QĐND - Ngày trả phép hôm ấy mưa và rét ngọt. Các chiến sĩ vai mang ba lô về đơn vị, phấn khởi sau những ngày thăm gia đình. Tôi để ý, có một chiến sĩ, vai mang ba lô đi cùng một cô gái trẻ. Vừa bước vào phòng chính trị viên đại đội, chiến sĩ nói: “Báo cáo, tôi lên phép an toàn!”. Chính trị viên hỏi thăm gia đình và nhìn sang cô gái đi cùng. Thấy đồng chí chính trị viên có vẻ băn khoăn, chiến sĩ trẻ tiếp lời: “Dạ, đây là người yêu của em. Hôm nay, em đưa cô ấy lên để chào các anh và ra mắt đơn vị”.

Lúc ấy đúng giờ giải lao, nhiều chiến sĩ vây quanh chúc mừng. Binh nhất Phạm Xuân Dũng (chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4) giới thiệu với đồng đội: “Người yêu mình là Đào Thị Vinh, làm nghề may. Hai đứa từ nhỏ cùng chăn trâu cắt cỏ, học với nhau cùng trường”.

Binh nhất Phạm Xuân Dũng và Đào Thị Vinh trong lần ra mắt đơn vị.

Dũng nhập ngũ muộn hơn so với nhiều đồng đội cùng đơn vị, một phần vì gia đình neo người, mẹ ốm đau thường xuyên, việc đồng áng phần lớn do Dũng gánh vác. Nhiều lần gia đình động viên Dũng lấy vợ để có người chăm sóc mẹ và phát triển kinh tế, nhưng anh vẫn chưa tìm được “một nửa” của mình. Thế rồi, vào dịp rằm Trung thu năm ngoái, Dũng tham gia đội văn nghệ của thôn, được chi đoàn sắp xếp hát song ca với Vinh bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Hôm ấy hai người phối hợp rất ăn ý, giọng hát ngọt ngào, đôi mắt lúng liếng nhìn nhau say đắm. Đêm văn nghệ thành công tốt đẹp, Dũng đưa Vinh về tận nhà dưới ánh trăng vằng vặc. Từ đó, Dũng thường xuyên lấy cớ sang nhà tập bài hát để được gặp Vinh. Hai người thường dắt nhau ra bờ sông Hiếu tâm sự, ngắm trăng...

Lối nhỏ vào nhà Vinh ngày càng “mòn” thêm, tình cảm hai người càng nồng thắm. Cuối năm ấy, Dũng lên đường nhập ngũ. Hôm tiễn Dũng về đơn vị, trời đổ mưa, đôi mắt Vinh đỏ hoe, ngiêng đầu vào ngực và trao cho Dũng chiếc khăn tay: “Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe, viết thư về cho em”. Mưa càng nặng hạt, mọi người đã lên xe khi tiếng còi vang lên. Dũng lấy hết can đảm và nắm chặt tay Vinh: “Anh yêu em! Ở nhà chờ anh em nhé”. Vinh khẽ gật đầu và nói “Thôi, anh lên xe đi kẻo muộn”. Xe xa dần rồi khuất hẳn, Vinh đứng một mình hụt hẫng, khi ngoái lại thì mọi người đã về hết…

Sau giờ huấn luyện trên bãi tập, Dũng thường viết nhật ký, viết thư về cho Vinh. Những đêm gác, đôi khi Dũng suy nghĩ, mình đi xa không biết Vinh có yêu nữa không, có chờ đợi được không? Những câu hỏi đó đều được Dũng ghi vào thư. Hàng chục lá thư đi rồi về; những dòng chữ đẹp, mềm mại chất chứa tình yêu thương. Vài tháng, Vinh lại tranh thủ lên đơn vị thăm người yêu. Những lúc rảnh rỗi, Vinh qua nhà chăm sóc, động viên mẹ thay Dũng.

Và chuyến phép ngắn ngủi vừa qua, đôi bạn trẻ báo cáo với gia đình xin được làm con một nhà. Hai gia đình đã chọn đầu Xuân tới, khi Dũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sẽ tổ chức lễ thành hôn.

Bài và ảnh: TƯỜNG HIẾU