QĐND - Đã bao đêm rồi, trong ngôi nhà của Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn ở thôn Vạn Minh (Đông Lĩnh, Đông Hưng, Thái Bình) vang lên tiếng khóc ngằn ngặt của hai đứa trẻ tật nguyền - con anh Văn...
Nuôi con thơ lần hai
Con đường dẫn vào nhà Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn (Hải đội 433, Hải đoàn 128, Quân chủng Hải quân) dài hun hút bên cánh đồng lúa vàng ươm, trĩu hạt. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà ấy giống như bao ngôi nhà khác ở vùng quê lúa Thái Bình. Thế nhưng từ lâu nó là điểm đến của bà con lối xóm với một nỗi niềm thương cảm, sẻ chia. Bước chân vào căn nhà, chúng tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hai con trẻ: Phạm Gia Bảo và Phạm Bảo Liêm. Hai đứa trẻ sinh đôi thiếu tháng èo uột, lại bị dị tật bộ phận sinh dục và tim bẩm sinh. Riêng cháu Phạm Bảo Liêm bị thắt ngẫng cổ chân; mất một bàn tay, một tay bị dính liền nách, thiếu một rẻ xương sườn, nội tạng bị đảo ngược… Trò chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Bắc (bà nội hai đứa) vừa nói, vừa khóc:
- Đêm nào tôi cũng “nhảy” từ sáng đến tối. Chẳng lúc nào chúng chịu nằm yên một chỗ quá năm phút. Rồi nó khóc, tiếng khóc ngằn ngặt như xé lòng, cơ thể cháu thì tím tái. Thương cháu, vợ chồng tôi lại bồng bế, ru cháu. Lạ đời, chúng tôi cũng áp dụng đủ cách để dỗ dành cháu, thế nhưng chỉ có bồng cháu và "nhảy" thì nó mới chịu nín.
Dừng một hồi lâu, bà Bắc chậm rãi kể:
- Hai cháu sinh ra đã bị tật nguyền. Người mẹ cạn nghĩ không vượt qua khó khăn đã bỏ đi, để lại cho vợ chồng tôi hai đứa trẻ. Bố hai đứa thì biền biệt những tháng ngày lênh đênh trên biển. Ở hoàn cảnh này rồi phải cố thôi chú ạ, để con mình yên tâm công tác.
Bà Lê Thị Hương (hàng xóm) nhanh miệng xen ngang:
- Đêm nào bọn trẻ cũng khóc, hàng xóm láng giềng cũng xót lắm! Nhiều hôm chăm cháu quá sức, thím Bắc ngất xỉu. Thương gia cảnh thím ấy và nghe 2 cháu khóc nhiều, chúng tôi lại sang đỡ đần chú thím một tay. Thương thì thương, cố thì cố nhưng chúng tôi cũng chỉ giúp sức được chốc lát, còn mọi việc đều do chú thím ấy lo liệu cả.
Rồi bà Bắc nói như thông báo: “Từ hôm cháu Liêm phẫu thuật chân, cháu ngoan hẳn, không còn quấy nhiều nữa. Có đêm chúng tôi chỉ phải hẹn giờ thức dậy cho cháu uống sữa chứ không phải “nhảy” như trước đây”.
Biết gia cảnh của nhà bà Bắc, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã cắt cử, thay nhau giúp đỡ, chăm nom hai cháu. Cũng vì hai cháu mới hơn một tuổi, sức khỏe yếu nên chưa thể can thiệp y học được nhiều. Vừa rồi, biết hoàn cảnh gia đình Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn, một người có tấm lòng thơm thảo đã nhận hỗ trợ giúp cháu Phạm Bảo Liêm phẫu thuật thắt ngẫng cổ chân ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Bác sĩ Lưu Đức Thọ, Quyền trưởng khoa Chấn thương, bỏng (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) trực tiếp phẫu thuật cho cháu Liêm, nói với chúng tôi: "Ca phẫu thuật tương đối thành công. Chúng tôi cố gắng để đôi chân của cháu đi lại được; còn các dị tật khác sẽ xử lý dần dần".
 |
Hai cháu nhỏ bị tật nguyền, con Thiếu úy QNCN Nguyễn Tân Văn đang rất cần sự giúp đỡ.
|
Mới mến đã cưới
Những ngày lưu lại nhà Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn, tôi cảm nhận được phần nào sự vất vả mà bố mẹ anh phải đối diện hằng ngày trong việc chăm hai con trẻ chẳng may bị tật nguyền. Người mẹ trông già và tiều tụy đi rất nhiều so với cái tuổi 53 ấy không một lời than vãn hay trách móc gì cô con dâu đã cạn nghĩ bỏ hai đứa con tật nguyền mới lọt lòng. Nói chuyện với chúng tôi, bà chỉ thương cho cậu con trai mình.
Thương bà Bắc bao nhiêu, tôi lại suy nghĩ về người vợ của Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn bấy nhiêu. Bao nhiêu câu hỏi về người phụ nữ đã chấp nhận hy sinh để cưới một người lính biển quanh năm xa nhà làm chồng, sao lại sẵn sàng từ bỏ những đứa con do chính mình sinh; nhất là khi cả hai đứa đều bị tật nguyền. Nhấp ngụm trà, Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn cất lời:
- Tại em cả anh ạ! Giá như em chín chắn và tìm hiểu kỹ hơn về người mình cưới làm vợ, chắc không ra nông nỗi này.
Chuyện tình của Văn và người vợ cùng xã cũng dần tái hiện lại trong đêm tối trời nhưng đầy gió ở vùng quê thuần nông yên bình. Chuyện bắt đầu từ cuộc điện thoại của cô gái cùng xã, học sau một khóa gọi cho Văn khi anh đang thực hiện nhiệm vụ ngoài biển. Những cuộc điện thoại giữa hai người mật độ ngày càng dày hơn, tha thiết và nồng thắm hơn, làm thổn thức hai con tim chưa một lần gặp mặt. Thông qua bạn bè ở quê, Văn biết nhiều hơn về cô gái vẫn hằng đêm nói chuyện điện thoại với mình. Rồi chàng lính biển đã nói lời yêu khe khẽ trong tiếng sóng biển rì rào. Tình yêu của họ lớn dần qua những cuộc điện thoại. Và, họ quyết định về chung một nhà khi cả hai chưa kịp biết mặt nhau. Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn nhớ lại:
- Ngày chúng em gặp nhau lần đầu cũng là ngày cả hai bàn chuyện đám cưới.
Cũng chỉ vì những ngày phép ngắn ngủi nên đám cưới được tổ chức nhanh chóng. Thế rồi, cuộc hôn nhân được xây đắp từ tình yêu chóng vánh ấy, cùng những biến cố trong gia đình đã làm Văn ngộ ra rằng: “Dường như đó không phải tình yêu đích thực”. Hàng xóm, bạn bè ai cũng cảm thông vì biết rằng anh Văn quanh năm xa nhà, thời gian để tìm hiểu và lựa chọn người bạn đời của mình quá ít. "Trách người ta nhiều, nhưng trước hết mình phải trách mình trước đã..."- Văn tâm sự với tôi như vậy.
Gia cảnh của Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn hiện rất khó khăn, trong khi việc chữa trị và chăm sóc hai cháu cũng khá tốn kém. Chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các nhà hảo tâm đối với hai con của Thiếu úy QNCN Phạm Tân Văn. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Phạm Văn Thinh, xóm Thắng Lợi, thôn Vạn Minh, xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; ĐT: 0974.893.040. |
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC