh thủ những ngày được nghỉ, ông lặn lội đi gặp các cựu chiến binh (CCB), các nhân chứng trên địa bàn tỉnh và nhiều nơi khác, như Hải Dương, Hà Nội… để liên hệ với ban liên lạc Tiểu đoàn 11 Phủ Thông; có lần ông vào tận TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu thông tin về liệt sĩ. Ông viết nhiều lá thư tới Chương trình “Trở về ký ức”, “Đi tìm đồng đội” của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để gửi thông tin tìm người thân liệt sĩ… Ông cần mẫn ghi chép cụ thể, lần theo từng thông tin, dấu vết và ông đã tìm được nhiều thân nhân liệt sĩ. Tất cả được ghi chép trong cuốn nhật ký “Đi tìm đồng đội” mà ông lưu giữ cẩn thận như một báu vật. Cuốn sổ khá dày, nhưng ông kể mạch lạc từng trường hợp, đặc biệt là về liệt sĩ tên Soạn mà ông đã cất công tìm đến tận nơi anh hy sinh, nhưng tiếc rằng vẫn chưa tìm được họ tên đầy đủ. Ông cho biết đã xác minh và được biết đồng chí Soạn là người dưới xuôi, hy sinh tháng 12-1948 tại Nà Kén, Vũ Muộn (huyện Bạch Thông), nhưng cũng có thông tin hy sinh ở Đèo Giàng, trong đánh trận Bằng Khẩu. Nhiều thông tin khác nhau nên việc xác minh rất khó khăn.
Tôi hỏi ông lấy kinh phí ở đâu để trang trải cho những chuyến đi, ông Phổ xua tay cười xòa: “Thì mình chắt chiu từng đồng trợ cấp, cũng có khi phải bán con lợn, con gà, nhưng việc đó có đáng gì so với sự hy sinh và những mất mát của người thân các liệt sĩ. Năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng ông 10 triệu đồng, nhưng ông không sử dụng cho bản thân mà đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông. Năm 2010, có thân nhân liệt sĩ ở Hà Tây gửi tặng ông 5 triệu đồng, nhưng ông đã đến tận nơi và trả lại. Có gia đình đã nhờ những người tự xưng “nhà ngoại cảm” đến nghĩa trang tìm thân nhân là liệt sĩ và họ không ngần ngại đặt vấn đề với số tiền lớn, nhưng ông kiên quyết từ chối, đồng thời nhẹ nhàng giải thích để họ hiểu.
Năm 2007, ông Phổ được Đài Truyền hình Việt Nam mời đến nói chuyện trong Chương trình giao lưu truyền thống “Ngời sáng đạo lý uống nước nhớ nguồn” và được vinh danh “Người quản trang tiêu biểu toàn quốc”. Đến nay, đã có hàng trăm lá thư từ mọi miền Tổ quốc gửi đến để cảm ơn, bày tỏ sự cảm phục, trân trọng việc làm và tấm lòng của ông.
Đồng chí Dương Khắc Yến, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phủ Thông cho biết: “Ông Phổ không chỉ là hội viên CCB tiêu biểu trong công tác hội mà những việc ông làm luôn được nhân dân, tổ dân phố quý trọng, yêu mến".
Chia tay người quản trang vào buổi chiều muộn, trong khuôn viên nghĩa trang, những nén tâm nhang ngào ngạt tỏa hương. Tôi trào dâng niềm cảm phục về tấm lòng, nghĩa cử của một CCB bao năm thầm lặng với công việc, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Bài và ảnh: ĐỖ KIM TẬP