QĐND - Mải mê công tác, gắn bó với nghiệp nhà binh tận ngoài Hà Nội, lâu lắm mới có dịp đưa vợ con về thăm quê, được ùa vào lòng mẹ và được thưởng thức món cá bống kho tiêu mẹ nấu. Nhìn cậu con trai cưng và cô con dâu gốc Thủ đô ăn ngon miệng với đặc sản quê hương, mẹ cười hiền rồi đọc hai câu ca dao: “Phải đâu chàng nói mà xiêu/ Tại con cá bống, tại niêu nước chè”. Mẹ nói vậy đại ý “trêu” cô con dâu hiền của mẹ. Ý vị của câu ca dao là ở chỗ, khi "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", cô gái mượn "con cá bống, niêu nước chè" đưa đường để đến với người thương. Cá bống, nước chè bỗng dưng trở thành "mai mối" cho một cuộc tình duyên nam nữ.

Tôi sinh ra trên quê hương Quảng Ngãi. Lớn lên bên dòng sông Trà quanh năm đỏ nặng phù sa. Trời phú cho dòng sông lắm cá nhiều tôm, nổi tiếng với nhiều loài cá đặc sản. Phía thượng nguồn là cá niêng, cá ngoác, vùng hạ lưu có cá thài bai, cá hanh, cá đối,… Thế nhưng, nổi tiếng nhất vẫn là cá bống sông Trà. Bởi thế, ngày mới quen nhau, nàng hỏi tôi: “Quê mình có đặc sản cá bống kho tiêu nổi tiếng lắm phải không anh?”. Tôi không trả lời mà nhờ mẹ gửi ra hai lọ cá bống kho tiêu để tặng nàng. Mấy hôm sau, người yêu tôi thỏ thẻ: Anh ơi, có điều kiện anh cho em về thăm quê mình, anh nhé!

Cá bống sông Trà.

Cưới nhau được vài ngày, tôi mới đưa nàng về quê lần đầu. Bấy giờ, nguyện vọng đầu tiên của vợ tôi là được đi bắt cá bống sông Trà. Chiều ý vợ, tôi chèo thuyền, quăng lưới, còn vợ thì gỡ cá đến mỏi tay. Cứ thế, vợ chồng son giăng nắng cả buổi trưa, để mang về cả ký cá bống vàng ươm.

Mẹ tôi dạy con dâu: "Cá bống kho tiêu, cá thiều nấu ngọt". Rồi mẹ cẩn trọng hướng dẫn cách chế biến món cá đặc sản này. Những tưởng con gái Hà Nội không quen tay với việc chế biến những món hương vị đồng quê. Nào ngờ, buổi đầu đứng bếp nhà chồng, món cá bống kho tiêu do vợ tôi chế biến được cha gật đầu khen. Cha nhấm nháp chén rượu rồi cắn miếng cá bống, xuýt xoa: “Thằng Hai, đúng là biết “bắt” cá “bống”! Đáng khen, đáng khen!”. Vợ tôi không hiểu cách nói đùa của người miền Trung nên ngơ ngác, còn tôi thì thấy hạnh phúc thật nhiều.

Về với Thủ đô, vợ tôi vẫn thường ra chợ mua cá bống về kho tiêu. Tất nhiên, chẳng có nơi nào cá bống ngon bằng cá bống sông Trà. Thế nhưng, chỉ cần có món cá bống trong bữa cơm là cảm nhận về hương vị quê hương đã đầy ắp. Cứ thế, những bữa cơm ngon, những câu chuyện cũ như thắm đượm thêm “nghĩa vợ tình chồng”.

Lần này, nghe tin vợ chồng tôi về quê, cha mẹ phấn khởi thông báo: “Vợ chồng già này đã chuẩn bị sẵn mấy nơm cá bống chờ anh chị về!”. Khi vừa xuống ô tô, bước vào đầu ngõ, cậu em kế tôi đã vồn vã chạy ra đón: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”. Nghe vậy, cả nhà cùng rộn rã tiếng cười. Cảm nhận niềm hạnh phúc trọn vẹn ấy, tôi thầm cảm ơn cá bống sông Trà!

Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN