Ấy vậy mà khi vào bộ đội, viết thư trở thành phong trào. Những chiến sĩ trẻ sau giờ huấn luyện, tranh thủ lúc rảnh rỗi là ngồi viết thư. Bao chuyện học rèn, huấn luyện, sinh hoạt... tha hồ kể với người thân, bạn bè. Thế nên, những trang giấy gửi về hậu phương luôn kín mít những chữ là chữ. Viết xong, chúng tôi gấp những trang thư thành các kiểu khác nhau. Đơn giản thì gập lại làm ba, làm tư; cầu kỳ thì hình trái tim, hạc giấy, lúc lại bông hoa, thuyền buồm. Bên trang thư có khi gửi kèm vài nét ký họa hoặc tấm thiệp chúc mừng, nhành hoa khô ép lại. Ngoài bì thư có người còn viết những lời nhắn gửi dí dỏm: “Thư đi nhớ phố nhớ phường/ Thư đi xin chớ lạc đường nghe thư” hay “Xa xôi tình cảm dạt dào/ Nhờ ông bưu điện gửi vào tận tay”... Mỗi lần viết thư xong, chúng tôi nhờ “anh nuôi” đi tiếp phẩm gửi giùm. Thế là bao hy vọng đợi chờ lại dồn cả vào những cánh thư.

Lá thư đầu tiên tôi viết gửi về nhà. Để gia đình yên tâm, tôi kể toàn chuyện vui gửi kèm bức ảnh mặc quân phục đẹp nhất. Thư gửi đi rồi mà mãi chưa thấy hồi âm. Phải đến gần một tháng sau tôi mới nhận được thư hồi âm. Tôi vui mừng phấn khởi vội vàng mở trang thư. Trong thư, mẹ kể bao chuyện ở nhà, toàn là chuyện vui. Thế nhưng đằng sau những dòng chữ ấy, tôi lại hình dung ra khuôn mặt mẹ đượm buồn vì nỗi nhớ con. Mẹ vốn hay tủi thân, dễ xúc động. Những khi buồn, mẹ thường len lén giấu đi đôi mắt rưng rưng. Nhà vốn neo người, khi tôi đi vắng chắc mẹ sẽ buồn hơn. Nghĩ đến điều đó, tôi viết thư nhiều hơn gửi về động viên mẹ. Cũng vì vậy, những cánh thư của mẹ gửi đến cho tôi cứ thế một dày thêm như sợi dây gắn kết tình cảm gia đình, giúp tôi vững bước trước mọi khó khăn. Đến bây giờ, tôi vẫn gìn giữ cẩn thận những lá thư của mẹ, coi đó là một phần ký ức không thể nào quên trong chặng đường quân ngũ.

VŨ DUY