Cha tôi là bộ đội. Năm 1986, khi mẹ sinh chị tôi, cha đang ở chiến trường Lào. Gần một năm sau, cha mới được gặp mặt đứa con gái đầu lòng. Ngày mẹ sinh tôi, cha xin nghỉ phép được hai ngày. Chưa kịp nhớ mặt con, cha lại phải khoác ba lô lên đường...
Chúng tôi lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của cha. Tháng năm đằng đẵng trôi qua trong đợi chờ và nỗi nhớ. Cha cứ vắng nhà biền biệt, mẹ đảm nhiệm vai trò của cha chăm sóc, dạy dỗ chúng tôi. Mẹ là người phụ nữ đảm đang, hiền dịu. Những ngày mưa bão, nước dâng ngập nhà, ba mẹ con ôm nhau khóc. Không có cha ở nhà, ba mẹ con phải cố gắng tự xoay xở. Trong hoàn cảnh ấy, chị em tôi trưởng thành hơn, thương mẹ hơn, đồng thời cũng tự hào về sự hy sinh, nghị lực của mẹ.
Sau 10 năm xa cách, mẹ tôi quyết định chuyển nhà vào Huế, nơi cha công tác. Vào thời điểm ấy, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Với đồng lương ít ỏi, ngoài giờ đi làm tại cơ quan, đơn vị, cha mẹ tôi phải làm thêm rất nhiều việc như nuôi heo, đan lưới, bán trà... để có thêm thu nhập, lo cho chị em tôi ăn học. Cha tôi là người nghiêm khắc, giản dị song cũng rất bao dung. Có những lúc khó khăn, vất vả đến cùng cực, tưởng như không vượt qua được, cha lại động viên cả nhà: "Nếu nhìn lại phía sau, nghĩa là thất bại. Nếu muốn thành công, phải biết nhìn lên phía trước. Không có gì là không vượt qua được". Nghị lực, cố gắng, lời động viên của cha là điểm tựa để cả gia đình tiếp tục sống, vượt qua khó khăn trong tình yêu thương và sự sẻ chia.
Bây giờ, chúng tôi đã trưởng thành. Tình yêu thương của mẹ đã nuôi nấng chúng tôi và bài học của cha trong những ngày vất vả trước đây chắp cánh cho chúng tôi tự tin vững bước trong cuộc đời. Chính vì thế, gia đình tôi luôn ngập tràn tiếng cười và niềm hạnh phúc. Cha mẹ tôi đã chuyển công tác về gần nhà. Chị tôi đang giảng dạy ở trường Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế. Còn tôi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành báo chí. Ước mơ của tôi là trở thành một nhà báo quân đội, một người lính như cha: giản dị và kiên cường.
LÊ THỊ PHƯƠNG ANH (Lớp Báo chí K32, Đại học Khoa học Huế)