Nhưng lúc còn sống, khi biết tin được làm thủ tục phong tặng, nội rưng rưng nói với tôi: “Đón nhận danh hiệu, nội tự hào lắm, nhưng nội sợ chính hào quang của niềm tự hào sẽ khơi lại niềm đau quá khứ mà nội đã cố chôn chặt trong lòng bấy lâu nay”.

Nội tôi là vậy, cả cuộc đời nhẫn nhịn, chấp nhận khổ đau, hy sinh đến tận cùng, đến độ... nỗi đau nào nội cũng có thể vượt qua!

Gia đình tác giả và bà nội-Bà mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Can, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Ảnh tư liệu gia đình, chụp năm 2008 

Chỉ trong năm 1968, nội tôi vĩnh viễn mất đi hai người con thân yêu. Con trai đầu là liệt sĩ Nguyễn Tấn Được, lúc hy sinh là một chàng trai tuổi vừa 18, khỏe khoắn, thông minh, sớm được tổ chức trọng dụng, đưa vào hàng ngũ, bị biệt kích chỉ điểm, đã ngoan cường bám trụ cơ sở, chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Con trai thứ hai của nội là liệt sĩ Nguyễn Tấn Luông, một thanh niên cao ráo, đẹp trai nức tiếng cả vùng; hy sinh khi chưa đầy 17 tuổi, trên tay vẫn cầm chặt vũ khí hướng về phía quân thù. Cả hai con của nội đều bị kẻ thù dã tâm cho nổ mìn banh xác; và chính bàn tay nội đã kiếm tìm, nhặt lại từng bộ phận cấu thành nên những đứa con vốn hoàn hảo mà nội rứt ruột sinh ra.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, cũng trong năm 1968, người con thứ 6 của nội (chú Nguyễn Tấn Hồng) giẫm phải mảnh bom của giặc, bị nhiễm trùng uốn ván, đi theo những người anh về với tổ tiên khi chưa tròn 10 tuổi. Bấy giờ, nội đang bị địch bắt, không thể tự tay chăm bẵm tấm thân non dại và chôn cất sinh linh bé nhỏ mà nội hết mực thương yêu.

Đớn đau là thế, nhưng nội chưa một lần rơi nước mắt trước chúng tôi khi nhắc về những nỗi đau, mất mát của gia đình; chỉ thấy hằng đêm nội thắp hương thật lâu trước ban thờ các con, rồi như lẩm bẩm nói điều gì đó; có khi nội đứng như vậy đến tận đêm khuya...

Hiểu lòng nội, có lần tôi òa khóc bảo nội đừng như thế mãi, hãy khóc thật lớn để vơi bớt những đớn đau; rồi tôi bày tỏ sự uất ức, căm thù lũ giặc ngoại xâm. Thế nhưng, nội trầm lặng, hướng ánh mắt ngấn đục vốn không còn nước mắt, nhìn yêu thương đứa cháu mặc quân phục sĩ quan quân đội, rồi vỗ về: "Đau xót lắm con ạ, nhưng đó là cái giá của hòa bình. Bây giờ, trưởng thành rồi, đứng vào hàng ngũ của ông nội và các bác rồi thì phải vững chí mà phấn đấu, trưởng thành. Hãy sống bằng tất cả yêu thương và lòng vị tha, con ạ!".

Tôi biết nội đớn đau tận cùng, hy sinh quá đỗi, thế nhưng, nội không hề oán giận, căm thù ngay chính kẻ thù đã sát hại những người thân yêu. Mấy chục năm trước, biết tin Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao, nội bảo với tôi: “Như vậy cũng là tốt rồi. Thêm một người bạn, sẽ bớt đi một kẻ thù. Chúng ta vị tha sẽ khiến những kẻ lầm lỗi thức tỉnh lương tri, trách nhiệm”. Khi có các đoàn cựu binh Mỹ hay tổ chức nào đó không rõ lắm về tìm hài cốt quân nhân Mỹ, nội tôi vẫn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo những nơi có thể vẫn còn xương cốt của những kẻ từng đi xâm lược, sát hại đồng bào.

Lại có chuyện, nội tôi hết đỗi bao dung, vị tha với một kẻ ngày trước từng làm tay sai cho giặc. Hắn vốn là thám báo biệt kích, từng chỉ điểm hoạt động nằm vùng của ông nội ở Tân Phú (vùng cách mạng thuộc xã Hành Tín). Nhờ có hắn mà địch bắt được ông nội. Để thể hiện lòng trung thành và mong lập công lớn, hắn hùng hổ chĩa súng vào đầu ông nội đòi bóp cò, nhưng bà nội đã kịp đưa tay bịt nòng súng, rồi bị hắn đánh đập dã man. Ấy thế mà sau giải phóng, với chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, gia đình người đàn ông đó vẫn được nương sống ở vùng quê cách mạng. Bấy giờ, nhà ông ta khó khăn trăm bề do bị nhiều người miệt thị, nhưng nội tôi vẫn thi thoảng mang tới gia đình ông mớ khoai, đọ sắn... Bao giờ cũng vậy, nhìn thấy nội, ông đều nức nở khóc, bày tỏ ăn năn, còn nội vẫn cứ trầm mặc: “Giờ đất nước hòa bình rồi chú!”. Có lẽ bởi thế mà ngày nội tôi mất, dẫu ông ấy không dám sang tận nhà phúng viếng, nhưng đến đêm thì một mình lặng lẽ ra mộ, cúi gập đầu tự vấn khăn tang, rồi thắp hương khấn vái.

Học theo nội, bố tôi, các bác, chú trong gia đình dù đều là thương binh, bệnh binh, phải đối diện với những nỗi đau hành hạ của vết thương cũ mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng kỳ lạ thay, họ đều sống rất lạc quan; thường dạy bảo chúng tôi phải biết gạt bỏ hận thù, hướng đến tương lai bằng sự vị tha cao thượng nhất.

Giờ tôi đã trưởng thành, mà đúng hơn là đã ở ngưỡng trung niên, trải qua biết bao vui buồn cuộc sống, nếm trải cả những niềm đau trong đời, cũng tường rõ những ai chưa tốt với mình, thậm chí cả những người xấu, cố tình hãm hại... Thế nhưng, trên hết là sự an nhiên sống và tuyệt nhiên vâng lời nội dạy; sẽ cố ngăn lại những uất ức và hận thù, nhường chỗ cho lòng vị tha bao dung, để sống sao cho xứng đáng là đứa cháu ngoan của nội.

Tháng Bảy về nhớ nội xiết bao, xin viết những dòng tự sự sâu tận đáy lòng gửi về nội muôn thuở kính yêu!

NGUYỄN TẤN TUÂN