QĐND Online - Sau 33 năm yên nghỉ lại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, danh tính, đơn vị công tác, ngày tháng năm hy sinh của người liệt sĩ tại ngôi mộ thứ 3 hàng 3 đã được xác định. Đó là liệt sĩ Đào Văn Minh, sinh năm 1954, quê xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, pháo thủ xe thiết giáp K63, Đại đội 2, Tiểu đoàn 177b, Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 574 hy sinh ngày 24-3-1975.

Hơn 37 năm sau ngày giải phóng, Cựu chiến binh (CCB) Bùi Tiến Hợp cùng gia đình về thăm “chiến trường xưa” kể lại câu chuyện của kíp xe K63 huyền thoại ngày đó: “Trên xe có tất cả 5 người, ngoài trưởng xe Nguyễn Quốc Vinh và tôi - lái xe, có pháo thủ Đào Văn Minh, thợ sửa chữa Lương Văn Trụ và một anh bộ đội công binh dẫn đường. Trên đường tiến vào thị xã Tam Kỳ, đến ngã ba Nam Ngãi, đoàn xe tăng-thiết giáp của địch ùn lại chống trả, chúng tôi dùng hỏa lực áp đảo chia cắt đội hình định. Trên đường truy đuổi, khi chỉ còn cách xe M113 của địch chừng 200 mét, tôi hô to: “Minh ơi, bắn đi!”. Không nghe tiếng súng nào, ngoái lại thấy pháo thủ Đào Văn Minh đã hy sinh, máu loang đỏ cả vùng đầu và ngực nhưng hai mắt vẫn mở căng. Trước tình thế khẩn cấp, tôi cho xe lao thẳng vào xe địch. Hoảng hốt, chiếc M113 lao xuống vệ đường, tên lính ngụy giơ hai tay lên đầu run rẩy chui ra khỏi xe. Đây cũng là chiếc thiết giáp đầu tiên Trung đoàn 574 bắt sống trên chiến trường Khu 5. Sau đó tôi bồng anh Minh ra khỏi xe, giao cho đơn vị bộ binh chôn cất và tiếp tục truy kích địch”.

Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 574 chụp ảnh cùng thân nhân liệt sĩ Đào Văn Minh, gia đình CCB Bùi Tiến Hợp (ngày 23-7-2012).

Vừa là đồng niên, đồng ngũ (1971) và đồng hương nên giữa lái xe Bùi Tiến Hợp và pháo thủ Đào Văn Minh có một tình bạn sâu nặng. Theo anh Hợp, anh Minh dáng cao dong dỏng, tính tình hiền lành, vui vẻ. Những lúc tâm tình bên nhau, anh thường đáu đáu kể về người mẹ già và những anh chị em ruột thịt ở quê nhà. Hy sinh ở tuổi 21, liệt sĩ Đào Văn Minh chưa một lần cầm tay bạn gái. Khi anh Minh hy sinh, anh Hợp tiếp tục cùng đơn vị tham gia các trận đánh giải phóng các tỉnh Khu 5 và có mặt trong đội hình quân chủ lực tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975. Năm 1976 anh ra quân, trải qua 10 năm công tác trên đất nước Nga (1983-1993) rồi theo con đường kinh doanh. Hiện nay anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vật liệu nhẹ Thăng Long. Canh cánh bên lòng về người bạn chiến đấu không biết an nghỉ nơi đâu, năm 1999, anh tìm về xã Liên Châu, kể lại câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của liệt sĩ Đào Văn Minh và để lại địa chỉ cho gia đình cùng lời nhắn: Khi nào đi tìm mộ nhớ báo để cùng đi. Bản thân anh Hợp đã có nhiều chuyến âm thầm về Quảng Nam nhưng đều chưa tìm được mộ.

Cuối tháng 2-2012, sau khi dự lễ kỷ niệm 39 năm ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu anh hùng của Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 574, anh Bùi Tiến Hợp tình cờ biết được câu chuyện với nhiều tình tiết về người lính yên nghỉ tại ngôi mộ số 3 hàng thứ 3 từ cổng Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Xuân, chính là người bạn cùng kíp xe K63 năm nào. Anh đã cùng anh Đào Văn Vỵ (em trai liệt sĩ Đào Văn Minh) vào Tam Xuân xin phép chính quyền địa phương khai quật mộ, lấy một mẩu xương nhỏ gửi về Cục người có công (Bộ LĐ-TBXH) cùng với mẫu sinh phẩm từ mẹ và các chị em gái liệt sĩ Minh để xét nghiệm. Sau 3 tháng hồi hộp chờ đợi, kết quả ADN hoàn toàn trùng khớp, gia đình vui mừng khôn xiết. Ngày 22-7-2012, chị gái Đào Thị Do, hai em trai Đào Văn Vỵ, Đào Văn Tích, người cháu Trần Thế Thọ (gọi liệt sĩ Minh bằng cậu) cùng vợ chồng anh Hợp và 2 con lên đường về Tam Xuân cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Đào Văn Minh về an táng tại quê nhà.

Chiều 23-7-2012, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Xuân, trước sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, nhân dân xã Tam Xuân I và đông đảo cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 574, ngôi mộ thứ 3 hàng số 3 đã được khai quật. Những người lính Tăng-Thiết giáp dựng lều bạt, thận trọng và tỉ mỉ bới từng lớp đất. Theo thông tin từ địa phương, liệt sĩ Minh được đưa về an táng tại đây từ năm 1979 nhưng khi khai quật, gia đình đã tìm được rất nhiều xương, trong đó có cả chiếc xương răng gần như còn nguyên vẹn của liệt sĩ. Sau lễ an táng thành kính và xúc động, sáng 24-7, hài cốt liệt sĩ Đào Văn Minh được đưa về quê nhà. Lúc chia tay, chị Đào Thị Do sụt sùi: “Gia đình chúng tôi cảm động vô cùng trước nghĩa tình của quê hương Tam Xuân I, của đơn vị. Những ngày qua, Trung đoàn 574 và địa phương đã đón tiếp chu đáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình hoàn chỉnh các thủ tục, giấy tờ có liên quan. Nếu như không có những tấm lòng của bộ đội và nhân dân ở đây, và nhất là người bạn nghĩa tình như anh Hợp, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới tìm được hài cốt em mình. Mẹ tôi năm nay đã 96 tuổi và đây sẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ tôi những năm tháng cuối cuộc đời”.

Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp