Anh An (bên phải) cùng đồng đội trên trận tuyến mới

Trận đại đội Đặc công 73 đánh bốt Định Hoà (thị xã Thủ Dầu Một) lúc nửa đêm 23 - 6 - 1974 kết thúc thắng lợi. Ta xoá sổ đại đội bảo an địch, bắt sống 20 tên, thu toàn bộ vũ khí, làm chủ trận địa. Đối với Nguyễn Văn An (người chỉ huy một mũi tiến công địch trong trận ấy) thì đó là một kỷ niệm sâu sắc: Trận đánh thứ ba mươi tư mà anh tham gia; 2 viên bi (bom bi) tai ác của địch chui vào nằm sát màng phổi bên trái; cụt ngang bắp chân bên phải; mắt anh mờ đặc vì khói bộc phá và lựu đạn nổ.

Khả năng cảm nhận đặc biệt của người lính đặc công dạn dày trận mạc đã giúp anh bò ngược ra hướng cửa mở; đồng đội cứu anh. 5 lần bị thương trước đây, và lần này nữa, làm anh không còn đủ sức khoẻ để tham gia chiến đấu… Năm 1977, người con gái quê hương có cái tên dễ thương: Tô Thị Tân, lên tận Đoàn an dưỡng Chí Linh (Hải Dương) đón anh về làm lễ cưới trong tình yêu thương và lòng tự hào có người chồng là chiến sĩ đặc công chiến thắng trở về. Hai năm sau đó anh ra quân theo chế độ mất sức 71% - thương binh hạng 2/4, vừa lúc bước vào độ “Tam thập - nhi lập”.

Anh An về quê xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cùng vợ xây dựng kinh tế trong hoàn cảnh “tay không bắt giặc”. Trái tim nóng và dấu ấn từ những trận đánh thọc sâu ở chiến trường làm anh không lùi bước trên mặt trận mới. Qua tìm hiểu, anh thấy ở đây đó đang nổi lên chuyện nuôi con ba ba cho thu nhập cao, nhưng với quê anh thì còn rất lạ lẫm. Nghiên cứu các yếu tố có liên quan, anh quyết định theo hướng nuôi ba ba. “Trận đánh mới” này không ác liệt như đánh giặc ở chiến trường, nhưng gian khổ thì không kém. Từ tay trắng tới một con ba ba đã là “biến không thành có” chứ chưa nói đến nuôi ba ba để phát triển kinh tế!

Anh An (bên phải) hướng dẫn bạn về kỹ thuật chăm sóc ba ba tại ao nhà

Anh An xem kế hoạch sản xuất ba ba của mình như một phương án quyết tâm chiến đấu. Tạo vốn và học nghề là “chuẩn bị lực lượng”. Nuôi và xuất lứa đầu tiên là “giai đoạn mở cửa”. Phát triển đàn ba ba là chiếm lĩnh trận địa. Sau đó “đánh các trận” tiếp theo… Anh vừa đưa ngọn bút chì trên mặt sau của tờ lịch cũ, vừa cười hóm hỉnh…

Mười ba năm trời (1979 - 1992) là giai đoạn gây dựng cơ nghiệp. Được sự quan tâm, động viên của chính quyền và bà con làng xóm, vợ chồng anh đã đào, đắp hàng trăm khối đất, ngăn rạch, đắp vồng, tạo những mùa nặng hạt, trĩu bông trên mặt triều trũng. “Nhất cử lưỡng tiện”, anh đào ao rộng 150m2 lấy đất đóng gạch, nước thì để nuôi ba ba (!)…

