Ngày đầu tiên đặt chân đến Bộ Tư lệnh Hải quân, số 1A Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh, tôi được bố trí ở cùng với mẹ Phan Hoa Lệ, nhà ở quận 8, TP Hồ Chí Minh ra thăm con trai là Vương Trọng Tín hiện đang đóng quân tại đảo Trường Sa lớn.
Mẹ Lệ sinh năm 1958, có 4 con trai, Tín sinh năm 1995, là con trai út trong gia đình. Lần này, sau bao nhiêu chờ đợi mẹ Lệ đã nhận được thông báo đi cùng đoàn thân nhân ra thăm con trai.
Khỏi phải nói niềm hạnh phúc của mẹ. Kể từ khi mới gặp, mẹ đã luôn kể về cậu con trai của mình. Mắt mẹ thường ánh lên niềm hạnh phúc mỗi khi nhắc đến Tín. Mẹ lấy ra trong ba lô mấy tấm ảnh rồi chỉ cho tôi: “Đây là thằng Tín con trai út của mẹ đấy, nhìn nó có đẹp trai không? Nó ngoan lắm con ạ!” Tôi đọc được trong ánh mắt ấy một niềm tự hào to lớn.
Mẹ Lệ đang kể chuyện con trai.
Hoàn cảnh gia đình mẹ Lệ còn nhiều khó khăn, vợ chồng con cái mẹ hiện đang ở nhờ nhà mẹ đẻ năm nay 88 tuổi. Mẹ kể cho tôi nghe về cuộc sống mưu sinh vất vả để nuôi các con khôn lớn, nhưng mẹ chưa bao giờ than trách số phận vì các con của mẹ đều trưởng thành từ những người lính đảo, được rèn luyện để trở thành những người không chùn bước trước mọi khó khăn. Mẹ nói: “Các con đi vì nghĩa vụ với Tổ quốc nên mẹ luôn ủng hộ, mong các con hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về”.
Có lẽ do đi lại vất vả nên huyết áp mẹ bị tăng, khi bác sĩ kiểm tra thì thấy huyết áp mẹ cao quá. Các sĩ quan và bác sĩ của Lữ đoàn 146 xét thấy tình hình sức khỏe không cho phép nên quyết định để mẹ Lệ trở lại nhà. Chiều hôm đó, mẹ Lệ một mình ra hiệu thuốc lén mua thuốc huyết áp, rồi cố gắng ngồi nghỉ ngơi để mong bác sĩ kiểm tra lại huyết áp bình thường mẹ lại có thể đi thăm con trai. Bác sĩ lên tận phòng động viên mẹ Lệ, ân cần dặn mẹ cứ ăn uống nghỉ ngơi cho khỏe, đến tối sẽ kiểm tra lại huyết áp, nếu đủ điều kiện thì mẹ sẽ được đi thăm con. Nhưng khi kiểm tra lại huyết áp mẹ vẫn cao quá. Anh em chỉ huy trong Lữ đoàn ngồi lại cùng mẹ, làm công tác tư tưởng, động viên mẹ: “Thôi mẹ cứ về chuyến này, lần sau huyết áp ổn định mẹ lại ra thăm con trai nhé! Ai cũng muốn mẹ được đi, nhưng đây là việc quan trọng, liên quan đến sức khỏe của mẹ, liên quan đến cả chuyến đi, do điều kiện sức khỏe như vậy, giữa biển khơi sóng gió, sợ ảnh hưởng tới mẹ và cũng ảnh hưởng tới đoàn công tác”. Tôi cảm động trước những lời động viên của các anh, những người lính hải quân từng dạn dày sương gió biển cả, hiểu được những gian lao khi đi biển, hơn ai hết họ thấu hiểu được ước mong trùng phùng của thân nhân những người lính đảo, đặc biệt là những người mẹ. Họ rất muốn mẹ được gặp con trai, nhưng trong hoàn cảnh này buộc phải để mẹ trở lại nhà. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ, chúng tôi ai nấy đều ngậm ngùi. Mẹ muốn ra thăm con trai từ lâu lắm rồi, đã đăng ký từ lâu cứ ngỡ không được, đến khi nhận được tin từ Vùng 4 Hải quân thông báo mẹ chuẩn bị tư trang để đi ra đảo thăm con trai, mẹ vui mừng khôn xiết, vậy mà giờ lại không được ra thăm con, tôi hiểu tâm trạng của mẹ lúc này thế nào. Tôi an ủi mẹ: “Mẹ cứ yên tâm nhé, cứ nghỉ ngơi cho khỏe, mẹ có muốn nhắn nhủ gì con trai thì con sẽ thay mẹ chuyển đến tận nơi”. Mẹ rút ra trong ba lô 2 chiếc săm xe đạp, 2 thẻ điện thoại và 1 lọ dầu gió xanh. Mẹ bảo: “Gửi ra cho thằng Tín mấy cái săm xe để nó đi xe đạp, thẻ điện thoại để nó gọi điện về nhà cho mẹ đỡ nhớ, còn dầu gió phòng khi nó bị cảm”. Có lẽ, đây là món quà quý nhất mà tôi từng được chứng kiến, món quà của tình mẹ thiêng liêng!
Vương Trọng Tín bên món quà của mẹ.
Bước lên đảo Trường Sa lớn, việc đầu tiên là tôi tìm gặp cậu con trai của mẹ, hỏi thăm thì được biết Tín đang chuẩn bị hậu cần dưới bếp ăn của đơn vị. Tôi nhanh chân tìm đến. Trước mặt tôi là một chiến sĩ trẻ, nước da ngăm đen vì sương gió Trường Sa, những giọt mồ hôi lấm tấm đầy trên gương mặt rắn rỏi, nụ cười rất có duyên. Tôi giới thiệu qua rồi đưa cho Tín món quà mẹ gửi, không quên bảo cậu ngồi lại để chụp ảnh cùng món quà gửi về cho mẹ Lệ, vì trước khi đi tôi đã hứa với mẹ sẽ chụp ảnh con trai gửi về cho mẹ.
Trước khi chia tay, Tín chạy ra dúi vào tay tôi mấy bức ảnh của cậu trên đảo để gửi về cho mẹ, trong đó còn gửi cho tôi 2 tấm hình: Một tấm chụp hoa bàng vuông rất đẹp và một tấm là chồi bàng vuông đang vươn lên trong nắng gió Trường Sa, giọng thẹn thùng: “Em tặng chị nè!”.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy xúc động và bất ngờ như thế, nhìn dáng cậu lính trẻ chạy đi rất nhanh dưới những tán bàng vuông, sự quý trọng và niềm tin yêu vào những người lính đảo chợt dâng lên trong lòng. Mong cho em mãi vững chãi như bông hoa bàng vuông và đầy sức trẻ như chồi bàng vuông đang vươn mình ra biển lớn, để mãi là niềm tự hào của mẹ, của những người thân đang ngày đêm mong nhớ em.
Bài, ảnh: TƯỜNG VY