Biết đoàn công tác có các cựu chiến binh (CCB) từng chiến đấu trên địa bàn khu 8 về thăm nên nhiều du kích, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, NNCĐDC cùng các chiến sĩ áo xanh tình nguyện đã đợi sẵn ở Trụ sở UBND xã Tân Ninh. Xe vừa dừng lại, mọi người niềm nở bắt tay các thành viên đoàn công tác thăm hỏi, trò chuyện. Ông Phạm Văn E, thương binh hạng 3/4, nguyên Trung đội phó Trung đội Du kích xã Tân Ninh, kể: "Ngay sau Tết Nguyên đán năm 1973, lợi dụng địch chủ quan, chúng tôi tổ chức phục kích bắn tỉa, bao vây đồn Bằng Lăng 1, ngăn không cho chúng tiếp tế lương thực. Được Trung đoàn 88 (Sư đoàn 302, Quân khu 7) phối hợp chiến đấu, đơn vị chúng tôi đã diệt gọn đồn địch”.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh tặng quà các nạn nhân, gia đình chính sách xã Tân Ninh.  
Ông Nguyễn Văn Cảnh, 68 tuổi, nguyên là du kích xã Tân Ninh, nhớ lại: Trước đây, địa bàn xã Tân Ninh cỏ cao ngập đầu người, lợi dụng yếu tố này, ông và đồng đội đã bí mật phục kích, tiêu diệt nhiều tốp địch đi tuần. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 88), kể:  "Giáp Tết năm 1969, nhờ kinh nghiệm chiến đấu mưu trí của ba anh em ruột cùng là du kích, gồm: Ba Nghe, Sáu Liêu, Hai Phúc, chúng tôi mới thoát được ổ phục kích của địch. Lần ấy, chúng tôi đang cơ động trên xuồng về căn cứ thì các anh du kích yêu cầu bỏ xuồng lội bộ, nhiều chỗ sâu đến cổ. Khi cách kênh Bằng Lăng khoảng 500m thì nghe tiếng súng địch bắn xối xả phía dòng kênh. Về đến căn cứ an toàn, các du kích mới cho hay, các anh đã ngửi thấy mùi thuốc lá thơm nên biết chắc phía trước sẽ có địch phục kích. Đó chỉ là một trong hàng trăm tình huống mà quân, dân huyện Tân Thạnh đã che chở bộ đội trong những tình huống hiểm nguy, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường khu 8”. 

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Hận, Bí thư Đảng ủy xã: Tân Ninh là vùng căn cứ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đây là địa bàn tiếp giáp giữa ba tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, lại là đầu mối giao thông nên cả ta và địch đều muốn chiếm giữ. Để giữ đất, người dân đã tự nguyện nuôi dưỡng bộ đội, tham gia tải đạn, cùng bộ đội chiến đấu, lập nhiều chiến công. Kết thúc chiến tranh, xã Tân Ninh có 293 liệt sĩ, 51 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 103 thương binh…

Để chăm lo cho gia đình chính sách, hằng năm, các CCB Trung đoàn 88, Hội NNCĐDC thành phố đều phối hợp với các nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp, tổ chức hành quân về Tân Ninh thăm, tặng quà và chung sức xây dựng nông thôn mới. Kế hoạch lần này, đoàn dự kiến tặng 100 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng), nhưng số quà tặng đã vượt dự kiến. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ không ngần ngại dùng tiền cá nhân để hỗ trợ, tặng quà đồng đội, các du kích năm xưa. Bà Nguyễn Thị Kháng, 92 tuổi, cảm động nói: “Đầu Xuân, được đoàn công tác về thăm hỏi, tặng quà, tình cảm quân, dân vẫn ấm áp, nghĩa tình như xưa".

 Bài và ảnh: DUY HIỂN