Một buổi sớm mùa xuân năm 1992, dân ở vùng trọng điểm nuôi ba ba thuộc tỉnh Hưng Yên thấy người đàn ông thập thễnh “khăn gói quả mướp” đi xin phụ việc nuôi ba ba. Như người ấy nói, năm trước bị tai nạn giao thông, cụt chân. Nay đi tìm việc làm chỉ cốt lấy miếng cơm ăn! Người ta nhìn anh chàng ái ngại. Có người đưa miệng: “Chân thật còn chẳng ăn ai, nữa là chân giả”. Bà con sở tại thì cũng muốn giữ bí quyết nuôi ba ba của địa phương mình. Thành ra, mặc dù đã khẩn khoản hết nước, mà đến xế chiều, người đàn ông thập thễnh ấy vẫn chưa được ai nhận cho vào làm việc không lương, ngoài hai bữa cơm chỉ cốt để ấm cái bụng! Mặt trời sắp lặn, có một ông lão dáng người quắc thước, mắt còn tinh sáng, nét mặt chữ điền, vẻ thâm trầm… vác chiếc thuổng sắt, tay xách con ba ba có cái cổ dài đến gang tay, từ phía trang trại ở ngoài đồng đi về. Có vẻ như duyên trời định, họ gặp nhau ở dốc đê. Người thập thễnh thì hết nhìn con người quắc thước kia, lại chúi mắt vào con ba ba. Người xách con ba ba thì động lòng trắc ẩn trước chàng trai có cái chân thập thễnh… Thế rồi, ông lão đưa anh về nhà mình.

…Người bố của một liệt sĩ chống Mỹ ấy rất quý trọng cái nết trung thực, chăm chỉ, cầu thị đầy cá tính của chàng thương binh đặc công có cái tên gợi lên sự yên lành: Nguyễn Văn An. Một bên tri nhân, tri nghiệp, ở bậc phụ mẫu. Một bên trọng người, trọng nghề, ở bậc cháu con. Hai bên đều có gửi máu mủ ở chiến trường cứu nước. Giải cấu tương phùng. Cuộc sống đã đưa khiến họ dựa vào nhau thành tri âm, tri kỷ. Hai tháng sau, anh An tạm biệt ân nhân, về quê với chiếc “cần câu cơm” - kỹ nghệ nuôi ba ba cao cấp, vừa có tính khoa học hiện đại lại vừa có sắc thái gia truyền! Chiếc chìa khoá ấy sẽ giúp anh khai thông cửa mở mặt trận sản xuất đặc sản ba ba với bất kỳ trận đánh nào đang ở phía trước.

Đầu năm 1993, anh An dốc toàn bộ số tiền chắt chiu, vay thêm của quỹ tín dụng nhân dân Đại Đồng và người thân, tiến hành xây bờ ao, mua 100 con ba ba giống (loại ba, bốn lạng /một con), hết 22 triệu đồng. Anh tổ chức thu mua giun đất, ốc nhái, cá lẹp… và tự tay pha chế thức ăn nuôi ba ba. Anh làm “nhà” cho chúng tránh rét, tạo chỗ cho chúng “nghỉ mát” đêm hè… Tròn một năm, con ba ba đã nặng gần 1kg. Anh An rất muốn bán đi để “lấy ngắn nuôi dài”. Ngặt một nỗi, năm ấy mùa lúa quê anh bị bão phá hỏng, ba ba trở nên mất giá. Bán đi thì lỗ quá nửa! Anh xin ý kiến ân nhân. Ông lão nói như ra lệnh: “Phải kiên trì. Dù vất vả cũng không nhượng bộ. Tương kế tựu kế”! Anh hiểu hàm ý câu nói đó, liền chuyển sang phương thức sinh dưỡng nuôi ba ba sinh sản. Sáu tháng sau đó, đàn ba ba của anh đã đạt hơn 1kg/con. Chúng đồng loạt cho ra những quả trứng như trứng gà ri con so. Cứ mỗi tuần một lứa, trắng xoá các gò chúng thường “nghỉ mát” đêm đêm. Anh An tổ chức ấp trứng. Như trong mơ, đủ ngày, những chú ba ba con bò lổm ngổm, dày đặc mặt gò, tràn xuống ao làm mặt nước rung rinh như có hồn. Anh An lo lắng tổ chức nuôi dưỡng hàng nghìn con ba ba nhỏ xíu trong niềm vui hân hoan không nói được thành lời… Khi chúng vào cỡ ba lạng/một con, anh xuất bớt đi, vừa đủ tiền giống vốn thì dừng lại, để nuôi tiếp. Ghi nhận và cảm phục tinh thần quyết tâm vượt khó, làm giàu của anh, Ban quản trị HTX khuyến khích anh đấu thầu ao đầm, tạo mô hình nuôi đặc sản ba ba ở địa phương…

Hiện nay, anh An đã có 3 ao được xây kiên cố với hơn 1000m2 mặt nước, sâu 1,5 đến 2 mét để nuôi ba ba. Hằng năm, ngoài hàng tấn ba ba thịt, anh thường xuyên có hơn một nghìn con ba ba giống để gối vụ cho năm sau. Anh cũng đang phát triển giống ba ba gai (mai có gai nhỏ) - một thứ đặc sản, có khả năng chống bệnh tật cao, chịu được giá lạnh, thịt đậm và thơm, giá bán trên thị trường cao gấp rưỡi ba ba thường. Mỗi năm gia đình anh An thu lãi từ nuôi ba ba ngót trăm triệu đồng, kèm theo hàng chục triệu đồng tiền cá (những loại cá nuôi góp để tăng môi trường sinh dưỡng cho ba ba mà anh học được từ ân nhân) - và gà đẻ, gà thịt trong các chuồng kê trên những cây vải thiều quanh ao.

Mùng 4 tết Giáp thân - 2004, có đôi vợ chồng vốn là khách hàng của anh, khẩn khoản mời anh đến nhà một đồng đội cũ để nói chuyện về nuôi ba ba. Nghĩ rằng đây là dịp để thực hiện lời khuyên của ân nhân: “Hãy mở lòng hướng vào việc xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với những người lính trở về!”, anh sốt sắng lên đường. Tới nơi, 23 người đàn ông, hầu hết là cựu chiến binh ở xã Đại Đồng, Hải Dương và một số địa phương lân cận đã tề tựu. Thế là buổi “tầm sư học đạo” đã trở thành ngày thành lập “Hội nuôi ba ba gai đặc sản” - một hội tự nguyện của 23 người cùng chung sở thích.

Họ bầu anh An làm Hội trưởng. Nhưng anh thì lại bảo cứ gọi anh là “mũi trưởng” để nhớ những ngày còn trong trận mạc. Không phụ lòng tin của mọi người, anh An nhiệt tình truyền cho họ những kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ba ba mà anh tích luỹ được, giúp các hộ khó khăn, túng thiếu tạo vốn ban đầu. Anh luôn luôn mong muốn có nhiều người ăn ra làm nên để hỗ trợ lẫn nhau, cộng đồng vui vẻ. Qua gần ba năm “Hội nuôi ba ba gai đặc sản” đã có những bước phát triển. Hội thường xuyên rút kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi ba ba, đồng thời động viên giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hội đã góp những ý kiến có giá trị tại các diễn đàn nuôi trồng thuỷ sản của huyện (Tứ Kỳ, Hải Dương), Hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của xã. Gia đình các hội viên, từ chỗ còn nhiều khó khăn, nay đã có “bát ăn, bát để”, có thêm điều kiện để góp phần xây dựng làng xóm, quê hương

“Anh An là tấm gương thương binh vượt lên hoàn cảnh, tự lực, tự cường. Anh đã tác động tích cực đến lớp trẻ ở địa phương, khích lệ họ lao động và sáng tạo”. Đồng chí Phạm Huy Tưởng - Phó bí thư thường trực - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đại Đồng đã nói với chúng tôi như vậy.

Năm 2004, anh An được đi dự Hội nghị biểu dương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc tại Hà Nội. Những tấm bằng khen về thành tích làm kinh tế cùng với hai tấm Huân chương Giải phóng và những bằng khen về thành tích chiến đấu năm xưa luôn luôn khích lệ anh đạt kết quả cao hơn nữa trên trận tuyến mới hôm nay.

Bài và ảnh: Phạm Xưởng